Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị đờn ca tài tử

Thứ tư - 02/05/2018 00:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Là một trong 21 địa phương trong cả nước còn lưu giữ nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), những năm qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực duy trì, phát triển các sân chơi ĐCTT. Từ sân khấu của các phong trào địa phương, nhiều câu lạc bộ (CLB) đã bước đầu hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh.​

Mới đây, để thực hiện Ðề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ÐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tiến hành khảo sát các câu lạc bộ, đội nhóm ÐCTT ở 11 huyện, thị xã và TP. Biên Hòa, tổ chức giao lưu ÐCTT với các địa phương lân cận, chụp ảnh, quay phim các chương trình biểu diễn ÐCTT… Các hoạt động đã và đang tạo phong trào sinh hoạt văn hóa, văn hóa nghệ sâu rộng trong nhân dân để gìn giữ và phát huy giá trị đờn ca.

Từ phong trào đến “chuyên nghiệp”

Phong trào ÐCTT tại Ðồng Nai tuy không rầm rộ, phát triển như các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Dương… nhưng vẫn là một dòng chảy nghệ thuật truyền thống được duy trì, tạo sân chơi cho người đam mê. Ðiển hình như CLB ÐCTT tỉnh Ðồng Nai, hiện thu hút 20 hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, CLB còn tổ chức nhiều buổi biểu diễn ÐCTT đường phố; tham gia nhiều cuộc liên hoan, giao lưu do các tỉnh, thành và Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng... CLB duy trì sân chơi này bằng niềm đam mê, thậm chí, hội viên tự bỏ tiền túi ra để tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập luyện.


 Giao lưu là cách góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn của CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai.

Trước đây, Ðồng Nai có 31 CLB, nhóm ÐCTT với 328 nghệ nhân ÐCTT đang hoạt động thường xuyên (53 nghệ nhân đờn, 232 nghệ nhân ca, 43 người vừa đờn vừa ca). Trong đó, có 10 nghệ nhân đờn được 20 bản tổ; 8 nghệ nhân ca được 20 bản tổ; độ tuổi trung bình là 53 tuổi; số nghệ nhân giỏi là khá ít. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất (cuối tháng 4-2018), hiện Ðồng Nai có 36 CLB, nhóm ÐCTT. Các CLB tập trung nhiều nhất ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc. Mặc dù không chuyên, nhưng chính các thành viên của từng CLB lại là người thắp truyền ngọn lửa bằng tình yêu nghệ thuật hồn hậu, bằng sự đau đáu lo lắng, sợ môn nghệ thuật này mai một. Họ làm công việc này hoàn toàn tự nguyện và mỗi khi có ai muốn học nghề, họ vui mừng không gì diễn tả hết được. Nhờ vậy mà loại hình nghệ thuật này luôn có sức sống tiềm tàng và tồn tại cùng năm tháng.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa đã tổ chức nhiều hội thi, liên hoan ÐCTT cấp tỉnh, tạo điều kiện cho cho các CLB, đội nhóm ÐCTT tham gia: “Mới đây nhất (ngày 28 và 29-4) chúng tôi đã phối hợp với Ðài PT-TH Ðồng Nai tổ chức giao lưu ÐCTT với 5 tỉnh Nam bộ: Ðồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Long An và Tây Ninh. Từ các sân chơi này, ÐCTT của tỉnh từng bước được nâng cao chất lượng từ phong trào đến ngày càng “chuyên nghiệp”. Qua đó, tạo sân chơi văn nghệ bổ ích, tạo “thương hiệu” văn hóa đặc trưng, hòa cùng dòng chảy văn hóa nghệ thuật dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.

Cần “tiếp lửa” cho ĐCTT

Phải nói rằng, gần đây, Ðồng Nai đã có rất nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh các nghệ nhân dân gian lĩnh vực ÐCTT; khảo sát, thống kê số lượng CLB ÐCTT, số lượng nghệ nhân tham gia, đồng thời tổ chức hội thi, hội diễn cấp tỉnh, cấp huyện, thị, thành và tham gia cấp khu vực. Cùng với đó, ngành Văn hóa đã xây dựng Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ÐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… Hy vọng với những động thái” này sẽ là “cú hích” vực dậy, tiếp lửa cho phong trào ÐCTT ở các địa phương.

Có dịp trò chuyện cùng nghệ nhân Phạm Lơ (chủ nhiệm CLB ÐCTT tỉnh Ðồng Nai) chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của ông cũng như các nghệ nhân, tài tử về việc thực hiện triển khai đề án. Theo nghệ nhân Phạm Lơ, so với các tỉnh khác ở Nam bộ, việc thực hiện Ðề án bảo tồn và phát huy ÐCTT ở Ðồng Nai chậm (ở các huyện, thị, và TP. Biên Hòa triển khai chậm). Do vậy, để Ðề án được triển khai đồng bộ, hiệu quả đòi hỏi các cấp chính quyền ở địa phương cần có sự quan tâm hơn. “Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, nghiêm túc thực hiện đề án khi đó mới bảo tồn và phát huy đúng giá trị của ÐCTT”, nghệ nhân Phạm Lơ nhấn mạnh.

Chủ nhiệm CLB ÐCTT huyện Tân Phú Trần Văn Tình cho biết, CLB do ông phụ trách có 16 thành viên, sinh hoạt vào tối thứ 3 hàng tuần. Mỗi buổi sinh hoạt khoảng hai giờ, đôi khi ngẫu hứng thì kéo dài hơn một chút để hướng dẫn các bài mới và 20 bài bản tổ cho các giọng ca. Các thành viên chủ yếu có tuổi đời trên 50, vì đam mê yêu thích mà tập hợp thành. Tuy nhiên,  do thiếu kinh phí nên việc duy trì hoạt động của CLB còn gặp nhiều khó khăn. “Mong rằng, thời gian tới, các ngành chức năng có thêm sự hỗ trợ (vật chất và tinh thần), thường xuyên tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng để khơi dậy tình yêu và đam mê ÐCTT trong đời sống nhân dân”, ông Tình nói.

Bảo tồn và phát huy ÐCTT đang rất cần được tiếp tục quan tâm, tiếp sức, thắp lửa dưới nhiều hình thức. Cái cốt lõi ở đây là ÐCTT không chỉ chú trọng việc vừa bảo tồn những bài bản cổ mà còn phải khuyến khích sáng tác lời mới về vùng đất Ðồng Nai cho nhạc tài tử. Cùng với đó là việc hỗ trợ, nâng chất các CLB ÐCTT ở cơ sở, bởi hiện tại họ vẫn phải tự “góp tiền tạo quỹ” để có được những buổi sinh hoạt định kỳ; cần có sự phối kết hợp của ngành giáo dục để từng bước đưa ÐCTT vào học đường. Ðặc biệt, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành di sản là điều nên hết sức quan tâm bởi lẽ “có thực mới vực được đạo”, mới tiếp thêm sức mạnh giúp họ có động lực để tiếp truyền ngọn lửa đam mê từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây