Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư - 09/12/2020 09:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Đồng Nai hiện có 37 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 189.098 người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

7.12-H1 Bài 4.jpg
Một buổi tập huấn về nghiệp vụ công tác dân tộc cho người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu do Ban dân tộc tỉnh tổ chức
Phấn khởi trước sự đổi thay
Nói về sự đổi thay của đồng bào dân tộc mình, ông MoHaMed NooRuDeen, dân tộc Chăm, Trưởng ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc chia sẻ: “Tôi đã làm trưởng ấp được hơn 20 năm. Thời gian qua, tôi thấy rằng, cùng với Đảng, Nhà nước, tỉnh Đồng Nai đã luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc bằng rất nhiều chương trình cụ thể, thiết thực, ý nghĩa. Nhờ đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nơi tôi sinh sống nói riêng ngày càng tiến bộ”.
Ông MoHaMed NooRuDeen dẫn chứng, con em đồng bào DTTS được đi học hành đến nơi đến chốn, nhiều em học đại học, nhiều em học nghề; công ăn việc làm được đảm bảo, đời sống khá dần lên; tình hình an ninh trật tự ổn định…Bên cạnh đó, điện đường, trường trạm đầy đủ, khang trang; bà con được dùng nước sạch 100%...Bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây rất tin tưởng, phấn khởi, và đồng lòng đoàn kết cùng với đồng bào các dân tộc khác nỗ lực vươn lên.
Còn Tsằn Bích Thầu (dân tộc Nùng), người uy tín trong đồng bào DTTS  tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nếu như trước đây, bà con đồng bào DTTS sống có phần khép kín thì nay đã tích cực tham gia vào nhiều phong trào, hoạt động của địa phương. Bà con chú trọng quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến việc học hành của con em mình. Ngày càng nhiều gương điển hình đồng bào DTTS chí thú làm ăn, làm giàu...”.
Những năm qua, cùng với các chính sách từ Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Song song với đó, tỉnh xây dựng và hỗ trợ đầu tư hàng trăm mô hình để phát triển kinh tế hộ gia đình đồng bào DTTS như: trồng lúa, bắp, hồ tiêu, cà phê; chăn nuôi gà, dê, bò... Tổ chức tập huấn, hỗ trợ bà con chuyển giao kỹ thuật để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào DTTS...
Đồng Nai còn rất quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn vốn giúp đồng bào phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nhằm tăng thêm thu nhập, giảm và thoát nghèo. Cụ thể từ năm 2014 đến nay, đã có 5.427 hộ được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi hơn 134 tỷ đồng để tăng gia sản xuất thoát nghèo. Các dự án khuyến nông, hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề nông nghiệp; những dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ tham gia dự án sớm thoát nghèo. Tỉnh còn tạo cơ hội và môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
Ông Thổ Út, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, đến nay tại vùng dân tộc, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng được đảm bảo, cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng phù hợp, các mô hình sản xuất mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống của đồng bào dần được cải thiện. Đáng phấn khởi là trong  giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh giảm được 3.418 hộ nghèo là người DTTS, bình quân mỗi năm giảm được 570 hộ.
Xuất hiện nhiều gương sáng làm ăn kinh giỏi
7.12-H2 bài 4.jpg
Gia đình nông dân Mai Văn Lượng, dân tộc Chơ ro (TP.Long Khánh) bày tỏ sự phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực của bản thân, gia đình ông ngày khá giả hơn
Không dừng ở đó, vùng đồng bào dân tộc còn xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, làm giàu cho gia đình và cho xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh.
Ông Liu Tác Sáng, dân tộc Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hương (xã Phú Túc, H.Định Quán) là một trong những tấm gương như vậy. Những năm qua, bằng việc thành lập, duy trì, mở rộng phát triển doanh nghiệp với sản phẩm chính là nông sản sấy khô, ông Sáng không chỉ khẳng định được tài năng, ổn định kinh tế gia đình mình mà còn giúp bà con đồng bào tại địa phương có thêm việc làm và thu nhập ổn định. Hiện tại công ty có hơn 20 lao động chính thức đang làm việc và một số lượng lớn lao động thời vụ làm thêm tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
“Để có được kết quả đó, cùng với sự nỗ lực của bản thân, tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm của huyện, xã, các sở, ngành trong việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Trong năm tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng thị trường hơn nữa để ngày càng phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương cũng như giúp đỡ được nhiều bà con DTTS” - ông Liu Tác Sáng cho hay.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho hay, từ việc thực hiện chính sách dân tộc, sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên, đồng bào đã có sự chuyển biến tích cực, tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, đồng thời hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển. Hiện nay, 100% xã, khu ấp đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia, hộ có điện sinh hoạt đạt 99,15%; hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Các xã có hệ thống loa truyền thanh hoạt động tốt, trải đều đến các ấp và hệ thống thiết bị kỹ thuật hoạt động ổn định, thường xuyên, phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...
Trang Thư

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây