Tái triển khai dự án nạo vét thông luồng trên sông: Thận trọng!

Thứ năm - 24/05/2018 21:52
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sau hơn 1 năm tạm dừng tất cả các dự án nạo vét, thông luồng đường sông trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai đang tiến hành rà soát lại để xem xét tái triển khai một số dự án cấp thiết theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, phát triển giao thông đường thủy.​

Theo đó, có 5 dự án đủ cơ sở pháp lý và cần thiết có thể tái triển khai. Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc các dự án hoạt động trở lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến môi trường. Để thật sự thận trọng trong vấn đề này, tại cuộc họp ngày 14-5 vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải (GT-VT) phối hợp với các địa phương liên quan tiếp tục rà soát lại 5 dự án nêu trên báo cáo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy trước khi cho phép thực hiện. 

5 dự án đề nghị triển khai lại

Sông Đồng Nai và các nhánh phụ phía hạ nguồn (từ cầu Đồng Nai đổ ra biển) là luồng giao thông đường thủy quan trọng nhất của khu vực Đông Nam bộ. Nơi đây là khu vực chuyên chở hàng hóa của các KCN và có hệ thống cảng lớn dày đặc. Mật độ phương tiện giao thông đông đúc nên thường xuyên phải được nạo vét, thông luồng nhằm đảm bảo sự lưu thông của phương tiện, đặc biệt là các tàu hàng trọng tải từ 5.000 tấn trở lên.

Trước đây, Bộ GT-VT và UBND tỉnh đã cấp phép cho 13 dự án nạo vét, thông luồng trên một số sông, rạch thuộc địa bàn Đồng Nai. Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng nhiều đơn vị lợi dụng việc nạo vét, đưa tàu vào hút cả 2 bên bờ để lấy cát gây sạt lở, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản khu vực gần sông. Qua kiểm tra, UBND tỉnh và Bộ GT-VT yêu cầu tất cả 13 dự án này ngưng hoạt động để rà soát, kiểm tra, đánh giá lại.

Việc tái cấp phép các dự án nạo vét sẽ được kiểm soát chặt để tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhằm tận thu cát. Trong ảnh: Nạo hút cát trên sông Thị Vải gây bức xúc cho người dân thời gian trước đây (ảnh tư liệu).

Phó giám đốc Sở GT-VT Từ Nam Thành cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đề xuất tỉnh và Bộ GT-VT cấp phép hoạt động lại cho 5 dự án (3 dự án của Trung ương và 2 dự án của tỉnh). Cũng theo ông Thành, các dự án nói trên về cơ sở pháp lý đều đủ thủ tục để có thể cấp phép lại. Bên cạnh tính cần thiết nhằm đảm bảo sự an toàn cho các tàu hàng di chuyển trên sông Đồng Nai và các chi lưu thì việc nạo vét theo hình thức xã hội hóa sẽ giúp tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Khi triển khai dự án, doanh nghiệp sẽ được phép tận thu cát trong quá trình thực hiện nhằm góp phần giải quyết lượng cát thiếu hụt trên thị trường.“Theo tính toán, nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn khoảng 2 triệu m3 mỗi năm. Nguồn cung nội tỉnh tại các mỏ được cấp phép là 600.000m3 nhưng thực tế báo cáo khai thác chỉ được 500.000m3. Các dự án trên triển khai lại nhằm đảm bảo an toàn tuyến luồng đường thủy và bổ sung vào sự thiếu hụt cho nhu cầu sử dụng cát gia tăng của địa phương”, ông Thành cho hay.

Biên Hòa kiến nghị không chấp thuận tái triển khai dự án

Theo văn bản ngày 26-4-2018 của UBND TP. Biên Hòa gửi UBND tỉnh, sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố có dự án nạo vét của Công ty Hiệp Phước (từ rạch Ông Nhiêu tới cầu Đồng Nai) hiện xảy ra một số đoạn sạt lở bờ sông và một số đoạn có dấu hiệu sạt lở. Ngoài ra, đoạn sông này thuộc trường hợp cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản (cát xây dựng) theo Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030. Quy hoạch này đã được HĐND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, tình trạng hút trộm cát ở Biên Hòa dù được quản lý chặt nhưng vẫn còn xảy ra, trong khi đó dự án này có khối lượng tận thu khoáng sản rất lớn, trên 1,3 triệu m3 cát sỏi và 1,3 triệu m3 bùn đất nên nguy cơ sạt lở rất lớn. Do đó, UBND TP. Biên Hòa kiến nghị không chấp thuận cho tái triển khai dự án này.

Thận trọng khi tái triển khai

Là địa phương có nhiều dự án nạo vét, thông luồng, lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cho rằng nếu thực hiện cấp phép lại cho các dự án này cần phải cẩn trọng và có những quy định chặt chẽ đối với doanh nghiệp. Bởi chỉ tính riêng năm 2016, Nhơn Trạch nhận gần 200 đơn khiếu nại của người dân xã Phước An và Long Thọ liên quan đến việc nạo vét tận thu khoáng sản. Hiện nay, đối với dự án nạo vét thông luồng sông Thị Vải và rạch Cái Lăng, các doanh nghiệp đang tiến hành bồi thường cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Do tạm ngưng, nên trong 1 năm qua, việc khiếu kiện của người dân tạm lắng. “Trước đây, Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng và Công ty TNHH Phú Tài Lợi nạo vét trên sông gây ô nhiễm và lợi dụng vòi rồng hút cát làm sạt lở 2 bên bờ sông khiến người dân rất bức xúc. Nếu tái hoạt động, không quản lý tốt có thể sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến người dân, khiến tình hình khiếu kiện lại trở nên phức tạp”, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho hay.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, vào tháng 7-2017, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu tổng rà soát tất cả dự án nạo vét sông trên toàn quốc. Đối với Đồng Nai, ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường thì tình trạng “núp bóng” nạo vét để khai thác cát, cát tặc lợi dụng hút trộm cát… dẫn đến quyết định ngừng các dự án như đã nói ở trên.

Trong bối cảnh giao thông đường bộ đang gặp nhiều áp lực, Chính phủ yêu cầu các địa phương chú trọng phát triển giao thông đường thủy, nhất là những tuyến sông có tàu hàng lớn thường xuyên qua lại như sông Đồng Nai. Việc nạo vét các khúc sông bị bồi lắng lâu ngày để đảm bảo độ sâu cho tàu bè di chuyển là điều cần thiết. Do tính chất quan trọng và ảnh hưởng đến môi trường của các dự án nên Thường trực Tỉnh ủy rất quan tâm và yêu cầu UBND tỉnh phải có rà soát, giải trình trước khi thực hiện các thủ tục cấp phép tái triển khai. Theo đó, chỉ những dự án thực sự cần thiết và quá trình thực hiện, doanh nghiệp cam kết không gây sạt lở, không ảnh hưởng đến môi trường mới cho tái triển khai.

Để có cơ sở báo cáo, UBND tỉnh yêu cầu Sở GT-VT và các địa phương liên quan rà soát lại tính cần thiết và yêu cầu pháp lý của từng dự án. Riêng Sở GT-VT phải rà soát, bổ sung các quy chế, quy định phù hợp để trình UBND tỉnh và Bộ GT-VT bổ sung thêm vào quy định cấp phép cho các chủ dự án. “Mục tiêu chính của các dự án là thông luồng vận tải đường thủy, tận thu cát chỉ là phụ nên phải tránh tình trạng lợi dụng dự án để phục vụ mục đích hút cát, gây sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy, hải sản hợp pháp của người dân. Tất cả các dự án nếu được cấp phép hoạt động lại đều không được làm ban đêm như trước, nếu kiểm tra phát hiện thì xử lý như “cát tặc”. Doanh nghiệp chỉ được dùng xáng cạp nạo vét chứ không được dùng vòi rồng hút cát như trước đây. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp phải công bố rõ thời gian, độ sâu khai thác để người dân và chính quyền địa phương biết và giám sát”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu. 

5 dự án được đề nghị cấp phép hoạt động lại

Trong đó, có 3 dự án do Bộ GT-VT cấp phép trước đây, gồm: nạo vét sông Đồng Nai từ rạch ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai (TP. Biên Hòa) của Công ty CP hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước; dự án nạo vét sông Đồng Nai từ mũi Đèn Đỏ tới rạch Ông Nhiêu của Công ty TNHH đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Minh và dự án nạo vét sông Đồng Tranh của Công ty Hải Hưng Thịnh (đều nằm trên địa bàn huyện Long Thành). 2 dự án thuộc thẩm quyền tỉnh cấp phép là nạo vét sông Thị Vải (2 huyện Long Thành - Nhơn Trạch) của Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng và nạo vét rạch Cái Lăng (huyện Nhơn Trạch) của Công ty TNHH Phú Tài Lợi.

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây