Thực tiễn cho thấy, phát huy dân chủ ở cơ sở (DCCS) là vấn đề mấu chốt, là giải pháp hữu hiệu để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển bền vững tại doanh nghiệp. Việc tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ) và tăng cường đối thoại tại nơi làm việc là cách làm hiệu quả nhất để tạo sự thông hiểu lẫn nhau giữa tập thể NLĐ và Ban giám đốc doanh nghiệp, giải quyết mọi vướng mắc nảy sinh trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa hai bên và vì sự phát triển chung.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa
Có dịp được tham dự cuộc đối thoại tại nơi làm việc giữa đại diện Ban Tổng giám đốc Công ty Youngtex Vina, Ban chấp hành CĐCS và Ban đại diện tập thể NLĐ, chúng tôi cảm nhận rất rõ tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở với thiện chí cao giữa các bên. Youngtex Vina (doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất may gia công quần áo, trụ sở tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, hiện có 685 lao động) là một trong những doanh nghiệp được đánh giá có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ, từ việc tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ và thực hiện nhiều hình thức phát huy dân chủ khác. Trong cuộc đối thoại, anh chị em công nhân đã thay mặt tập thể NLĐ đề xuất nhiều vấn đề, trong đó có việc tăng tiền phụ cấp thâm niên, nâng giá trị bữa ăn giữa ca, hỗ trợ tổ chức cho công nhân lao động đi du lịch… Tất cả đều được đích thân Tổng giám đốc Jee Jae Wahn cùng Ban giám đốc nghiêm túc tiếp thu và trả lời thấu đáo. Nội dung nào có thể cải thiện trong khả năng, đại diện Ban giám đốc hứa sẽ giải quyết kịp thời cho NLĐ, nội dung nào chưa thể thực hiện thì giải thích để NLĐ hiểu, thông cảm và chia sẻ.
Có thể thấy rằng, kết quả từ buổi đối thoại không chỉ là việc phát huy được tinh thần dân chủ tại nơi làm việc, NLĐ thể hiện quyền được nêu ý kiến, bàn bạc, thảo luận về những vấn đề mà công ty đang thực hiện mà quan trọng nhất là tạo được sự thấu hiểu giữa hai bên, người sử dụng lao động và NLĐ, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Anh Trần Hữu Chiến, đại diện NLĐ cho biết: “Qua thông tin trao đổi, chúng tôi nhận thấy và thông cảm hơn với những khó khăn của công ty thời gian qua từ đơn đặt hàng đến lợi nhuận chưa nhiều… Tập thể NLĐ chúng tôi luôn đồng lòng quyết tâm chung sức làm tốt hơn nữa hoạt động sản xuất để cùng công ty phát triển. Đó cũng là cách ổn định đời sống, việc làm, cải thiện thu nhập cho chính bản thân NLĐ”. Cũng chính tạo được không khí dân chủ, cởi mở trong tập thể NLĐ nên nhiều năm qua Youngtex Vina không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc, đình công.
Ban giám đốc Công ty Tokin Electronics khen thưởng công nhân lao động có nhiều sáng kiến, cải tiến trong sản xuất.
Là doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm điện tử, có bề dày hoạt động trên 20 năm, trụ sở tại khu công nghiệp Long Bình (KCN Loteco, TP. Biên Hòa), Công ty Tokin Electronics được biết đến như một thương hiệu của sự ổn định và phát triển. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên uy tín của Tokin Electronics (hiện có trên 1.830 lao động) chính là việc phát huy dân chủ trong tập thể NLĐ. Chủ tịch CĐCS công ty Phan Tới Thọ Hiệp cho biết, CĐCS luôn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và ký kết quy chế phối hợp giữa BCH CĐCS và Ban giám đốc công ty, quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS), tạo cơ sở pháp lý trên tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, trong đó quy định các nội dung phối hợp cũng như trách nhiệm của các bên. Cụ thể, Công đoàn - đại diện NLĐ có quyền tham gia hội họp với doanh nghiệp, quyền tham gia ý kiến xây dựng chính sách, các quy chế, nội quy công ty, quyền tiếp cận thông tin, tài liệu và phối hợp cùng kiểm tra, giám sát các hoạt động của công ty trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Các bên cùng chung sức để duy trì ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, cải thiện thu nhập; doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật và nội quy công ty…
Kinh nghiệm của Tokin Electronics trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa là tất cả chế độ phúc lợi của NLĐ đều được chi tiết hóa bằng văn bản và thương lượng đưa vào nội dung thỏa ước lao động tập thể trên cơ sở thống nhất, đồng thuận của các bên đại diện doanh nghiệp-Công đoàn và NLĐ. Đồng thời, đại diện NLĐ trực tiếp tham gia thảo luận với Ban giám đốc công ty về các chính sách, chế độ liên quan đến NLĐ một cách thực chất và thiện chí. Công đoàn và đại diện công ty thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của NLĐ thông qua việc tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại, hội nghị NLĐ, tránh hình thức, chiếu lệ.
Ngăn ngừa đình công
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý lao động và tổ chức Công đoàn tỉnh, những năm qua tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng ổn định. Số vụ phản ứng lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, đình công giảm đáng kể. Tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 161 vụ đình công, lãn công, giảm 429 vụ so với giai đoạn 2008 - 2013. Riêng tại địa bàn các khu công nghiệp Biên Hòa (nơi có hơn 204.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco, Agtex, Tam Phước), 5 năm qua xảy ra 64 vụ phản ứng ngừng việc tập thể, giảm 64,5% số vụ (tương đương 179 vụ) so với giai đoạn 5 năm trước. Kết quả này phần nào thể hiện sự nỗ lực của các cấp Công đoàn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống, bảo đảm việc làm, tiền lương và các chế độ phúc lợi ngày càng tốt hơn cho NLĐ. Đồng thời có sự đóng góp không nhỏ của việc phát huy DCCS tại doanh nghiệp, thiết lập được cơ chế đối thoại định kỳ và đột xuất, giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc trong công nhân lao động. Từ đó tạo ra môi trường làm việc thân thiện, tiến bộ và tin cậy lẫn nhau, xây dựng được nếp sống văn hóa doanh nghiệp trên tinh thần đồng thuận vì sự phát triển chung; góp phần ngăn ngừa và hạn chế đình công.
Rõ ràng, phát huy DCCS là vấn đề mấu chốt để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển bền vững tại doanh nghiệp. Việc tăng đối thoại tại nơi làm việc chính là cách hiệu quả nhất để giải quyết kịp thời mọi vướng mắc vừa chớm nảy sinh trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa hai bên và vì sự phát triển chung. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu, có chiến lược phát triển bền vững đều quan tâm thực hiện tốt nội dung này. Thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho thấy, có 65% doanh nghiệp tại các KCN có tổ chức Công đoàn đã xây dựng QCDCCS, 57% doanh nghiệp khu vực này (có tổ chức Công đoàn) xây dựng quy chế đối thoại định kỳ. Mặc dù việc thực hiện các quy chế còn nhiều vấn đề cần bàn, tỷ lệ này cũng mới chỉ tính riêng trong các khu công nghiệp và vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra, tuy nhiên khi doanh nghiệp có xây dựng quy chế cũng là bước đi ban đầu để thúc đẩy việc triển khai các nội dung tiếp theo trong thực hiện QCDCCS.
Theo Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đoàn Văn Đây, thời gian qua, tại một số doanh nghiệp để xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công (trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ đình công với sự tham gia của khoảng 15.200 công nhân lao động); nguyên nhân sâu xa là do doanh nghiệp chưa thực hiện tốt QCDCCS. Trong đó trọng tâm là chưa tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định; chưa thực sự tạo được diễn đàn để quan tâm lắng nghe, chia sẻ những phản ánh, kiến nghị của NLĐ liên quan đến quyền lợi cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ trong quá trình lao động. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động thương lượng, thỏa thuận với đại diện NLĐ về các chính sách thu nhập, phúc lợi và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của NLĐ; có nơi không áp dụng đúng theo thang, bảng lương đã đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Một số doanh nghiệp chậm công khai điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm theo quy định, tự ý cắt giảm các khoản phụ cấp ngoài lương; chưa thỏa thuận với NLĐ khi tổ chức làm thêm giờ cũng như việc trả lương làm thêm giờ. Trong khi đó, BCH CĐCS ở một số doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời những nguyện vọng, bức xúc của NLĐ và chưa chủ động đề xuất, thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động trong việc cải thiện các chế độ, chính sách của doanh nghiệp. Tất cả những điều này đều có liên quan đến nội dung cần thực hiện trong QCDCCS tại doanh nghiệp.
Nâng chất thỏa ước lao động tập thể
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 990 doanh nghiệp có CĐCS đã ký kết bản thỏa ước lao động tập thể trên cơ sở các nội dung được thương lượng, đối thoại giữa Ban giám đốc doanh nghiệp và đại diện NLĐ, đạt tỷ lệ 73% so với tổng số doanh nghiệp đã có CĐCS. Nội dung các bản thỏa ước đã được nâng lên về mặt chất lượng, giảm dần các bản thỏa ước hình thức, sao chép luật mà tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi hơn cho NLĐ về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao phúc lợi... góp phần ổn định quan hệ lao động.
Thanh An
Tác giả: Hoàng Thị Bích Phú
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập