Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn

Thứ ba - 29/05/2018 22:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn  - chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước đã tác động trực tiếp đến việc tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh và bồi dưỡng, giáo dục nhân cách con người.​

Ở Ðồng Nai, trong những năm qua, công tác này được chú trọng triển khai thực hiện và nhanh chóng đi vào cuộc sống, hoạt động hằng ngày của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, làm thay đổi diện mạo đời sống nông thôn ở Ðồng Nai.

Những chuyển biến tích cực

Những năm gần đây, đến nhiều vùng nông thôn ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, chúng ta dễ bắt gặp những con đường sạch, đẹp; những ngôi trường khang trang; các nhà văn hóa ấp, khu phố được xây mới trở thành điểm vui chơi, giải trí, phòng đọc sách, báo... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới và đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, huyện Xuân Lộc đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Huyện có 100% trường mầm non, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn; 14/14 xã có Trung tâm Văn hóa - học tập cộng đồng; 83/83 Nhà văn hóa ấp được đầu tư xây mới và nâng cấp đạt chuẩn quy định; 621/700 tuyến đường có hệ thống đèn chiếu sáng... Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo đạt kết quả tốt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.


 Quang cảnh hội thảo.

Tại huyện Ðịnh Quán, việc xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, Ðịnh Quán đã chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào, đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện có 92% ấp đạt chuẩn văn hóa, 98% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 30% hộ sử dụng nước sạch…

“Ðể có được những kết quả trên, thời gian qua huyện Ðịnh Quán đã tăng cường hoạt đông tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia; phát huy sức mạnh đại đoàn kết và thực hiện đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Ðồng thời, đẩy mạnh thành lập các mô hình điểm, các câu lạc bộ; kêu gọi xã hội hóa… để các cá nhân, đơn vị chung tay xây dựng đời sống văn hóa nông thôn”, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Ðịnh Quán Thiều Quang Tân nói.

Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn còn gắn với bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 50 di tích được xếp hạng. Việc trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp rất được các cấp, ngành quan tâm. Hằng năm, Bảo tàng tỉnh, Ban quản lý Di tích và danh thắng tỉnh thực hiện nhiều công trình giới thiệu văn hóa Ðồng Nai; tổ chức nhiều triển lãm trưng bày tại chỗ, triển lãm lưu động đến vùng sâu, vùng xa cho người dân và du khách đến tham quan.

Để nâng cao chất lượng văn hóa nông thôn

Bên cạnh những kết quả nổi bật vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế, tồn tại đáng quan tâm. Chẳng hạn như: một số thiết chế văn hóa được xây mới nhưng không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng gây lãng phí trong khi thiết chế văn hóa dành cho công nhân trong các khu công nghiệp còn rất ít; chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải một số nơi vẫn chưa thực hiện đúng quy định; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tuy có tăng nhưng vẫn còn rất thấp…

Ðể nâng cao đời sống văn hóa nông thôn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, theo Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Hồng, các cấp chính quyền cần nghiên cứu xây dựng các thiết chế văn hóa cho phù hợp với từng địa bàn dân cư; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút người dân tham gia. “Theo nhiều khảo sát của chúng tôi, hiện nay, nhu cầu của người dân đến các nơi tâm linh như đình, chùa nhiều hơn là tới Nhà văn hóa ấp. Bởi vậy, các địa phương cần có sự quan tâm nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà văn hóa, huy động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể dục,  thể thao đồng thời gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng nói.

ThS. Phan Ðình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn của Ðồng Nai đạt hiệu quả tốt đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều cấp, nhiều ngành. Công tác tuyên truyền chủ trương, nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về vai trò của văn hóa, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, gắn với phát động và tổ chức triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó mới huy động được sức mạnh của toàn xã hội, ý thức và trách nhiệm của người dân Ðồng Nai trong phong trào thi đua chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, đặc biệt là việc biến đổi văn hóa ở nông thôn. Theo TS. Nguyễn Văn Quyết (giảng viên Trường đại học Ðồng Nai) xây dựng đời sống văn hóa nông thôn trong quá trình phát triển các khu công nghiệp hiện nay cần phải tính toán lại lợi ích của cộng đồng nông thôn, đào tạo nghề, việc làm, chống ô nhiễm môi trường… “Bên cạnh những giá trị mới, chúng ta cần phải gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, không thể vì mưu sinh cuộc sống hằng ngày mà đánh mất đi, khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian chưa chắc đã lấy lại được”, TS. Nguyễn Văn Quyết nhấn mạnh.

Sáng 29-5, tại Bảo tàng Đồng Nai đã diễn ra hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp xây dựng đời sống văn hóa nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020, định hướng 2030”. Ban tổ chức đã nhận được 13 bài tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, giảng viên, nhà nghiên cứu... từ Trường đại học Đồng Nai, Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Phòng Văn hóa các huyện, thị xã và TP. Biên Hòa…

Hội thảo đã được nghe rất nhiều những ý kiến trao đổi xung quanh thực trạng, giải pháp nhằm xây dựng, nâng chất đời sống văn hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đời sống văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò chủ nhiệm đề tài, chủ trì buổi hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyết (giảng viên Trường đại học Đồng Nai) đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại hội thảo của các đại biểu. Từ các ý kiến đó, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, bổ sung để hoàn thiện đề tài trong thời gian tới.

L. Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây