Việc thiếu hụt lao động dịp cuối năm đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện các đơn hàng đã ký và kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là dịp để DN nhìn nhận lại cách ứng xử và thực hiện các chính sách phúc lợi nhằm thu hút nguồn nhân lực tại DN.
Công nhân Công ty CP công nghiệp chính xác VPIC trong giờ làm việc
Nỗ lực giữ chân lao động
Nhiều năm nay, Công ty TNHH Soltec Việt Nam (H.Nhơn Trạch), DN chuyên sản xuất cơ khí với trên 200 lao động luôn coi trọng nguồn nhân lực bằng nhiều cách đối đãi đặc biệt. Theo đó, ngoài các chính sách chăm lo chu đáo, hằng tháng, DN thường tổ chức một buổi tiệc tại công ty để gặp gỡ, giao lưu với NLĐ. Đây cũng là cách làm để DN tạo được sự gần gũi, đoàn kết góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN.
Đại diện lãnh đạo DN cho hay, thay vì tổ chức đối thoại định kỳ, DN tổ chức buổi tiệc để tạo sự gần gũi với NLĐ. Ngoài ra, hằng năm, DN trích kinh phí cho công nhân đi tham quan du lịch miễn phí, hỗ trợ NLĐ ra nước ngoài học tập, nâng cao tay nghề và luôn quan tâm khen thưởng lao động tiêu biểu. Những việc làm này đã tạo thêm động lực làm việc tốt nhất cho NLĐ.
Tại Công ty TNHH Cự Thành (H.Long Thành), dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thế nhưng công ty đã phối hợp với Công đoàn cơ sở (CĐCS) tính toán hợp lý, nỗ lực giữ việc làm cho gần 4 ngàn lao động làm việc tại công ty. Những tháng cuối năm, khi các đơn hàng bắt đầu ký kết trở lại, DN đã nhanh chóng khôi phục sản xuất nhờ đội ngũ lao động làm việc trách nhiệm và gắn bó.
Anh Lý Xê Ba, Chủ tịch CĐCS công ty cho hay, phương châm của DN là dù khó khăn cũng phải tìm phương án giữ chân lao động vì đây là nguồn nhân lực đã gắn bó cùng DN lâu năm. Người lao động (NLĐ) đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, giúp DN đứng vững trên thị trường và phát triển cho đến nay. Vì vậy, dù phải tính đến phương án giảm giờ làm hoặc làm việc cách ngày vẫn phải đảm bảo thu nhập cho NLĐ. Việc làm này của DN đã nhận lại kết quả hơn cả mong đợi. Đặc biệt thời điểm này, khi các đơn hàng tăng liên tục, NLĐ vẫn sẵn sàng tăng ca để cùng DN hoàn thành các đơn hàng đã ký.
“Nếu không có sự góp sức của NLĐ, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi khi các đơn hàng đã ký, nếu không thực hiện đúng tiến độ, uy tín của DN sẽ giảm sút. Vì vậy, DN và CĐCS thường xuyên xuống xưởng làm việc động viên NLĐ tích cực làm việc để vừa tăng chất lượng sản phẩm vừa tăng thu nhập cho bản thân. Ngoài ra, khuyến khích NLĐ giới thiệu người thân vào làm việc, kể cả người lớn tuổi nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ có việc làm và thu nhập dịp cuối năm”- anh Ba chia sẻ.
Thời gian qua, đã có rất nhiều DN dù khó khăn vẫn không “bỏ rơi” NLĐ. Đỉnh điểm nhất là lúc dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều DN dù tìm cách xoay xở sản xuất, tìm kiếm nguồn hàng, tìm đầu ra, vẫn dành sự quan tâm đến đời sống NLĐ. Có đơn vị hỗ trợ tiền, có đơn vị lại tặng vàng, vật phẩm để động viên NLĐ tiếp tục đồng hành cùng DN. Sự trân trọng đáng quý đó đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp và thể hiện cách đối đãi công bằng của DN đối với sự đóng góp, gắn bó của NLĐ.
Đẩy mạnh các hoạt động tạo thiết thực
Đại diện Công đoàn cơ sở và Công ty TNHH ADMS Việt Nam tổ chức ngày hội công nhân năm 2020
Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt các chính sách để giữ chân lao động, vẫn có nhiều DN lợi dụng dịch bệnh để sa thải lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi. Đây được xem là việc làm thiếu nhân văn, coi thường nguồn nhân lực.
Anh Trần Văn Hải, làm việc tại một DN may mặc ở TP.Biên Hòa cho hay, anh đã dành 9 năm thanh xuân để gắn bó với công ty. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu gặp khó khăn, DN đã cho anh cùng nhiều lao động nghỉ việc vì lý do dịch bệnh, không có đơn hàng làm. Anh rất “sốc” vì suốt thời gian gắn bó, anh đã nỗ lực rất nhiều để cống hiến cho DN. Nên khi được thông báo nghỉ việc, anh rất buồn vì cách đối xử của DN đối với NLĐ.
Trường hợp của anh Hải cũng là hoàn cảnh chung của nhiều lao động khi bị DN sa thải. Thực tế, nếu DN có cách đối đãi lịch sự, tôn trọng sự cống hiến của NLĐ thì không có lý gì mà NLĐ không cùng DN vượt qua khó khăn. Thậm chí họ chấp nhận làm cách ngày, tạm ngừng việc không lương để cùng DN tìm cách xoay xở, sắp xếp sản xuất hợp lý.
Phó chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đoàn Thị Kim Loan cho hay, dù là DN tập trung đông lao động những khi gặp khó khăn trong sản xuất, số lượng lao động dư ra khoảng 5 ngàn người nhưng DN nhất quyết giữ chân lực lượng lao động này. Ngoài ra, DN thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ NLĐ thông báo tình hình sản xuất để cùng chia sẻ và đồng hành với DN vượt qua khó khăn. Sự chân tình từ chủ DN là sợi dây gắn kết NLĐ đến gần và luôn sát cánh cùng DN trong việc ổn định sản xuất, kinh doanh bền vững.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, ở nơi nào DN biết qúy trọng nguồn nhân lực, nơi đó luôn có môi trường làm việc tốt, ít xung đột và ngừng việc tập thể. Chưa kể các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật đã tạo được sự tin tưởng của NLĐ. Nhiều DN dù khó khăn vẫn hỗ trợ NLĐ nhu yếu phẩm, tặng vật phẩm để NLĐ ổn định cuộc sống, tư tưởng, tinh thần làm việc. Những cách làm hiệu quả, thiết thực trên cần được nhân rộng trong thời gian tới để làm sao các DN luôn có đội ngũ lao động nòng cốt, tay nghề cao, sẵn sàng làm việc tích cực để mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Phong Lan