Tài năng trẻ sân khấu cải lương: Nguồn lực cho sân khấu truyền thống

Thứ sáu - 04/12/2020 10:15
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 đang diễn ra sôi nổi ở Cà Mau. Mỗi thí sinh tham gia dự thi 1 trích đoạn cải lương dài không quá 25 phút để khẳng định tài năng ca, diễn chinh phục ban khám khảo và khán giả.

 

c9876207a23753690a26.jpg
Trích đoạn Ngàn thu gương nữ liệt tham gia cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020

 

Cơ hội để nghệ sĩ trẻ giao lưu, học hỏi
Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, cuộc thi là dịp để phát hiện, tôn vinh tài năng nghệ thuật cải lương truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu cải lương hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo trong thời gian tới.
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (nhà hát) cho biết: Đây là ngày hội nghề để các nghệ sĩ, diễn viên trẻ được sống trong một không khí của sáng tạo nghệ thuật với nhiều loại hình, nhiều trích đoạn phong phú, đa dạng.  Từ ngày hội này, nghệ sĩ có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Cũng qua sân chơi này khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ có thêm những đóng góp cho nghệ thuật truyền thống.
Nếu như trước đây nghệ thuật truyền thống phát triển mạnh mẽ, “thống soái” trong các phòng vé thì những năm gần đây, loại hình này gặp nhiều khó khăn. Tại Đồng Nai, sân khấu cải lương cũng đang “gặp khó khăn” trong việc tuyển diễn viên trẻ. Đối với hoạt động biểu diễn, nhà hát đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức để phục vụ công chúng khán giả. Đặc biệt, năm 2020 nhà hát đã chuyển đổi hình thức biểu diễn truyền thống sang biểu diễn online, không chỉ phục vụ khán giả trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả khán giả quốc tế.
Theo Ban tổ chức, sau cuộc thi nếu các thí sinh đoạt được các huy chương vàng, huy chương bạc tài năng diễn viên trẻ… các đơn vị nghệ thuật sẽ lấy đó làm căn cứ đề nghị được xét tặng các danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân trong thời gian tới.
50bae3692359d2078b48.jpg
Trích đoạn Hòn Vọng Phu tham gia cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương
 toàn quốc năm 2020
Tìm kiếm tài năng trẻ, bổ sung cho nghệ thuật truyền thống
Để tham gia cuộc thi, các diễn viên  của Đồng Nai đã tích cực rèn nghề, chủ động học hỏi, cập nhật kiến thức mới. Nhà hát đã lựa chọn 6 trích đoạn để các diễn viên tham gia, bao gồm: Ngàn thu gương nữ liệt (biểu diễn Nguyễn Thị Phương Thảo); Vương triều đẫm lệ (biểu diễn Nguyễn Thị Sang Sang); Chí Phèo - Thị Nở (biểu diễn Nguyễn Thị Băng Châu); Hòn vọng phu (biểu diễn Võ Hoài Minh); Tiếng thét nơi pháp trường (biểu diễn Đông Nguyên); và Khí tiết Trần Bình Trọng (biểu diễn Khánh Dư).
Từng đoạt huy chương vàng trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV tại Hà Nội - 2019, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục thử sức với cuộc thi tài năng trẻ năm 2020. Chị vào vai nữ tướng Bùi Thị Xuân vợ của danh tướng Trần Quang Diệu trong trích đoạn Ngàn thu gương nữ liệt. Trích đoạn lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam dưới triều đại Tây Sơn. Bùi Thị Xuân có tài thuần dưỡng và huấn luyện voi chiến nên được giao chỉ huy đội tượng binh. Bà được Hoàng đế Quang Trung phong là Đô đốc - vị nữ tướng hiếm hoi trong lịch sử dân tộc.
Nghệ sĩ Băng Châu tham gia cuộc thi tài năng trẻ với vai diễn Thị Nở trong trích đoạn Chí Phèo - Thị Nở. Băng Châu chia sẻ: “Thị Nở là vai diễn hài hước, đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh, xuất thân của nhân vật để có những tìm tòi, sáng tạo trong lối diễn, tránh lặp lại những mô típ cũ. Đặc biệt là việc thể hiện ngoại hình của nhân vật phải lẳng lơ, mỗi lời nói, hành động phải thật “vô duyên” để có thể tạo ra cười, kéo người xem trở lại với sân khấu cải lương”.
Với trích đoạn Khí tiết Trần Bình Trọng, nghệ sĩ Khánh Dư vào vai danh Trần Bình Trọng - một danh tướng tài ba dưới thời Trần không may bị sa vào tay của giặc Nguyên - Mông. Chúng uy hiếp Trần Bình Trọng bằng cách bắt cóc con trai ông, đe dọa giết con nếu ông không quy hàng và không chỉ nơi ở của vua Trần. Trước hoàn cảnh đó, Trần Bình Trọng “giả vờ” đầu hàng để vợ con ông được về nhà an toàn. Sau đó, ông chấp nhận chọn cái chết và nêu cao khí tiết với câu nói nổi tiếng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Nghệ sĩ Khánh Dư cho hay, nếu như trước đây anh rất bỡ ngỡ khi đảm nhận vai diễn mang đề tài về lịch sử thì nay anh đã tự tin hơn rất nhiều. Khi thể hiện nhân vật Trần Bình Trọng, anh bám sát kịch bản lịch sử, đọc thêm các tư liệu và câu chuyện xung quanh nhân vật để thể hiện sinh động hơn. Anh cũng chủ động học hỏi thêm các thầy cô, anh chị trong nhà hát để thể hiện rõ được tâm lý giằng xé của nhân vật, giữa gia đình và trách nhiệm với quê hương, đất nước và với Nhân dân.
7a2878cfb8ff49a110ee.jpg
Trích đoạn Khí tiết Trần Bình Trọng tham gia cuộc thi Tài năng trẻ
diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020
NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai nói rằng, với việc tham gia 6 trích đoạn cải lương trong cuộc thi tài năng trẻ năm 2020 cho thấy Đồng Nai rất quan tâm trong bồi dưỡng, đào tạo, phát triển tài năng nghệ thuật truyền thống. Bằng sự chuẩn bị công phu, sự đầu tư nghiêm túc và sự nỗ lực, cố gắng của mỗi diễn viên, nghệ sĩ trẻ tin tưởng cuộc thi sẽ tìm được nhiều tài năng trẻ để bổ sung một lực lượng kế thừa xứng đáng cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp hiện nay.
Hòa Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây