BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khoa hiện đang điều trị cho nhiều trường hợp bị sốc sốt xuất huyết nặng, tay chân miệng nặng, viêm não, viêm phổi nặng. Trong đó, nhiều bệnh nhân phải thở máy liên tục nhiều ngày liền.
Một bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết nặng được chuyển viện, cấp cứu
tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Sử dụng kỹ thuật mới trong điều trị sốc sốt xuất huyết
Cụ thể, bệnh nhân P.N.Q.H., 9 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết. Mặc dù đã rơi vào trạng thái sốc nhưng bệnh nhân vẫn còn sốt cao, đi cầu ra máu, ói, đau bụng nhiều, chảy máu chân răng. Xác định đây là ca bệnh nặng, các y, bác sĩ đã liên tục theo dõi sát bệnh nhân, điều trị bệnh theo phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, chống sốc, sử dụng thuốc cao phân tử, theo dõi bằng máy monitor liên tục, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, oxy máu và được đo cung lượng tim.
“Đo cung lượng tim là kỹ thuật rất mới, được bệnh viện sử dụng từ năm 2020 để xác định xem tim bệnh nhân đập có tốt không, cơ thể bệnh nhân có đủ dịch hay dư dịch. Từ đó giúp bác sĩ đưa ra những quyết định chính xác hơn để điều trị cho những trường hợp sốt xuất huyết nặng” - BS Nghĩa nói.
Một trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng khác đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là bé trai N.K., 7 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch.
Chị Phạm Thu Thủy, mẹ bé K. cho biết, bé bị sốt cao liên tục mấy ngày ở nhà, không đi học được. Chị đã đưa con đến phòng khám tư nhân ở gần nhà để khám, được bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết nhưng chỉ cho thuốc về nhà uống. Đến khi thấy con bị nặng hơn, chị đưa con đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Tại đây, bé K. được theo dõi sát, cho uống thuốc hạ sốt, xét nghiệm nhiều lần, bù dịch. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân có dấu hiệu chướng bụng, sốc nên Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
BS Nguyễn Thanh Minh, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, khoa đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón và cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu trong tình trạng mệt nhiều, ói, vã mồ hôi, tím tái, rơi vào sốc nặng, thở nhanh, mạch nhanh, xuất huyết dạ dày. Các bác sĩ sau khi tiếp nhận bệnh đã hội chẩn khẩn cấp để chọn tốc độ truyền dịch, loại dịch truyền phù hợp, các chế phẩm máu để bệnh nhân qua cơn sốc sốt xuất huyết. Sau khi tiến hành cấp cứu ổn, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiếp tục được điều trị. Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân được cho thở máy và lọc máu liên tục trong nhiều ngày, được theo dõi sát sao. Đến ngày thứ 9, tình hình bệnh nhân có khả quan hơn.
Bệnh nhân P.N.Q.H. được đo cung lượng tim tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Mỗi người có thể bị mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời
Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa, trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị cho gần 1 ngàn trường hợp bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết. Ngoài những trường hợp bệnh nhân nhập viện trễ dẫn đến bệnh nặng, những bệnh nhân bị sốt xuất huyết có những dấu hiệu sau thì cần được đặc biệt quan tâm. Đó là bệnh nhân sốt xuất huyết có xuất huyết tiêu hóa, đã vào sốc nhưng vẫn còn sốt cao, em bé nhũ nhi (dưới 1 tuổi), em bé béo phì, em bé có những bệnh nền như: Bệnh thận, bệnh tim, hen, những em bé có tổn thương gan, tổn thương não ngay từ đầu.
“Để đảm bảo hiệu quả điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, ngay từ khâu khám bệnh, các bác sĩ của bệnh viện đã tăng cường lọc bệnh để phát hiện những ca bệnh có dấu hiệu nặng, tránh bỏ sót ca bệnh. Những trường hợp này sẽ có chế độ chăm sóc, điều trị riêng. Bản thân khoa Hồi sức tích cực chống độc cũng lên từng kịch bản cụ thể để điều trị theo hướng cá thể hóa cho từng ca bệnh nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Cụ thể, những bệnh nhi có yếu tố tiên lượng nặng sẽ được áp dụng các kịch bản như: cần phải được hội chẩn sớm hơn, mắc monitor, đo huyết áp xâm lấn sớm hơn, cần có điều dưỡng, bác sĩ có kinh nghiệm hơn, có máy móc trang thiết bị hiện đại đi kèm phù hợp. Rất may là mặc dù có rất nhiều ca bệnh nặng nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh nói chung và tại bệnh viện chưa xảy ra trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng” – BS Nghĩa chia sẻ.
Bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp. Do đó, mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Sốt xuất huyết và tay chân miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng những việc làm đơn giản như diệt muỗi, ăn sạch, ở sạch, uống sạch…
Bảo Ngọc