Giảng dạy chương trình lớp 1 mới: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn

Thứ tư - 02/12/2020 15:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Để thực hiện tốt chương trình lớp 1 mới, việc sinh hoạt chuyên môn từ cấp tổ/ khối đến cấp trường, Phòng GD-ĐT… đều phải được nâng cao chất lượng. Các cuộc họp cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau thảo luận, tìm cách khắc phục. 
8995a7f3a2df53810ace.jpg
Học sinh lớp 1, Trường TH Tân PHú (H. Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trong giờ học
môn Tiếng Việt
Tập trung bàn những vấn đề cụ thể
Để thực hiện tốt chương trình giáo dục mới, công tác sinh hoạt chuyên môn được đặc biệt chú trọng. Theo đó, mỗi tháng, các tổ chuyên môn họp 2 lần, toàn trường họp 1 lần. Các cuộc họp chuyên môn của khối 1 đều có sự tham gia của Ban giám hiệu để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời giải quyết.
Cô Trần Thị Nhạn, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (P. Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Cuộc họp chuyên môn khối 1 lần nào cũng có Ban giám hiệu dự. Chúng tôi khuyến khích giáo viên chủ động và cho phép họ có thể thay thế các bước dạy học để phù hợp với từng lớp”.
Còn cô Võ Thị Tuyết Nhung, Khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Tân Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) thì chia sẻ, thông thường, giáo viên phải soạn giảng trước 1 tuần. Trong quá trình đó nhận thấy bài nào “có vấn đề” thì các cô sẽ đưa ra cuộc họp chuyên môn để cùng nhau thảo luận, đề ra các hoạt động dạy học phù hợp.
Ở cấp phòng GD-ĐT, việc sinh hoạt chuyên môn cũng được đẩy mạnh. Theo ông Phan Thành Chánh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Long Khánh, Phòng đã yêu cầu các trường tăng cường chất lượng sinh hoạt chuyên môn. Các cuộc họp phải tận dụng thời gian để trao đổi kỹ về những khó khăn khi triển khai chương trình mới nhằm bàn bạc, thống nhất trong chuyên môn để thực hiện. Được biết, địa phương này hiện có 21 trường tiểu học và trường liên cấp có dạy chương trình tiểu học. Các trường trên địa bàn sử dụng 2 bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
“Đa số giáo viên đã nghiên cứu kỹ chương trình nên thực hiện tương đối thuận lợi. Tất nhiên, trong bộ sách đó vẫn còn có một vài từ ngữ mang tính địa phương. Nhiệm vụ của giáo viên là phải hướng dẫn cho học sinh nắm bắt được. Đến giờ phút này, theo tôi nắm bắt được thì trên 90% học sinh bắt kịp chương trình” - ông Phan Thành Chánh cho hay.
db4bcaaccc803dde6491.jpg
Học sinh lớp 1, Trường TH Tân PHú (H. Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trong giờ học
 môn Tiếng Việt
Giáo viên cần đầu tư nhiều hơn
Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học hiện đang sử dụng bộ SGK Chân trời sáng tạo. Sau gần 3 tháng dạy học chương trình mới, cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên dạy lớp 1 của trường cho rằng bộ sách thiết kế nhiều hoạt động mở, nhiều nội dung giúp cô trò có cơ hội để tìm hiểu về thế giới xung quanh cũng như tận dụng được vốn sống của trẻ vào bài học. Điều này giúp cho trẻ phát huy được kỹ năng tự học và năng lực cá nhân. Đồng thời, các hoạt động được thiết kế trong SGK cũng giúp giáo viên hiểu được “vốn sống” của học sinh. Từ cơ sở này, giáo viên sẽ xây dựng tiết học phù hợp, sinh động hơn.
Cô Phương Anh cũng cho rằng, cách học này giúp cô chuyển từ sự chủ động của giáo viên sang sự chủ động của học sinh. Tuy vậy, cũng chính vì tính mở nên giáo viên sẽ gặp khó khăn về thời gian nếu “ôm” quá sát vào những kiến thức, nội dung mà sách đưa ra. Trong một tiết dạy, giáo viên khó có thể truyền tải hết được các ý đồ được thiết kế trong SGK và có thêm hoạt động mở rộng.
Những môn học khác cũng mở rộng kiến thức, đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung nên giáo viên gặp khó khăn trong chuẩn bị đồ dùng dạy học. Vì một môn học có quá nhiều hoạt động nên giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức.
Trường Tiểu học Tân Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) hiện đang sử dụng bộ SGK Cánh diều. Cô Võ Thị Tuyết Nhung nhận xét, phần bài tập đọc môn Tiếng Việt khá dài (tương đương với bài tập đọc chương trình lớp 2). Ngoài ra, sách có nhiều từ không gần gũi với cuộc sống nên cô phải giảng giải nhiều để cho học sinh hiểu.
Để học sinh hứng thú với bài mới, cô có thể bắt đầu bằng việc cho học sinh quan sát bức tranh rồi tìm từ khóa hoặc có thể bắt đầu bằng một trò chơi. Việc học từ mới, giáo viên có thể thực hiện như trình tự trong SGK hoặc có thể đảo ngược trình tự. Sự thay đổi này nhằm giúp học sinh hứng thú hơn.
Còn Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) thì sử dụng bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực. Cô Phạm Thị Nguyệt, giáo viên dạy lớp 1 của trường cho biết tốc độ của chương trình mới đi nhanh hơn so với chương trình cũ. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều em chưa được chuẩn bị kỹ ở trường mẫu giáo nên khi vào lớp 1 đã bị “đuối”. Với những học trò thuộc diện này, giáo viên phải chủ động phụ đạo cho các em.
Cô Nguyệt chia sẻ: “Lớp tôi có 2 em học môn Tiếng Việt hơi chậm. Tôi phụ đạo bằng cách cho các em học chậm hơn so với các bạn 2 tuần. Tức là vào tiết, các em vẫn học bình thường cùng cả lớp nhưng cuối buổi, tôi sẽ cho các em học lại bài cũ của 2 tuần trước. Sau một thời gian, các em dần tiến bộ”.
Cũng theo cô Nguyệt, sau hơn 2 tháng học, nhiều học sinh có sự tiến bộ rõ nét. Từ chỗ chưa thuộc bảng chữ cái, khó khăn trong học tập, đến nay các em có thể tự ghép vần và đọc tốt, trả lời được câu hỏi trong SGK, chữ viết cũng cải thiện nhiều.
Lớp của cô Nhung cũng có nhiều học sinh còn yếu môn Tiếng Việt. Cách làm của cô là thường xuyên liên lạc với phụ huynh, nhờ phụ huynh phối hợp hướng dẫn thêm cho con ở nhà. Ngoài ra, cô sắp xếp học sinh giỏi ngồi cạnh học sinh yếu để các em giúp đỡ nhau.
 “Tôi giao cho bạn học giỏi kèm bạn học yếu và nhận xét sự tiến bộ của các em mỗi tuần. Bạn nào có tiến bộ thì cặp đôi đó sẽ được thưởng, có khi là cái bánh, cái kẹo; có khi là cuốn tập, cây viết… Quà nhỏ nhưng các em rất vui. Các em còn tích cực hoàn thành phần việc của mình nhanh nhất có thể để phụ cô hướng dẫn cho bạn. Tôi thấy cách làm này khá hiệu quả” - cô Nhung vui vẻ kể.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây