Hỗ trợ sinh viên bắt nhịp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ nhật - 20/05/2018 22:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Bắt nhịp với xu hướng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thời gian gần đây các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề, tổ chức Đoàn, Hội sinh viên trong tỉnh đã chủ động tiếp cận với những thực tiễn của CMCN 4.0 để điều chỉnh chương trình giáo dục, hoạt động cũng như định hướng phù hợp cho sinh viên. Bản thân sinh viên cũng đã có nhiều ý tưởng, nắm bắt xu hướng CMCN 4.0 trong đó có ứng dụng Internet of Things (IoT) vào các lĩnh vực đời sống xã hội.​

Sinh viên ứng dụng IoT vào dự án khởi nghiệp

Một trong những ý tưởng ứng dụng IoT của sinh viên trong tỉnh được đánh giá cao là “Sử dụng hệ thống Happy Seed” trong nông nghiệp”. Đây cũng là dự án duy nhất nhận được sự hỗ trợ vốn từ doanh nghiệp trong số 10 ý tưởng, dự án của sinh viên tại sàn giao dịch ý tưởng trong chương trình Ngày hội sinh viên Đồng Nai sáng tạo, khởi nghiệp năm 2018. Tác giả của ý tưởng nói trên là Phạm Thành Đông Đô, sinh viên năm thứ 2 Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ Đồng Nai. Dự án của Đông Đô đã được Giám đốc Công ty cổ phần Zentado Huỳnh Bảo Toàn hỗ trợ vốn 100 triệu đồng, cùng nguồn đất sản xuất và cải tiến công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng.

Theo Phạm Thành Đông Đô, IoT internet kết nối vạn vật không còn là khái niệm xa lạ và được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như: nhà thông minh, quản lý các thiết bị cá nhân, quản lý môi trường, giao thông, xử lý trong các tình huống khẩn cấp, mua sắm thông minh… Cũng như rất nhiều sinh viên ngành Công nghệ - thông tin, Đông Đô rất thích thú và dành nhiều thời gian nghiên cứu về các lĩnh vực công nghệ mới. Qua thời gian tìm hiểu, Đô nảy sinh ý tưởng ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất rau củ quả đạt chất lượng cao, sử dụng công nghệ IoT trong hệ thống nhằm giảm công chăm sóc. “Xuất phát là con nhà nông, nhìn thấy bố mẹ trồng trọt vất vả nhưng hiệu quả kinh tế không cao, do đó em nghĩ đến ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp với việc sử dụng hệ thống Happy Seed”, Đông Đô nói.


Sinh viên thực hiện mô hình trong Ngày hội sáng tạo khởi nghiệp năm 2018.

Năm ngoái, ý tưởng “Sử dụng hệ thống Happy Seed” trong nông nghiệp đã được giải khuyến khích tại cuộc thi Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp Đồng Nai. Bán giám khảo đánh giá sự mới lạ và tiềm năng của dự án, tuy nhiên khả năng ứng dụng thực tiễn của hệ thống này vẫn chưa rõ nét. Kết quả bước đầu cùng những đánh giá, góp ý từ Ban giám khảo cũng là các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm đã cho Đông Đô động lực để hoàn thiện dự án. “Happy Seed là một dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đây là phương pháp trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. Đặc biệt với ứng dụng IoT trong điều khiển hệ thống, với một diện tích gieo trồng nhỏ nhưng có thể trồng được nhiều sản phẩm rau sạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, tiết kiệm nhân công và tự động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... Với tình trạng nguồn rau nhiễm bẩn đang tràn lan như hiện nay thì nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng trở nên cấp thiết. Đây sẽ là cơ hội lớn để Happy Seed có thể phát triển trong tương lai”, Phạm Thành Đông Đô nói về dự án của mình. 

Dự án đặt mục tiêu xây dựng một khu nông nghiệp và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đạt chuẩn VietGAP đến với tất cả những đối tượng có nhu cầu sử dụng, không đòi hỏi kỹ năng trồng trọt chuyên sâu. Từng bước chiếm lĩnh thị trường tại TP. Biên Hòa trong vòng 1 năm, phổ cập công nghệ nông nghiệp công nghệ cao với tất cả nông dân Đồng Nai trong vòng 5 năm. Bước đầu, mô hình đã được hoàn thiện theo hướng tự động hóa hoàn toàn, nâng giới hạn điều khiển bằng bluetooth lên đến 200m và khoảng cách không giới hạn nếu điều khiển qua internet. Phạm Thành Đông Đô cho biết, với mục tiêu lớn này, các thành viên của dự án đang tích cực chuẩn bị các công đoạn triển khai dự án trong thực tế để được ký duyệt vốn cũng như nhận được các hỗ trợ khác như marketing, quản trị trong thời gian sớm nhất.

Chủ động, tích cực trong tiếp cận CMCN 4.0

Thế giới đang bước vào một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá về công nghệ, tuy nhiên trên thực tế phần lớn sinh viên hiện nay vẫn chưa nhận thức rõ về những thách thức sẽ gặp phải trong làn sóng mới này. Điều này cũng tác động lớn đến thị trường lao động trong tương lai với nhu cầu ngày càng lớn nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao với sự lên ngôi của các ngành sản xuất, ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, hiện lao động kỹ thuật trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được thị trường. Trong năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển mới được hơn 74.000 người vào học các trình độ từ đào tạo vừa làm vừa học đến sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong đó, hơn 67.000 người đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 56,7%. Thế nhưng, nguồn lao động kỹ thuật vẫn trong tình trạng khan hiếm. Tại các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức trong những năm gần đây, nhu cầu tìm kiếm lao động kỹ thuật của doanh nghiệp vẫn dồi dào trong khi nguồn ứng viên lại rất hạn chế. Nhiều lao động được tuyển dụng nhưng không đáp ứng yêu cầu công việc hoặc phải qua đào tạo lại.

Trước những thách thức đó, nhiều cơ sở giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học đã quan tâm định hướng cho sinh viên về xu hướng của cuộc CMCN 4.0 với nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo, tọa đàm, hỗ trợ sinh viên tham gia các sân chơi công nghệ… TS. Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho rằng, những thách thức của cuộc CMCN 4.0 là rất rõ rệt và nhà trường cũng đã sớm thấy được và đang chủ động hội nhập, đào tạo để thích nghi với xu hướng công nghệ mới. Theo đó, nhiều năm nay, công nghiệp in 3D, máy CNC hiện đại, cánh tay robot, robot lập trình ngôn ngữ giao tiếp cho con người, robot vận chuyển hàng hóa, ngôi nhà thông minh… đã xuất hiện trong hệ đào tạo của trường. Qua đó, đã có nhiều sản phẩm công nghệ tự động hóa, phần mềm tin học tiên tiến của sinh viên được chuyển giao cho doanh nghiệp.

Theo TS. Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh, trong xu thế hội nhập và những thách thức lẫn cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 đặt ra, bên cạnh vai trò của nhà trường, là người bạn lớn của thanh niên, tổ chức Đoàn cũng cần làm tốt vai trò đồng hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đến mọi đối tượng đoàn viên, thanh niên để thanh niên hiểu về những thời cơ, thách thức mà người trẻ sẽ gặp phải; vai trò, sứ mệnh của mình trong việc đưa đất nước phát triển trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0. Đặc biệt, mỗi sinh viên, người trẻ phải tự nhận thức, tự thay đổi và trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. 

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây