Với gần 4.000 hội viên, Hội Điều dưỡng tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc bệnh nhân và góp phần phát triển ngành Y tế.
Đóng góp trong điều trị
BS. Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết, lực lượng điều dưỡng chiếm đa số trong nhân lực của ngành Y tế. Họ có đóng góp rất quan trọng đối với ngành Y. Trong việc cứu chữa một ca bệnh thành công, bác sĩ thực hiện khám bệnh, cho thuốc và ra y lệnh, các công việc còn lại như: chăm sóc, cho uống thuốc, theo dõi bệnh nhân 24/24… là của người điều dưỡng. “Có thể nói, thành công của một ca bệnh thì 60% là sự đóng góp của người điều dưỡng”, BS. Hoàn nhận định.
ThS. Huỳnh Tú Anh, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh cho biết, khi mới thành lập vào năm 1998, Hội vẫn còn rất ít thành viên. Trong đó, Ban chấp hành chỉ có 13 người, hơn 10 chi hội trực thuộc với gần 1.100 hội viên. Trình độ chuyên môn vẫn chủ yếu là trung cấp, những người có trình độ đại học rất ít. 20 năm qua, Hội đã phát triển rất mạnh và đồng bộ. Số chi hội tăng lên 25 với gần 4.000 hội viên, trình độ đa phần là cao đẳng, đại học và sau đại học.
Để giúp đỡ cho hội viên trong chuyên môn, thời gian qua, Hội đã khảo sát những hội viên vẫn còn trình độ trung cấp chưa được chuẩn hóa. Từ đó, Hội sẽ đưa vào kế hoạch đào tạo hàng năm. Đặc biệt những hội viên có thâm niên, Hội sẽ đề nghị cơ sở y tế chú trọng đưa đi học lên cao. Vì vậy, trình độ cao đẳng, đại học của các hội viên chiếm cao. Ví dụ, điều dưỡng của BVĐK Thống Nhất Đồng Nai phủ đều là trình độ cao đẳng, đại học gần 100%, BVĐK Đồng Nai là trên 90%... Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với các cơ sở y tế tuyến trên để cập nhật kiến thức hằng tháng, hằng năm cho hội viên.
ThS. Huỳnh Tú Anh (phải), Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh thăm, tặng quà cho bà Nguyễn Thị Ký, nguyên Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh khóa I, II.
2/3 công việc trong khám, chữa bệnh đều do điều dưỡng thực hiện. Đặc biệt, điều dưỡng là người tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nên chuyện xảy ra những va chạm, bức xúc là không tránh khỏi. Để hạn chế những mâu thuẫn giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, Hội cũng phối hợp với bệnh viện (BV) tuyến trên để đào tạo đội ngũ điều dưỡng nguồn về kỹ năng: tư vấn, tiếp đón, tiếp xúc với người bệnh… Từ đó, họ sẽ tập huấn lại cho những hội viên khác ở các cơ sở y tế của mình. “Chúng tôi sẽ xây dựng đề án về công tác nâng cao quy tắc ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh trong giai đoạn 2019 - 2023. Đề án tập trung nâng cao kỹ năng của hội viên qua giao tiếp ứng xử của điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên”, ThS. Tú Anh cho biết.
Trước đây, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai có tên gọi là Hội Y tá Điều dưỡng, được thành lập năm 1998. Ban chấp hành tỉnh Hội khóa I (1998 - 2004) gồm 15 ủy viên với 13 Chi hội trực thuộc, tổng số hội viên là 1.212, bao gồm: điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, y sĩ…
Tính đến thời điểm hiện nay, Hội đã trải qua 4 kỳ đại hội. Hội có 25 chi hội, tổng số hội viên hiện nay là 3.658 hội viên. Hội Điều dưỡng tỉnh đã nhận được bằng khen của: Hội Điều dưỡng Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh.
Tham gia nghiên cứu khoa học
Ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân, nhiều điều dưỡng còn tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học. Theo ThS. Tú Anh, hằng năm, các BV đều có các nghiên cứu khoa học (NCKH) của điều dưỡng. Riêng cấp ngành, 3 năm sẽ tổ chức một lần. Nhiều đề tài chuyên môn đã được báo cáo tại các hội thảo kỹ thuật của các tỉnh. Các đề tài này có ý nghĩa trong thực tế, nó giúp cho điều dưỡng cải tiến quy trình chăm sóc người bệnh, nâng cao tay nghề trong sử dụng các kỹ thuật mới, khó.
Trong các BV, BV Nhi đồng Đồng Nai có phong trào NCKH ở điều dưỡng mạnh mẽ nhất. Trong 5 năm gần đây (2013 - 2017), Chi hội BV Nhi đồng Đồng Nai thực hiện 2 sáng kiến cải tiến, 38 đề tài NCKH. Các sáng kiến, đề tài NCKH này đều có giá trị thực tiễn, ứng dụng vào hoạt động khám chữa bệnh và phục vụ người bệnh đạt hiệu quả cao. Nhiều tác giả còn có các đề tài nghiên cứu tham gia báo cáo được đánh giá cao tại Hội nghị khoa học kỹ thuật ngành Y tế Đồng Nai, Hội nghị Nhi Khoa Việt - Úc, Hội nghị khoa học kỹ thuật Điều dưỡng nhi toàn quốc…
Người điều dưỡng đóng góp 60% vào thành công của một ca chữa bệnh. Trong ảnh: Một điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi sau ca phẫu thuật tại BV Nhi đồng Đồng Nai.
32 năm gắn bó với nghề, chị Đoàn Thị Kim Liên, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, BV Nhi đồng Đồng Nai đã có 20 đề tài nghiên cứu khoa học. Các đề tài này chủ yếu liên quan đến kỹ thuật trong cứu chữa bệnh nhân, xuất phát từ thực tế. Mỗi khi các bác sĩ triển khai bất cứ kỹ thuật mới nào, chị Kim Liên cũng học bằng được để hướng dẫn cho thế hệ sau. “Có bất cứ kỹ thuật mới nào được triển khai tại khoa, tôi đều phải học. Nếu không được đi học chính quy, tôi cũng lấy tài liệu của những người đi học về để nghiên cứu”, chị Kim Liên nói.
Để đánh giá hiệu quả của những kỹ thuật được áp dụng tại BV, chị Kim Liên và một số đồng nghiệp đã cùng nhau theo dõi, phân tích kỹ hoạt động nghiệp vụ trong một khoảng thời gian. Ví dụ, khi thực hiện đề tài “Tuân thủ đặt và chăm sóc catheter tĩnh mạch trung tâm” tại Khoa Hồi sức - tích cực - chống độc của BV năm 2016, chị Kim Liên và đồng nghiệp đã theo dõi, làm việc trong thời gian dài. Họ phải giám sát, theo dõi kỹ các hoạt động của điều dưỡng từ đầu đến cuối khi áp dụng một kỹ thuật. Sau đó, họ sẽ ghi chép lại các thông số, lấy mẫu để so sánh, phân tích. Tất cả các công việc phân tích, viết đề tài đều phải làm ngoài giờ. Bởi, trong thời gian hành chính, họ phải làm các công việc của khoa. Đề tài này được báo cáo tại Hội nghị khoa học kỹ thuật Điều Dưỡng mở rộng BV Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh năm 2017.
“Thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học rất vất vả, nhưng mình không làm sẽ không thể biết kỹ thuật đó có lợi ích cụ thể và phù hợp như thế nào với những lứa điều dưỡng nào trong khoa. Từ đó, mình có hướng đào tạo những người chưa áp dụng tốt kỹ thuật để nâng cao tay nghề, mang lại lợi ích cho người bệnh. Ngoài ra, qua các đề tài nghiên cứu đó, thế hệ điều dưỡng sau sẽ rút ngắn được thời gian tiếp cận các kỹ thuật mới”, chị Kim Liên cho hay.
Ngoài ra, chị Kim Liên còn đưa ra “Sáng kiến cải tiến xe gội đầu tại giường cho bệnh nhân”. Sáng kiến này giúp cho cả bệnh nhân và điều dưỡng cũng đỡ vất vả trong công việc hơn. Theo đó, những bệnh nhân nặng sẽ được điều dưỡng gội đầu, sấy tóc ngay tại giường bệnh như những người bình thường gội đầu ở tiệm. Bệnh nhân không phải di chuyển khi điều dưỡng thực hiện thao tác này. Cải tiến này dù nhỏ nhưng khá hiệu quả và vẫn được sử dụng trong công việc của điều dưỡng tại BV.
ThS. Huỳnh Tú Anh, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Đến nay, dù số hội viên đông nhưng toàn tỉnh mới có 4 hội viên (trong đó có 3 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên) đạt danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Để đạt danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, người điều dưỡng cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Cụ thể: đạo đức tốt, thâm niên công tác chuyên môn trên 10 năm về lâm sàng hoặc giảng dạy; hoạt động chuyên môn phải có tính nổi trội; là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh nhiều năm liền; trong 5 năm phải có 2 đề tài nghiên cứu khoa học, nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập