Phát huy dân chủ trong doanh nghiệp: Những cách làm hay

Thứ sáu - 04/05/2018 00:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Với sự nỗ lực tuyên truyền, tác động tích cực từ nhiều phía mà trực tiếp nhất là sự vào cuộc của các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm hay trong phát huy dân chủ tại nơi làm việc. Tùy vào điều kiện, đặc điểm hoạt động, từng doanh nghiệp có cách thức tổ chức không giống nhau với hình thức phát huy dân chủ khác nhau. Tuy nhiên, biểu hiện rõ nét nhất trong các nỗ lực thực hiện nội dung này là việc doanh nghiệp cùng với Công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc theo tinh thần Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63, Bộ luật Lao động về thực hiện QCDCCS tại nơi làm việc.​

Tiên phong tổ chức hội nghị NLĐ

Một trong những doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện nghiêm túc QCDCCS thông qua việc tổ chức hội nghị NLÐ, đối thoại tại nơi làm việc phải kể Công ty Mabuchi Motor Việt Nam. Ðây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, chuyên sản xuất các sản phẩm motor cỡ nhỏ dùng cho xe hơi, thiết bị âm thanh, thiết bị văn phòng và các sản phẩm gia dụng khác; hiện công ty có 4.169 lao động, trụ sở tại khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ngay sau khi Nghị định 60/2013/NÐ-CP của Chính phủ về QCDCCS tại nơi làm việc có hiệu lực (từ ngày 15-8-2013) được hơn 4 tháng, Công ty Mabuchi Motor Việt Nam đã tổ chức hội nghị NLÐ lần thứ nhất vào ngày 21-12-2013 một cách suôn sẻ, thành công với sự chủ động xây dựng quy chế, kế hoạch tổ chức từ phía CÐCS công ty. Từ đó đến nay, đều đặn hằng năm, Ban giám đốc công ty cùng với CÐCS nơi đây phối hợp tổ chức hội nghị NLÐ theo trình tự các bước quy định tại Nghị định 60/2013/NÐ-CP. Tại hội nghị này, NLÐ được tham gia ý kiến về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp ý về các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, đề đạt tâm tư, nguyện vọng; đồng thời đề xuất các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động… chung sức phát triển doanh nghiệp. Hội nghị NLÐ cũng bầu đại biểu đại diện cho NLÐ tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.


Công nhân Công ty Mabuchi Motor Việt Nam đề xuất giải pháp tiết kiệm chi phí tại hội nghị người lao động năm 2017.

Việc tổ chức đối thoại định kỳ giữa Ban giám đốc và đại diện NLÐ tại Mabuchi Motor Việt Nam không chỉ được thực hiện 3 tháng/lần theo quy định mà diễn ra định kỳ hằng tháng, cụ thể là vào ngày thứ 5 của tuần thứ hai trong mỗi tháng. Nội dung đối thoại được tiếp nhận qua các kênh thông tin như: thùng thư đóng góp ý kiến do Công đoàn quản lý tại tất cả các bộ phận phòng, ban, đặc biệt là các xưởng sản xuất nơi có đông công nhân lao động; tiếp nhận thông tin qua tổ trưởng Công đoàn, ủy viên BCH CÐCS, tổ trưởng, đội trưởng sản xuất; khảo sát ý kiến công nhân viên qua phiếu… Thông qua cơ chế đối thoại này, hầu hết mọi vấn đề thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng của NLÐ được Ban giám đốc nắm bắt và giải quyết kịp thời trong khả năng có thể. Cũng từ đó, nhiều chế độ, phúc lợi đối với NLÐ được cải thiện theo chiều hướng ngày càng tốt hơn.

Những cải thiện được cụ thể hóa thông qua bản thỏa ước lao động tập thể chất lượng với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLÐ so với quy định của pháp luật như: quy định số ngày làm việc trong năm là 280 ngày, công ty mua lại ngày nghỉ trong trường hợp NLÐ không sử dụng hết, cứ 1 ngày nghỉ thì được chi trả bằng 1,5 ngày công bình thường; nghỉ việc riêng trong trường hợp gia đình có việc hiếu hỉ, bản thân NLÐ kết hôn là 6 ngày; thời gian nghỉ Tết âm lịch tối thiểu 7 ngày; hỗ trợ phí gửi con nhỏ; các loại phụ cấp xăng xe, chuyên cần, ca đêm; tổ chức tham quan, du lịch hằng năm; mức tăng lương trung bình hằng năm từ 5% trở lên, ngoài phần điều chỉnh theo Nghị định của Chính phủ; tiền thưởng hằng năm được duy trì ở mức từ 2,2 đến 3,4 tháng lương và phụ cấp…

Cái được lớn nhất từ việc phát huy dân chủ theo nhìn nhận của Ban giám đốc công ty là đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong tập thể NLÐ. Hơn 10 năm nay, tại Mabuchi Motor Việt Nam không xảy ra phản ứng lao động tập thể, đình công. Ban giám đốc công ty cho rằng họ “hưởng lợi” nhiều từ việc thực hiện cơ chế đối thoại, phát huy dân chủ tại nơi làm việc. “Thông qua đối thoại, Ban giám đốc hiểu được tâm tư, nguyện vọng của NLÐ để có thể giải quyết kịp thời và đáp ứng thích hợp nếu yêu cầu đó là thỏa đáng. Nhờ đó, ngăn ngừa được đình công, giảm thiểu tổn thất đối với hoạt động sản xuất của công ty”, ông Phạm Hoàng Ðức Nam, Giám đốc Ban quản lý doanh nghiệp Mabuchi Motor Việt Nam nói. Ban giám đốc công ty cũng chỉ ra rằng, năng suất lao động đã tăng lên 44%, tỷ lệ công nhân thôi việc giảm từ 3% xuống còn 1%, một phần là nhờ có cơ chế đối thoại hiệu quả.

Giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại

Ðể tạo sự ổn định, thống nhất, đoàn kết trong một tập thể doanh nghiệp có đến hơn 35.000 lao động đến từ nhiều vùng, miền khác nhau quả không phải là việc dễ dàng, thế nhưng Công ty CP Taekwang Vina (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất giày thể thao thương hiệu Nike, hiện có 4 chi nhánh tại Ðồng Nai và Tiền Giang) đã làm được một cách khá êm xuôi. Cùng với việc tổ chức hội nghị NLÐ, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định, Taekwang Vina đã có cách làm sáng tạo trong trong xây dựng hệ thống thu nhận và phản hồi thông tin đa chiều nhằm phát huy dân chủ trong tập thể NLÐ và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh để ổn định quan hệ lao động.

Theo đó, CÐCS chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa CÐCS với Ban giám đốc công ty và các phòng ban, QCDCCS nhằm thống nhất các chương trình hoạt động và phương pháp giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại. Trung bình mỗi tháng, CÐCS và công ty tiếp xúc, lấy ý kiến trên 4.000 lao động về mọi vấn đề liên quan đến đời sống, lao động, việc làm và đóng góp xây dựng tổ chức Công đoàn, công ty ngày càng lớn mạnh thông qua các hình thức, phương pháp đa dạng. Trong đó, hằng tuần tổ chức họp mặt, tọa đàm với từ 50 đến 100 công nhân lao động tại các bộ phận để cùng lắng nghe ý kiến phản ánh và giải quyết thắc mắc, kiến nghị của NLÐ. Hằng ngày, nhóm quan hệ lao động gặp gỡ, phỏng vấn 100 lao động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Hằng tuần, đại diện Ban giám đốc công ty cùng với BCH CÐCS tới các khu nhà trọ để tìm hiểu cuộc sống thực tế của NLÐ sau giờ làm việc; đồng thời lắng nghe, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và công việc của họ. Các thùng thư góp ý được đặt ở vị trí thuận tiện để NLÐ dễ dàng đóng góp ý kiến. Riêng Văn phòng Công đoàn luôn mở cửa và có nhân viên trực để tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc của NLÐ một cách kịp thời. Cùng với việc trang bị sách báo tại phòng đọc và các xưởng sản xuất, hằng tháng công ty phát hành bản tin nội bộ đến toàn thể NLÐ với đầy đủ thông tin về tình hình công ty cũng như những chính sách, quy định mới của Nhà nước, của Công đoàn.

Phó tổng Giám đốc Công ty CP Taekwang Vina, ông Lee Hyung Jin cho biết: “Chúng tôi thấy rằng việc phát huy dân chủ tại nơi làm việc mang lại hiệu quả rất tốt, đặc biệt là giúp cho chúng tôi có được mối quan hệ lao động hài hòa, công nhân ổn định làm việc và mọi người đều phấn khởi vì tiếng nói của họ đã được công ty, Công đoàn lắng nghe và giải quyết kịp thời; họ cũng cảm thấy quyền làm chủ, quyền đóng góp ý kiến của mình được tôn trọng. Công ty CP Taekwang Vina luôn xây dựng tập thể hơn 35.000 NLÐ như những thành viên trong gia đình, giúp đỡ, yêu thương nhau”. Ðây cũng là điểm mấu chốt mà các doanh nghiệp hướng tới trong việc thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ.

Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

Hiệu quả từ phát huy dân chủ tại Taekwang Vina là tập thể NLĐ đồng thuận, chung sức vì sự phát triển doanh nghiệp. Hiện năng lực sản xuất của doanh nghiệp đã đạt trên 100.000 sản phẩm/ngày, doanh thu trên 700 triệu USD/năm, thu nhập bình quân của NLĐ trên 7,3 triệu đồng/tháng cùng nhiều phúc lợi kèm theo được quy định cụ thể trong bản thỏa ước lao động tập thể làm “mát lòng” NLĐ.

Với những nỗ lực thúc đẩy phát huy dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Taekwang Vina Đinh Sỹ Phúc vinh dự là 1 trong 70 chủ tịch CĐCS xuất sắc, tiêu biểu trong công tác thỏa ước lao động tập thể và đối thoại vừa được Tổng LĐLĐ Việt Nam tuyên dương vào tháng 1-2018.

Thanh An

Tác giả: Hoàng Thị Bích Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây