Những năm gần đây, qua tuyên truyền của các cấp Công đoàn, chính quyền địa phương và tự ý thức, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã không ngừng cải thiện môi trường sống cho người lao động. Trong đó có những nỗ lực trong xây dựng mô hình nhà trọ văn hóa không không tệ nạn ma túy, mại dâm. Lợi ích từ mô hình này là đời sống vật chất và tinh thần của người thuê trọ (chủ yếu là công nhân lao động) ngày càng tốt hơn, an ninh trật tự được đảm bảo.
Môi trường sống lành mạnh...
Yên tĩnh, sạch sẽ và an toàn là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến với nhiều khu nhà trọ dành cho người lao động trên địa bàn các xã Long Thọ, Hiệp Phước, Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch. Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa huyện, đây là 3 xã có số lượng đông lao động nhập cư sinh sống nhất của huyện. Số lượng các khu nhà trọ dành cho người lao động ở đây cững nhiều hơn hẳn so với các địa phương khác. Với sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng công an, dân phòng, Công đoàn, hội phụ nữ; sự đồng thuận của chủ nhà, người thuê trọ, số lượng các khu nhà trọ đạt tiêu chí nhà trọ văn hóa, nhà trọ không tệ nạn xã hội, câu lạc bộ nhà trọ văn hóa ngày càng tăng. Điều này đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội ở khu dân cư.
Dẫn chúng tôi đi tham quan hơn 30 phòng trọ của gia đình, bà Phạm Thị Tuyết, 64 tuổi, chủ nhà trọ văn hóa ấp Bến Cam, xã Phước Thiền cho hay, trước đây chưa có tiêu chí nhà trọ văn hóa thì “mạnh ai nấy làm”. Giá nhà, giá điện nước chỉ chủ trọ và người thuê biết với nhau. Vấn đề trộm cắp, tệ nạn xã hội, gây rối trật tự công cộng ở các khu nhà trọ xảy ra thường xuyên, chịu thiệt thòi nhất không ai khác chính là những người thuê nhà. Tuy nhiên, từ khi có mô hình nhà trọ văn hóa, tình hình được cải thiện đáng kể.
Chủ nhà trọ văn hóa Phạm Thị Tuyết thăm hỏi gia đình công nhân.
Theo đó, từng khu/ấp, các chủ trọ liên kết với nhau thành lập câu lạc bộ. Vào câu lạc bộ, các thành viên sẽ thống nhất bộ 3 tiêu chí: tiêu chí về diện tích phòng, khung giá phòng trong năm, tiền điện nước; tiêu chí điều kiện sinh hoạt buộc các nhà trọ phải có truyền hình dùng chung đáp ứng nhu cầu xem tin tức, văn nghệ giải trí cho công nhân dịp cuối tuần, tặng quà vào các dịp lễ, Tết tùy theo điều kiện thực tế của chủ hộ; cam kết đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn khu nhà trọ. Dựa trên bộ tiêu chí đó, chủ nhà trọ đưa ra nội quy cụ thể và bảng nội quy này được treo ở cổng ra vào cùng với biển cảnh báo phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự... Cụ thể như nhà bà Tuyết, bảng nội quy nhà trọ có tới 8 tiêu chí bắt buộc người thuê phải thực hiện, trong đó có nội quy giờ giấc đi về, dọn vệ sinh, tiết kiệm điện nước…
Cũng theo bà Tuyết, từ khi có mô hình nhà trọ đạt chuẩn văn hóa, các chủ nhà thay vì tranh giành khách chuyển sang từng bước cải thiện môi trường sống để thu hút và giữ chân người thuê. Người thuê trọ cũng phải thay đổi để không bị “đuổi đi”.
Ông Nguyễn Phúc Thiện, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa huyện Nhơn Trạch cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 33 khu nhà trọ với tổng số gần 1.200 phòng trọ được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Trong đó nhiều khu được công nhận 5 năm liền đạt chuẩn. Đây là những khu nhà trọ ngoài đáp ứng 3 tiêu chí nói trên, chủ nhà còn tích cực giúp đỡ người lao động lúc ốm đau bệnh tật, làm thủ tục cho con em công nhân được học trường công, được hưởng bảo hiểm y tế...
Cũng theo ông Thiện, để gìn giữ và nhân rộng mô hình khu trọ văn hóa, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy nhà trọ, các tiêu chuẩn nhà trọ văn hóa, cần quan tâm xây dựng lối sống lành mạnh để công nhân lao động và người dân tự động tránh xa các tệ nạn. Theo đó, Trung tâm Văn hóa huyện đã phối hợp với các đơn vị xây dựng, cải tạo các trung tâm văn hóa học tập cộng đồng xã, nhà văn hóa ấp thành những sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông phục vụ miễn phí cho người dân, công nhân trong khu vực.
... công nhân an tâm “lạc nghiệp”
Anh Trần Văn Hên, 26 tuổi, quê Cà Mau, làm việc tại Công ty TNHH hóa chất HS Việt Nam, hiện đang sống tại khu nhà trọ văn hóa của ông Phạm Văn Phước, ấp 4, xã Hiệp Phước nhận xét: “Từ khi vào khu nhà trọ của ông Phước tôi thấy an tâm hơn, tình trạng mất trộm vặt không còn. Hơn nữa tôi và những người trọ ở đây không phải lo tăng giá nhà, giá điện, nước vào mỗi kỳ tăng lương, tăng giá xăng”. Cũng theo anh Hên, hằng năm, khu nhà trọ đều có đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công an hoặc cán bộ Công đoàn của huyện xuống tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội giúp mọi người nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh tệ nạn. Chủ nhà cũng thường xuyên nhắc nhở việc tuân thủ nội quy nhà trọ, giữ gìn vệ sinh môi trường nên mọi người sống ý thức, đoàn kết, thuận hòa.
Anh Trương Văn Phong đang làm việc tại Công ty hóa chất Ý Mỹ chia sẻ: “Buổi tối, đặc biệt vào mỗi mùa giải bóng đá, chúng tôi thường tập trung ở sân nhà ông chủ, vừa để xem cho thỏa mãn đam mê vừa tránh được nguy cơ “nhàn rỗi sinh nông nổi”, sa đà vào cá độ, nhậu nhẹt dẫn đến mất tiền, mất việc”.
Chia sẻ về hiệu quả của đề án xây dựng khu nhà trọ văn hóa không có tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Phúc Thiện cho hay, nhờ có nhà trọ văn hóa mà an ninh trật tự được cải thiện; vấn đề quản lý, tập hợp mọi người để tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng thuận tiện; tình trạng nhà trọ xuống cấp, nhà trọ tồi tàn, nhà trọ không phép dần giảm đi. Từ đó công nhân an cư, an tâm làm việc.
H.Lộc
Tác giả: Nguyễn Thị Lộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập