Ôn thi THPT quốc gia vào giai đoạn “nước rút”

Thứ tư - 02/05/2018 00:32
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Thời điểm này, các trường THPT, các Trung tâm GDTX trong tỉnh đã tập trung toàn lực cho việc ôn thi.

Tăng cường ôn thi

Trường THPT Đắk Lua là trường học thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh. Ngay từ khi kết thúc kiểm tra học kỳ 2, nhà trường đã sắp xếp lại thời khóa biểu cho học sinh khối 12. Theo đó, 9 môn thi THPT quốc gia được sắp xếp tăng cường thêm. Việc dạy học của trường cũng chuyển hoàn toàn sang ôn tập. Buổi sáng, 100% học sinh khối 12 ôn tập tại trường; buổi chiều, các em tự ôn tập ở nhà. Được biết, năm nay, Trường THPT Đắk Lua chỉ có gần 80 học sinh khối 12.

Ngoài việc tổ chức ôn thi, trường cũng chú trọng đến trang bị kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em tự tin khi bước qua ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Theo đó, sau khi hoàn tất kiểm tra học kỳ 2, trường đã mời TS. Nguyễn Thanh Tùng về nói chuyện chuyên đề kỹ năng sống cho học sinh từ khối 9 đến khối 12. Các chủ đề chính được chú trọng là kỹ năng sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; kỹ năng học tập trong thời đại hiện nay…

Mặc dù là trường chuyên, dẫn đầu thành tích học tập của toàn tỉnh nhưng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, trường đã tổ chức thi thử lần 1 vào tháng 4. Với việc tổ chức thi thử như vậy, học sinh có thể làm quen với cách thức thi. Mặt khác, đây cũng là dịp để các em ôn lại những kiến thức đã học, đo được năng lực của bản thân để có sự chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi chính thức. Kỳ thi thử này ngoài học sinh của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh còn có nhiều học sinh các trường THPT trên địa bàn cũng tham gia.


 Học sinh khối 12 các trường trong tỉnh đều đang tích cực ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho hay: “Căn cứ hướng dẫn của  Bộ GD-ĐT về việc tổ chức dạy học lớp 12 năm học 2017 - 2018 và ôn thi THPT quốc gia năm 2018, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức tốt hoạt động dạy và học, hoạt động kiểm tra, đánh giá trong năm học cho cả giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên theo hướng tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh; hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung kế hoạch thời gian năm học, nghiêm cấm việc cắt xén chương trình... Lưu ý công tác tổ chức ôn tập Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 phải có kế hoạch, chương trình cụ thể như bố trí lớp học, đối tượng học sinh, người dạy; đảm bảo ôn tập đủ nội dung chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 THPT, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Đặc biệt, công tác ôn tập năm 2018 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe của học sinh…”.

Thực tế, việc ôn thi THPT quốc gia đã được các trường bắt tay vào xây dựng kế hoạch ôn tập từ ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố lịch thi. Trước tháng 5, các trường vẫn đảm bảo các hoạt động giảng dạy theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Chỉ sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ 2 (cuối tháng 4) thì các nhà trường đã có những điều chỉnh về thời lượng giữa các môn học, tăng cường ôn tập đầy đủ nội dung kiến thức cả chương trình 11 và 12; tiến hành phân chia các lớp ôn tập theo trình độ, theo môn mà học sinh đăng ký... Đây là giai đoạn học tập nước rút của học sinh.

Chuẩn bị tốt kỹ năng làm bài thi

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch lưu ý các thí sinh: “Tuy kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ nguyên hình thức thi như năm 2017, nhưng năm 2018 sẽ có thêm khoảng hơn 20% kiến thức lớp 11. Hẳn đây sẽ là một thử thách rất lớn đối với thí sinh. Vì vậy, học sinh cần phải nắm bắt các chuyên đề, chủ đề quan trọng của cả lớp 11 và 12. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những phần kiến thức có liên quan kiến thức lớp 12”. Theo ông Thạch, không phải đến nay, mà từ rất sớm nhiều trường đã tận dụng tiết học ở buổi thứ hai để tổ chức ôn tập, hệ thống kiến thức lớp 11 cho học sinh với hình thức cuốn chiếu, nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12. Do vậy, có thể nói, các trường đã chuẩn bị tốt cho việc có thêm khối lượng kiến thức lớp 11 trong đề thi THPT quốc gia.

Ngoài ra, trong đợt kiểm tra học kỳ 2 vừa qua, Sở cũng đã tổ chức khâu ra đề (theo định dạng của Bộ GD-ĐT), coi chấm thi như kỳ thi THPT quốc gia, nhằm giúp học sinh làm quen và có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Đối với thí sinh hệ GDTX, Sở GD-ĐT đã có hai lần tổ chức hội nghị khối GDTX và các trường TCCN có học sinh tham gia thi THPT quốc gia, một lần làm việc với Sở LĐ-TBXH về phối hợp trong công tác này. Theo khảo sát gần đây, các cơ sở giáo dục này cũng đang gấp rút triển khai việc ôn tập cho học viên, bố trí thời gian thuận lợi nhiều hơn cho việc ôn thi. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm GDTX, trường TCCN đã hợp đồng với giáo viên THPT hỗ trợ ôn thi. Thậm chí, có nơi còn đăng ký cho học viên thi học kỳ 2 cùng khối THPT theo đề thi của Sở, giúp học viên thích ứng tốt nhất trong kỳ thi nhiều thử thách này.

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), câu hỏi đề thi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ bắt đầu xuất hiện những câu hỏi về thí nghiệm, thực hành, dù chưa nhiều. Những câu hỏi khó trong bài thi Khoa học tự nhiên sẽ là khó về bản chất, hiện tượng vật lý, hiện tượng hóa học chứ không phải phức tạp về tính toán.

Riêng với môn Toán, đề thi bắt đầu xuất hiện câu hỏi về lý thuyết toán, nhằm hướng học sinh không học kiểu giải toán mà yêu cầu hiểu bản chất; lộ trình dần đánh giá thực sự năng lực toán học của học sinh.

Câu hỏi trong đề thi sắp xếp từ dễ đến khó, càng về cuối, độ phân hóa càng cao hơn. Do đó thí sinh nên làm tuần tự từ đầu đến cuối đề thi. Ngoài ra, với 60% kiến thức cơ bản, nếu thí sinh mải luyện thi để làm câu khó sẽ thực sự lãng phí, không hiệu quả.

Hoàn tất dữ liệu ĐKDT vào ngày 5-5

Bộ GD-ĐT mới đây đã có chỉ đạo đến các Sở GD-ĐT về việc cập nhật dữ liệu đăng ký dự thi (ĐKDT). Theo đó, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, các Sở GD-ĐT đã hoàn thành công tác thu và nhập hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia năm 2018 và đang tiến hành công tác kiểm tra chéo để  sửa chữa các sai sót dữ liệu ĐKDT, nhiệm vụ này kết thúc vào ngày 5-5.

Trong quá trình rà soát, kiểm tra chéo và xử lý các sai sót, một số đơn vị vẫn phát hiện còn để sót hồ sơ chưa nhập hoặc lỡ xóa nhầm hồ sơ ĐKDT của thí sinh mà không nhập lại được (do thời hạn nhập mới hồ sơ ĐKDT cài đặt trên hệ thống phần mềm quản lý thi đã hết). Để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro cho hệ thống, đồng thời đảm bảo thống nhất và đồng bộ các tiến trình, tiến độ của các khâu của kỳ thi, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện các tốt các việc sau:

1. Kiểm tra, rà soát dữ liệu đã nhập lên hệ thống đối chiếu với hồ sơ ĐKDT của thí sinh kịp thời xử lý các sai sót nếu có.

2. Đối với hồ sơ còn để sót chưa nhập vào Hệ thống hoặc những hồ sơ xóa nhầm chưa nhập lại được các đơn vị ĐKDT tập hợp lại, lập danh sách gửi báo cáo về Sở. Quản trị hệ thống cấp Sở báo cáo lãnh đạo Sở cho phép tự thiết lập cấu hình thời gian ngày 5-5-2018 để cho phép bổ sung các hồ sơ này vào hệ thống.

3. Dữ liệu ĐKDT phải được hoàn tất trong ngày 5-5 để triển khai các công việc tiếp theo.

Hải Yến

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây