Lan tỏa phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa

Thứ năm - 10/12/2020 10:02
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Năm 2020, phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng chục nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã lan tỏa trong cộng đồng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ.
6193e422aefc5fa206ed.jpg
Mô hình phòng đọc sách tại Nhà văn hóa xã Phú Ngọc, H.Định Quán thu hút học sinh trên địa bà xã đến sinh hoạt
Nhiều ấp, khu phố hoạt động hiệu quả
Xã Bình Lộc, TP.Long Khánh là một trong những địa phương triển khai và tổ chức hoạt động hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở. Phó chủ tịch UBND xã Trần Thị Ngọc Oanh cho biết, hiện xã có 1 Trung tâm Văn hóa - thể thao học tập cộng đồng (trung tâm) và 5 nhà văn hóa thuộc các ấp 1, 2, 3, 4 và ấp Cây Da. Trong đó, diện tích xây dựng của trung tâm hơn 4 ngàn m2, được cải tạo từ trạm y tế cũ của xã với kinh phí ban đầu 300 triệu đồng. Khuôn viên trung tâm gồm có sân cầu lông, sân bóng chuyền, phòng đọc sách, điểm tra cứu thông tin khoa học công nghệ…
“Tại trung tâm và các nhà văn hóa ấp, hàng năm tổ chức thường xuyên hoạt động sinh hoạt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 7 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của xã được duy trì và hoạt động sôi nổi. Đặc biệt, xã tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Riêng phòng đọc sách cung cấp hơn 800 tài liệu khoa học, biên tập gần 3 ngàn bản tin phục vụ các chi bộ, các ngành, đoàn thể, tổ nhân dân đến sinh hoạt” - bà Oanh nói.
Là điểm sáng trong công tác kêu gọi vận động xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, Nhà văn hóa xã Phú Ngọc, H.Định Quán hiện có 1 sân bóng đá mini, 8 sân cầu lông, 1 sân khấu lớn ngoài trời, hội trường với hơn 120 ghế và các phòng chức năng như: phòng sách, máy tính, truyền thanh… Anh Phan Duy Hòa, công chức văn hóa xã hội xã Phú Ngọc cho hay, nhà văn hóa của xã được xây dựng từ năm 2003. Những năm đầu xây dựng, nhà văn hóa hoạt động không hiệu quả mặc dù gần khu dân cư, gần trường học.
“Trước thực trạng đó, xã đã có kế hoạch mời gọi các nhà đầu tư vào xây dựng thêm các công trình thể dục thể thao. Chỉ riêng, sân bóng đá mini được đầu tư xây dựng gần 1 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại nhà văn hóa đã trở nên khang trang, các công trình xã hội hóa tại đây thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt. Hằng năm, nhà văn hóa cho các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng để tập võ thuật, dưỡng sinh, dạy cờ vua, cờ tướng…được số tiền hơn 31 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng để chi trả cho bảo vệ, tạp vụ, điện nước sinh hoạt….” - anh Hòa chia sẻ.
Mặc dù với diện tích nhỏ, chỉ với 1 hội trường và khoảng sân nhỏ nhưng nhà văn hóa ấp An Bình, xã Trung Hòa, H.Trảng Bom cũng là một trong những thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư chi bộ ấp An Bình cho biết, hàng tháng ấp phải lên kế hoạch để sắp xếp các buổi sinh hoạt cho các đoàn thể đăng ký. Vừa tổ chức các lớp tập huấn, lớp học nghề, tập luyện văn nghệ, sinh hoạt chi bộ...
Cũng theo ông Hùng, hiện nay, ấp An Bình có hơn 2 ngàn hộ, gần 10 ngàn nhân khẩu, phần lớn là đồng bào có đạo. Với số lượng dân cư đông, nhà văn hóa ấp tổ chức các thường xuyên, liên tục các hoạt động, nhiều chương trình phải lên lịch, đăng ký trước cả tháng. Ông Hùng bộc bạch: “Mặc dù các sinh hoạt diễn ra văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi nhưng nhà văn hóa ấp chưa có không gian rộng để bà con luyện tập thể dục thể thao. Ban ấp rất mong được trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân”.
285e6ed72409d5578c18.jpg
Mô hình phòng đọc sách tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng
xã Bình Lộc, TP.Long Khánh hàng năm thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt
Nâng chất phong trào đi vào chiều sâu
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Chủ nhiệm chương trình 1 về xây dựng ấp, khu phố văn hóa cho biết, năm 2020 Ban chủ nhiệm chương trình đã hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai đăng ký xây dựng và giữ vững danh hiệu ấp, khu phố văn hóa; đồng thời lồng ghép các tiêu chí riêng của tỉnh như: Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông; khu dân cư an toàn về an ninh trật tự; ấp, khu phố tiết kiệm điện…nhằm góp phần nâng cao chất lượng danh hiệu ấp, khu khố văn hóa.
Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm chương trình 1 tiếp tục triển khai thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua chương trình xây dựng ấp, khu phố văn hóa, các hoạt động vì người nghèo trong năm 2020 tiếp tục được sự ủng hộ, đóng góp nhiệt tình của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động xây dựng và bàn giao 147 căn nhà tình thương trị giá hơn 7,4 tỷ đồng, sửa chữa 31 căn nhà trị giá 439 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ vốn để người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng dân cư. Ban ấp, khu phố đã vận động nhân dân đóng góp hơn 60 tỷ đồng, hơn 34 ngàn ngày công lao động để làm mới, sửa chữa và nâng cấp 167,1 km đường giao thông. Xây dựng 2 cây cầu xi măng trị giá 300 triệu đồng… Người dân các địa phương đồng lòng, chung sức xây dựng đời sống văn hóa mới.
Theo Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh, trong năm 2021 toàn tỉnh phấn đấu đạt trên 90% ấp, khu phố đạt chuẩn ấp, khu phố văn hóa. Chỉ tiêu này so với năm 2020 đã được kéo giảm nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động, đưa phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Bên cạnh đó, phong trào cũng đẩy mạnh xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước gắn với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng dân cư, gắn với các tiêu chí xét tặng danh hiệu ấp, khu phố văn hóa.
Thanh Thanh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây