“Mác là một nhân vật quá lớn khiến chúng tôi ở phương Tây không thể để dành riêng ông ấy cho những người cộng sản. Ông ấy không phải là của riêng những người cộng sản đâu vì ông ấy là một người khổng lồ của khoa học”. Đó là nhận định về Mác của một nhà khoa học người Mỹ, người được giải thưởng Nobel về kinh tế. Năm 1999, Mác được Đại học Cambride (Anh) bình chọn là nhà tư tưởng số một của thiên niên kỷ vừa qua. Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về chủ nghĩa Mác và ngày càng phát hiện ra ở đây những hạt nhân hợp lý và càng không khỏi khâm phục những người sáng lập ra học thuyết này.
Cuộc đời của một bậc thiên tài
12 tuổi, Mác vào học Trường trung học ở Tơ-ri-ê với sức học thuộc loại giỏi đặc biệt, nhất là lĩnh vực toán học. Mùa thu năm 1835, Mác tốt nghiệp trung học với luận văn “Những ý nghĩa của một người thanh niên lựa chọn nghề nghiệp”. Trong luận văn này, tuy mới chỉ là một học sinh 17 tuổi, song Mác đã bộc lộ tư tưởng nhân đạo và lý tưởng phụng sự nhân loại của mình. Tháng 10-1935, Mác vào Trường đại học Bonn để học Luật một thời gian ngắn. Sau đó chuyển sang Đại học Berlin (1836 - 1841). Tại đây, Mác nghiên cứu triết học, luật học, sử học... Từ năm 1837, Mác làm quen với triết học Hêghen và rút ra từ đó những kết luận có tính chất vô thần cách mạng. Thời gian này Mác là thành viên của nhóm Hêghen trẻ - nhóm đại diện cho bộ phận cấp tiến tư sản, đóng vai trò tích cực trong việc chuẩn bị tư tưởng cho cuộc cách mạng tư sản Đức năm 1848. Tháng 4-1841, 23 tuổi, Mác đã trình luận án Tiến sĩ triết học với đề tài “Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Desmocrite và triết học tự nhiên của Épiquya”. Lúc này, tuy Mác còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm song cũng đã có những quan điểm trái với Hêghen, đặc biệt là nhìn nhận về nhiệm vụ của triết học. Theo Mác, nhiệm vụ của triết học là phải phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị, phục vụ sự nghiệp giải phóng người lao động, phép biện chứng phải phá bỏ hiện thực cũ lỗi thời lạc hậu. Như vậy, ngay từ khi ấy, Mác đã mang trong mình khuynh hướng dân chủ cách mạng. Tháng 4-1842, Mác về Khuen làm cộng tác viên báo Rainơ. Đây là thời kỳ quan trọng trong sự hình thành và phát triển tư tưởng của Mác. Khoảng nửa năm sau, Mác làm chủ bút tờ báo này. Qua tờ báo, Mác đã nêu lên vấn đề thống nhất của nước Đức đương thời, phản ánh tình trạng nông dân bị áp bức bóc lột và đấu tranh cho dân chủ tự do. Mác muốn đòi quyền dân chủ thực sự và biện pháp đấu tranh phải mang tính cách mạng. Thực tiễn đấu tranh dần dần giúp Mác hiểu ra rằng không thể giải phóng nhân dân lao động trong khuôn khổ pháp quyền và chính trị của nhà nước Phổ. Từ đó, Mác đã xem xét lại triết học của Hêghen đặc biệt là triết học pháp quyền. Hàng loạt bài báo từ năm 1842 đến đầu năm 1843 đã bước đầu thể hiện sự chuyển biến của Mác từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật biện chứng và từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản mà rõ nhất là trong các tác phẩm viết vào khoảng thời gian 1843 - 1848 như: “Góp phần phê phán triết học pháp luật của Hêghen”; “Bản thảo kinh tế triết học”; “Gia đình thần thánh” (viết chung với Ph.Ăngghen). Trong tác phẩm này, tác giả đã phê phán chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ nhưng thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm và nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Tác phẩm “Sự bần cùng của triết học” Mác viết năm 1847 đã chống lại triết học tiểu tư sản của Pruđông và trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và kinh tế chính trị học vô sản. Tháng 9-1844, Mác và Ph.Ăngghen gặp gỡ nhau lần thứ 2, đây là lần gặp gỡ lịch sử mở đầu cho tình bạn vĩ đại của hai con người vĩ đại. Hai ông trở thành những người đồng chí cùng chung lý tưởng trong mọi vấn đề lý luận và thực tiễn. Năm 1845, theo yêu cầu của chính phủ Phổ, Mác bị trục xuất khỏi Paris và phải chuyển sang sống ở Brusel (Bỉ). Tại đây, Mác tham gia tổ chức Đồng minh những người Cộng sản. Đại hội II của Đồng minh đã giao cho Mác và Ăngghen nhiệm vụ soạn thảo cương lĩnh của Đồng minh, đó chính là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Bản tuyên ngôn bất hủ có tính vạch thời đại, văn kiện mang tính chất cương lĩnh của Chủ nghĩa Mác và Đảng Cộng sản.
Học thuyết Mác - cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới
Cùng với Ph.Ăngghen, bằng sự uyên bác về trí tuệ, Mác đã tiếp thu, chọn lọc, phát triển sáng tạo những giá trị tư tưởng trước đó và đương thời; luôn bám sát phong trào đấu tranh của công nhân cũng như những biến động của chủ nghĩa tư bản; đồng thời nghiên cứu nhiều lĩnh vực khoa học khác. Mác là một bậc tài danh đến kẻ thù cũng phải khâm phục trí tuệ siêu việt của ông. Viên giám đốc cảnh sát Berlin đã phải thừa nhận: “Bản thân Mác là một người nổi tiếng và cần phải thừa nhận rằng trí tuệ trong đầu ngón tay của ông ta còn nhiều hơn trí tuệ trong đầu của toàn bộ phe đảng khác”.
Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Các Mác đã xây dựng nên phép biện chứng duy vật. Triết học duy vật biện chứng của Mác đã đập tan mọi thứ triết học duy tâm, siêu hình, coi thế giới là do thần linh sáng tạo ra, vĩnh viễn không thay đổi, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào số mệnh, may rủi, lịch sử xã hội là do ý muốn của thượng đế, hay của vua chúa, anh hùng tạo nên. Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào việc xem xét xã hội, Mác đã sáng lập ra Chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định sinh hoạt chính trị, tinh thần của xã hội nói chung. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.
Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, học thuyết kinh tế của Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. Một trong những phát hiện vĩ đại của Mác là việc phát hiện ra Quy luật giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật chung của xã hội tư bản. Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Cũng như đối với xã hội có giai cấp trước đây, trong xã hội tư bản, đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội.
Mác chứng minh về mặt lý luận rằng, giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Với những phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa.
Lênin cho rằng điểm cốt yếu của học thuyết Mác là nó đã soi sáng vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản. Chủ nghĩa Mác là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Thiên tài của Mác là đã giải đáp các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên nhưng chưa giải đáp được. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập