Năm 2020, BHXH tỉnh Đồng Nai ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 81 cơ sở y tế trong tỉnh, bao gồm 26 cơ sở công lập và 55 cơ sở ngoài công lập.
Điều dưỡng phát thuốc BHYT cho bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 11-2020, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh đã sử dụng hết hơn 96% dự toán quỹ BHYT của cả năm mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Đồng Nai.
34/81 cơ sở có mức tăng cao
Mới đây, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế mời đại diện lãnh đạo 34/81 cơ sở y tế có chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng cao trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11-2020 để tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, nêu những khó khăn khi vượt dự toán để tìm tiếng nói chung và đưa ra giải pháp nhằm hạn chế việc vượt dự toán cao.
Một số cơ sở có mức tăng chi phí bình quân cao đột biến so với cùng kỳ năm 2019 như: phòng khám đa khoa Tam Phước tăng 41%, phòng khám đa khoa Hoàng Tiến Dũng tăng 19%, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tăng 19%, Bệnh viện Quân y 7B tăng 23%, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tăng 19%, phòng khám đa khoa Ái Nghĩa Biên Hòa tăng 19%.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị nội trú cho khoảng 1 ngàn bệnh nhân (mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân nhập viện và 100 bệnh nhân ra viện), khám, điều trị ngoại trú cho từ 2,8 ngàn lượt – 3,1 ngàn lượt bệnh nhân. Bệnh viện thường xuyên triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
“Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được giao dự toán BHYT 590 tỷ đồng, thấp hơn khoản thực chi của năm 2019. Vì thế, tính đến giữa tháng 11, bệnh viện đã vượt 19% chi phí dự toán so với cùng kỳ năm ngoái” – BS Phương Trâm cho hay.
Tương tự, BS CKII.Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, năm 2020, bệnh viện được giao dự toán 151 tỷ đồng trong khi năm 2019 bệnh viện sử dụng hết 222 tỷ đồng (BHXH Việt Nam mới quyết toán 149 tỷ đồng). Với 151 tỷ đồng chia cho 12 tháng, trung bình mỗi tháng, bệnh viện được chi khoảng 12,5 tỷ đồng. Trên thực tế, tiền thuốc men, vật tư tiêu hao bệnh viện phải trả mỗi tháng từ 6-7 tỷ đồng, tiền lương trả cho 900 cán bộ, nhân viên khoảng 8 tỷ đồng, chưa kể các khoản xuất toán hằng tháng, hằng quý. Như vậy, việc vượt dự toán BHYT năm 2020 là đương nhiên.
Càng phát triển càng vượt dự toán
Bệnh nhân ngồi chờ lãnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, năm 2020, bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như phẫu thuật cột sống (mỗi ca từ 50-80 triệu đồng), thay khớp gối có những ca lên đến 100 triệu đồng, phẫu thuật ngoại khoa, các loại phẫu thuật cấp cứu khác cũng rất mắc tiền. Mặt khác, trong đợt dịch Covid-19, lượng bệnh nhân đến bệnh viện có giảm nhưng không đáng kể. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tiếp tục tăng.
Lý giải nguyên nhân vì sao những tháng đầu năm 2020 số lượt người đến khám bệnh giảm mạnh nhưng vẫn vượt dự toán BHYT, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm nói, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bệnh viện thực hiện kê thuốc 2-3 tháng cho những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại đến bệnh viện khi có dịch bệnh Covid-19 nên có nhiều bệnh nhân đợi đến khi bệnh nặng mới nhập viện điều trị. Khi đó, chi phí điều trị cao gấp 2-4 lần so với khi bệnh nhẹ. Ngoài ra, bệnh viện thường xuyên triển khai nhiều kỹ thuật có chi phí cao như đặt stent điều trị nhồi máu cơ tim, các kỹ thuật ngoại khoa, thay khớp gối, khớp háng…
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, qua công tác giám định cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT trong 10 tháng của năm 2020. Phải kể đến như: do tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019 của Bộ Y tế. Một số cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng cuối năm 2019, chi phí còn thấp, sang năm 2020 chi phí tăng lên; có thêm một số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trong năm 2020. Một số cơ sở khám chữa bệnh triển khai dịch vụ kỹ thuật mới. Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, mọi hoạt động trở lại bình thường, người dân đi khám bệnh tăng đột biến dẫn đến chi phí tăng theo.
Ngoài những nguyên nhân khách quan cũng phải kể đến những nguyên nhân chủ quan như: các cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng quá mức cần thiết; sử dụng thuốc giá cao; chỉ định thuốc chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bệnh nhân đi khám chữa bệnh nhiều lần trong tháng do cơ sở y tế không gửi dữ liệu kịp thời lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT. Có tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các cơ sở tư nhân câu lưu bệnh nhân nhằm kéo dài thời gian điều trị hoặc bệnh chưa đến mức phải nhập viện cũng chỉ định nằm viện. Tình trạng cấp giấy nghỉ ốm nhiều nhằm thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh cũng xảy ra.
“Hệ thống giám định của cơ quan BHXH đã phát hiện có 660 bệnh nhân đi khám bệnh từ 50-100 lần trong 10 tháng qua, 18 bệnh nhân đi khám bệnh 100 lần, thậm chí, có 1 bệnh nhân đi khám tới 146 lần. Đây là dấu hiệu bất thường và cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra” – ông Phạm Minh Thành cho biết.
Bảo Ngọc