Tìm hướng để hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản

Thứ hai - 07/05/2018 00:39
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đang có vai trò thiết yếu trong việc liên kết hộ nông dân đi lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhất là tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, hiện số lượng các HTXNN tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản còn rất ít do năng lực hoạt động còn yếu kém.

Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia tại hội thảo về định hướng xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông sản - vai trò của HTXNN trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh tổ chức tại Đồng Nai vào ngày 4-5.

HTXNN tham gia chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế

Tại hội thảo, Phó viện trưởng Viện Chính sách - chiến lược phát triển nông nghiệp -  nông thôn (Bộ NN-PTNT) Hoàng Vũ Quang cho biết, qua nghiên cứu tại các chuỗi giá trị trên 4 sản phẩm nông sản gồm: nho ở Ninh Thuận, thanh long ở Bình Thuận, bò sữa ở Sóc Trăng, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh và bưởi da xanh ở Bến Tre cho thấy, HTXNN khi tham gia chuỗi đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ ổn định cho các thành viên trong HTX. Từ đó, nâng cao thu nhập của các hộ thành viên so với các hộ không tham gia HTX.

Cụ thể theo ông Quang, đối với chuỗi thanh long tại Bình Thuận, thu nhập của các hộ không tham gia HTX và không sản xuất theo quy trình GAP chỉ đạt khoảng 192 triệu đồng/ha. Trong khi đó, các hộ thành viên HTX và sản xuất theo quy trình GAP thì thu nhập khoảng 241 triệu đồng/ha. Con số này đối với các hộ thành viên HTX và sản xuất theo quy trình GloabalGAP còn cao hơn, khoảng 300 triệu đồng/ha. Tương tự, đối với các chuỗi bò sữa, nho cũng cho thấy thu nhập của các hộ thành viên HTX đều cao hơn so với những hộ không tham gia HTX. “Khi tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP nên bán được sản phẩm với giá cao hơn. Ngoài ra, khi các HTX trực tiếp kinh doanh thì còn chia thêm lợi nhuận cho các thành viên. Đặc biệt, việc tiêu thụ nông sản của các thành viên sẽ bớt được nhiều khâu trung gian nên cũng thu được lợi nhuận cao hơn”, ông Quang cho biết.


 Chăm sóc cây ca cao tại HTX ca cao - điều Định Quán, đơn vị tham gia vào dự án liên kết cánh đồng lớn trên cây ca cao.

Tuy nhiên, theo Phó viện trưởng Viện Chính sách - chiến lược phát triển nông nghiệp -  nông thôn, dù có nhiều ưu điểm, nhưng hiện số lượng các HTXNN tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản còn rất hạn chế. Cụ thể, khảo sát tại 6 chuỗi giá trị bò sữa tại 3 địa phương thì các HTXNN chỉ tham gia 2 chuỗi; trong 7 chuỗi giá trị nho ở Ninh Thuận thì các HTXNN chỉ tham gia vào 3 chuỗi; trong 8 chuỗi giá trị thanh long tại Bình Thuận thì chỉ có 3 HTXNN tham gia. Đặc biệt, đối với chuỗi bưởi da xanh tại Bến Tre, các HTXNN chưa thể tham gia do sản phẩm chủ yếu vẫn được bán cho thương lái. “Các HTXNN trước đây chỉ quan tâm nhiều đến việc cung cấp đầu vào mà ít tham gia vào các hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Do đó, nhiều hộ nông dân đã mua bán lâu dài với các thương lái và doanh nghiệp nên HTX gặp khó khăn trong việc thuyết phục nông dân bán hàng cho mình”, ông Quang chỉ ra nguyên nhân.

Ngoài ra, một yếu tố khiến các HTXNN chưa tham gia nhiều vào các chuỗi giá trị là do năng lực của người đứng đầu HTX còn hạn chế. “HTX bưởi da xanh Bến Tre trong vòng 1 năm nay đã 2 lần thay đổi giám đốc nhưng vẫn chưa tham gia vào chuỗi được”, ông Quang cho hay.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, do hạn chế của người đứng đầu nên kỹ năng quản trị HTX  ở nước ta hiện còn rất yếu. Trừ một số HTX có doanh nghiệp tham gia ban lãnh đạo thì có ưu thế, còn đa số HTXNN rất yếu về kỹ năng quản trị, nhất là trong việc vạch ra phương án kinh doanh. Một lý do quan trọng khác là bản thân người nông dân cũng thiếu kỹ năng sản xuất theo đơn đặt hàng. Theo bà Hạnh, để tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản, ngay cả đối với chuỗi tiêu thụ trong nước cũng cần phải sản xuất theo đơn đặt hàng, phải theo tiêu chuẩn chung về mẫu mã hàng hóa của bên mua. Các chuỗi xuất khẩu thì yêu cầu còn cao hơn. “Phần lớn các HTXNN chưa thể tổ chức sản xuất theo quy chuẩn nên việc tham gia vào các chuỗi tất nhiên sẽ hạn chế”, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia lưu ý.

HTX là mô hình tích tụ ruộng đất tốt nhất

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, vai trò của HTXNN trong việc xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị nông sản là rất lớn, nhất là về mặt tích tụ ruộng đất. Thực tế chứng minh, HTXNN là mô hình tích tụ ruộng đất tốt nhất hiện nay. Lý do, doanh nghiệp hiện đi thuê đất sạch và tốt thì không còn do đã được giao cho các hộ dân. Trong khi đó việc đi thuê từ dân với một diện tích lớn cũng không dễ. Do đó, chỉ có HTXNN là có thể tập hợp nông dân để tạo ra các vùng sản xuất lớn, từ đó hình thành các chuỗi giá trị nông sản lớn và bền vững, có sức cạnh tranh.

Nâng cao năng lực cho người đứng đầu HTX

Từ thực tế hiện nay, bà Hà Thúy Hạnh cho rằng, để các HTXNN tham gia nhiều hơn vào các chuỗi nông sản, vấn đề cấp bách là nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho người đứng đầu HTX. Một trong những đối tượng được bà Hạnh chú ý nhấn mạnh, đó là cần đào tạo đội ngũ nông dân trẻ để họ tham gia quản lý các HTXNN. “Thực tế tại nhiều nước cho thấy họ khuyến khích ưu tiên đào tạo các nông dân trẻ. Bởi đây là đội ngũ có năng lực, nhiệt huyết và có kiến thức, nếu được đào tạo bài bản thì hoạt động của các HTXNN sẽ tốt lên”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Tương tự, TS.Đinh Công Tiến, Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý NN-PTNT II cho rằng, thực tế hiện nay, các HTXNN không phát triển được, nguyên nhân quan trọng là do thiếu đội ngũ cán bộ HTX giỏi. Trình độ của người đứng đầu các HTX thấp nên không đưa ra được hướng phát triển cho các HTX. “Cái cần thiết hiện nay là phải tập trung đào tạo cho đội ngũ người đứng đầu HTX, nhất là đào tạo kỹ năng về phát triển phương án kinh doanh”, TS.Tiến kiến nghị.

Ngoài việc tập trung nâng cao năng lực cho người đứng đầu các HTXNN, nhiều đại biểu tham gia hội thảo cũng cho rằng, để các HTX có thể tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản thì việc gỡ vướng chính sách cũng là yêu cầu cấp thiết.

Theo đại diện Tổ chức mạng lưới các HTX và các tổ chức hợp tác của Canada (Socodevi), tổ chức đang tham gia Dự án phát triển HTX tại Việt Nam, các HTXNN sẽ mang lại sự phát triển bền vững và toàn diện hơn khi tham gia vào các chuỗi giá trị. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế tiếp cận tài chính thuận lợi hơn để các HTXNN có nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Hiện các HTXNN ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ, không có tài sản thế chấp nên việc vay vốn rất khó khăn và hạn chế. Điều này làm cản trở sự phát triển của các HTXNN”, đại diện Socodevi cho hay.

Phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTXNN hoạt động hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTXNN hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Đề án đặt mục tiêu cần phải tập trung duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 HTXNN đã được phân loại và đánh giá có hiệu quả trong năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTXNN yếu, kém; thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTXNN hoạt động có hiệu quả.

Lê Văn

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây