Tiêm kháng sinh dự phòng hỗ trợ sản phụ sinh mổ

Thứ sáu - 04/05/2018 00:34
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Gần 3 năm nay, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai đã sử dụng phác đồ tiêm kháng sinh dự phòng cho các sản phụ sinh mổ. Sản phụ chỉ cần tiêm 1 - 2 liều sẽ giảm thiểu nhiều nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện.

Giảm mũi tiêm

Chị Trương Kim Búi, ngụ tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa cho biết, 2 lần sinh con trước, mỗi ngày chị phải tiêm kháng sinh đến 2 lần. Mỗi lần tiêm, chị Búi đều có cảm giác sợ vì đau. “Nhưng lần này, chỉ phải tiêm 1 mũi kháng sinh trước mổ. Tôi thấy bớt lo sợ hơn vì không phải chịu cảm giác đau khi tiêm thuốc như 2 lần trước nữa”, chị Búi chia sẻ. BS. Vũ Thị Bính, Khoa Sản, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai cho biết thêm, thể trạng của chị Búi khá tốt, các kết quả xét nghiệm máu đều ở giới hạn bình thường và vết mổ trước chỉ dính ít nên các bác sĩ đã tiêm kháng sinh dự phòng. Hơn nữa, sản phụ được mổ chủ động, không phải trải qua cơn chuyển dạ.

Cũng sinh con lần thứ 3 nhưng chị Lê Thị Liên, tạm trú tại phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa không may mắn như chị Búi. Chị Liên vẫn phải sử dụng kháng sinh điều trị sau ca sinh mổ với 2 lần/ngày. Lần sinh này, vết mổ của chị Liên bị dính nhiều nên không thể sử dụng phác đồ tiêm kháng sinh dự phòng.


BS. Bính thăm khám bệnh nhân sau ca sinh mổ được tiêm kháng sinh dự phòng.

BS. Bính cho hay, tiêm kháng sinh dự phòng đã được sử dụng cho các ca sinh mổ từ tháng 10-2015 tại bệnh viện (BV). Tuy nhiên, phương pháp này không thể sử dụng cho tất cả các sản phụ. Sản phụ sinh mổ phải khỏe mạnh, không có bệnh toàn thân, các xét nghiệm máu đều trong giới hạn bình thường… Phương pháp này không thể sử dụng cho các sản phụ khi có vết mổ trước bị dính nhiều; sản phụ bị tiền sản giật; chuyển dạ kéo dài, ối vỡ, đái tháo đường, béo phì, nhiễm HIV…

Giảm thời gian nằm viện

Theo BS. Bính, khi mới triển khai vào cuối năm 2015, tỷ lệ sản phụ sinh mổ được tiêm kháng sinh dự phòng rất thấp, chỉ hơn 10% (khoảng vài ca/ngày). Nhưng đến nay, trong 3 tháng đầu năm 2018, có 249 ca được sử dụng kháng sinh dự phòng trên tổng số 475 ca sinh mổ tại BV (chiếm tỷ lệ hơn 50%). Thời gian đầu, bác sĩ chưa có kinh nghiệm, chưa mạnh tay khi sử dụng cho bệnh nhân. Bởi loại kháng sinh này là loại kháng sinh thế hệ thứ 1 hoặc 2, cũ hơn so với kháng sinh điều trị (kháng sinh thế hệ mới). Kháng sinh dự phòng đủ sức giảm các triệu chứng nhiễm trùng của sản phụ. Trước đây, các bác sĩ rất dè dặt khi sử dụng kháng sinh dự phòng, nhưng đến nay, các bác sĩ của BV đã có nhiều kinh nghiệm khi sử dụng loại kháng sinh này. Vì vậy, số bệnh nhân được sử dụng cũng tăng lên nhiều.

Kháng sinh dự phòng được sử dụng trước mổ sẽ giảm thiểu nhiều nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân. Khi sử dụng kháng sinh này, bác sĩ chỉ dùng một loại kháng sinh. Sản phụ được tiêm trước mổ và có thể tiêm thêm sau mổ 4 tiếng để tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân. Sử dụng phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Thời gian nằm viện của sản phụ ngắn hơn, số lượng tiêm thuốc ít. Như vậy, bệnh nhân cũng đỡ đau, giảm nguy cơ sốc thuốc. Đặc biệt, bệnh nhân chỉ phải trả 32.00 đồng cho một liều kháng sinh dự phòng. Trong khi đó, sử dụng kháng sinh điều trị, bác sĩ phải kết hợp từ 2 loại kháng sinh thế hệ mới trở lên để diệt các nhóm vi khuẩn. Số tiền bệnh nhân chi trả khi phải dùng kháng sinh điều trị cũng rất cao, khoảng hơn 200.000 đồng/ngày, tiêm suốt trong 7 ngày. BS. Bính nhấn mạnh: “Do lợi ích của việc tiêm kháng sinh dự phòng như vừa tiết kiệm, vừa không phải tiêm nhiều thuốc nên nhiều bệnh nhân đã chủ động xin được áp dụng phương pháp này”.

Điều dưỡng trưởng khoa Sản 1, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, khi sử dụng kháng sinh dự phòng, bệnh nhân phải đội mũ che kín tóc, dùng xà bông kháng khuẩn để rửa da bụng (phần mổ) và bộ phận sinh dục. Bệnh nhân được rửa sạch và sát trùng đến 3 lần ở các phần da xung quanh vùng mổ. Sau đó, sản phụ được mặc và phủ lên người áo, khăn đều vô trùng. “Tất cả các ca này đều được ghi vào sổ riêng để theo dõi tình trạng nhiễm trùng so với các bệnh nhân khác. Kết quả cho thấy, ở những sản phụ này đều không xuất hiện các nhiễm trùng, sốt”, điều dưỡng Thủy cho biết.

Ngoài ra, sản phụ khi sử dụng kháng sinh dự phòng chỉ phải nằm viện 5 ngày sau sinh thay vì 7 ngày như khi sử dụng kháng sinh điều trị. “Qua hỏi thăm nhiều bệnh nhân, tôi thấy sản phụ cảm thấy thoải mái hơn khi không phải tiêm kháng sinh mỗi ngày 2 lần. Họ cũng yên tâm cho con bú và không lo ngại kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến em bé. Đặc biệt, do ít phải tiêm nên sản phụ cũng an toàn hơn”, điều dưỡng Thủy nói.

BS. Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc BVĐK Thống Nhất Đồng Nai chia sẻ: Trong ngoại, sản khoa, kháng sinh được sử dụng rất thường xuyên. Hầu hết các bệnh nhân đều phải sử dụng kháng sinh khi mổ. BV đã ứng dụng kháng sinh dự phòng trong sản khoa như: mổ lấy thai, u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung… Bệnh nhân sẽ được dùng 1 - 2 liều (trước và sau mổ), giảm việc sử dụng kháng sinh rất nhiều so với sử dụng kháng sinh điều trị. BV cũng đang bắt đầu sử dụng kháng sinh dự phòng trong nhiều lĩnh vực ngoại khoa khác như: mổ ruột thừa (giai đoạn chưa vỡ), bướu cổ, thoát vị bẹn, kết hợp xương gãy kín…

San Thái

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây