Khoảng 2 tháng nay, một số thương lái đã thu mua rễ tiêu để bán lại cho một doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc. Việc mua rễ tiêu với mục đích không rõ ràng, có dấu hiệu bất thường, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng lo ngại.
Mua rễ tiêu… làm thuốc bắc
Gia đình ông Ðặng Quang Hải, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc có 1 ha tiêu. Vụ tiêu vừa rồi, do mất mùa, năng suất vườn tiêu của ông chỉ đạt 8 tạ, cộng với giá tiêu xuống thấp nên sau khi thu hoạch, số tiền bán tiêu không đủ giúp gia đình ông trang trải chi phí đầu tư. Giá hạ, tiêu già cỗi nên đầu tháng 3 vừa rồi, ông Hải quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn tiêu cũ để trồng mới. “Tiêu nhà tôi trồng từ 17 - 20 năm rồi nên năng suất thấp lắm, giá lại hạ nên tôi quyết định chặt để trồng mới”, ông Hải cho biết.
Ông Đặng Quang Hải, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, một trong những hộ đã bán rễ tiêu cho thương lái.
Theo ông Hải, trước đây, khi chặt tiêu, phần thân và rễ tiêu được người dân phơi khô rồi thu gom đem đốt để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, thời điểm gia đình ông chặt tiêu vừa rồi, một số thương lái đã liên hệ để thu mua rễ tiêu. Theo đó, 1 ha tiêu vừa chặt, gia đình ông Hải gom rễ đem bán thì thu được khoảng 4 triệu đồng. “Tôi cũng không biết người ta mua rễ tiêu làm gì. Chỉ thấy họ mua thì mình bán. Cũng đỡ được chi phí thuê máy xúc”, ông Hải cho hay.
Theo một số nhà vườn trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, từ khoảng tháng 3 vừa qua, trên địa bàn có một số thương lái gom mua rễ tiêu. Ban đầu giá mua khá thấp chỉ khoảng 15.000 đồng/kg rễ tiêu tươi và khoảng 50.000 đồng/kg rễ tiêu khô. Sau đó, giá rễ tiêu tăng dần và hiện đạt khoảng 20.000 đồng/kg rễ tươi và 90.000 đồng/kg rễ khô. “Họ mua không kén chọn rễ to hay nhỏ nhưng yêu cầu rửa sạch trước khi bán”, ông Lê Xuân Ðiền, ở xã Xuân Thọ có bán rễ tiêu cho thương lái cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Lê Ðình Hưng cho hay, khoảng 2 tháng nay, trên địa bàn xã có tình trạng thương lái đi lùng mua rễ tiêu của nông dân. Sau khi phát hiện tình trạng này, UBND xã Xuân Thọ đã khảo sát và nắm được có 4 cơ sở tiến hành thu mua rễ tiêu của nông dân. Lực lượng chức năng xã Xuân Thọ cũng xác định có 14 hộ trên địa bàn xã cải tạo vườn và thu gom rễ tiêu với tổng diện tích hơn 10 ha bán cho thương lái.
Các cơ sở này sau khi mua rễ tiêu từ người dân thì bán lại cho Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Ân Nga (có văn phòng tại xã Xuân Thọ). “Khi chúng tôi làm việc với công ty này thì họ cho biết họ mua từ thương lái rồi bán lại cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh để xuất bán sang Trung Quốc. Họ cũng cho biết thêm, rễ tiêu được thu mua qua Trung Quốc để làm thuốc bắc”, ông Hưng cho hay.
Cũng theo ông Hưng, qua tìm hiểu, trước đây đã có tình trạng thương lái đặt vấn đề mua rễ tiêu trên địa bàn, nhưng do giá tiêu thời điểm đó còn cao nên người dân không bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá tiêu xuống thấp, nhân công thời vụ khó khăn nên người dân cải tạo đất, chuyển đổi một số diện tích tiêu lâu năm (10 - 15 năm) không đạt năng suất sang cây trồng khác. Quá trình chuyển đổi, người dân tận dụng gom rễ tiêu bán cho thương lái.
Nhiều nguy cơ
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, qua khảo sát tại các hộ có bán rễ tiêu cho thương lái cho thấy, phần lớn vườn tiêu nông dân chặt bỏ để bán rễ đều có cây già cỗi, năng suất thấp. “Cây kém hiệu quả nên nông dân chặt bỏ để trồng mới hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Rễ tiêu đem bán là nông dân tận dụng”, ông Hưng cho biết. Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện đã sắp bước vào mùa mưa nên việc cải tạo vườn của nông dân đã ngưng. Do đó, nếu tình trạng gom mua rễ tiêu đem bán tiếp tục xảy ra sẽ ảnh hưởng đến năng suất cũng như khả năng phát triển của các vườn tiêu.
Ngoài ra, do hiện giá tiêu đang xuống thấp, trong khi giá rễ tiêu được thu mua khá cao sẽ dẫn đến nguy cơ người dân có thể ồ ạt chặt tiêu để bán rễ cũng như tình trạng đạo chích trộm rễ tiêu đem bán. “Trước đây khi giá tiêu cao đã xuất hiện tình trạng cắt trộm dây tiêu bán giống. Thế nên, khi giá rễ tiêu cao cũng có thể xuất hiện việc đào trộm rễ tiêu đem bán. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh trên địa bàn”, ông Hưng cho hay.
Trước những lo ngại trên, UBND xã Xuân Thọ đã làm việc trực tiếp với doanh nghiệp thu mua rễ tiêu trên địa bàn. Theo ông Hưng, sau khi phát hiện vụ việc, xã đã làm việc với công ty và đề nghị công ty này ngưng mua rễ tiêu, đồng thời có văn bản gửi lên cấp trên nắm bắt và cho ý kiến chỉ đạo.
Mới đây, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đã có cảnh báo về việc thương lái gom mua rễ cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương thông tin đến người dân về việc một số thương lái mua gốc, thân, rễ cây hồ tiêu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó, đáng chú ý hiện có thông tin, rễ tiêu khô sau khi thu mua được xay thành bột trộn với tiêu xay gia vị. “Mục đích của việc thu mua này là không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, dễ dẫn đến nguy cơ người dân sẽ chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, gây lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Ðình Minh cho hay.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, việc xay rễ tiêu khô trộn với tiêu xay gia vị rất nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi, có thể trong thân, gốc, rễ cây hồ tiêu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Do đó, các địa phương cần vận động nông dân trồng tiêu nâng cao tinh thần cảnh giác, không bán thân, gốc, rễ cây hồ tiêu cho thương lái. Ðồng thời nên báo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện cá nhân, doanh nghiệp thu mua thân, gốc, rễ cây hồ tiêu để theo dõi, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập