Bệnh đường hô hấp, viêm não có dấu hiệu gia tăng

Thứ tư - 02/12/2020 15:45
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Những ngày qua, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh đường hô hấp tăng mạnh. Ở nhiều phòng khám đa khoa tư nhân, phụ huynh và bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt khám bệnh vì số bệnh nhân quá đông.
d4dead43ae6f5f31067e.jpg
Bác sĩ Khoa Hô hấp 2 Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhi
bị viêm phổi
Bệnh nhân đông, nhân viên y tế vất vả
Khoa Hô hấp 2 Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện đang điều trị cho 83 bệnh nhân, có những ngày lên đến 124 bệnh nhân. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 20 ca bệnh mới điều trị nội trú. Do không đủ giường bệnh trong các phòng, khoa phải kê thêm 17 giường ra ngoài hành lang để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Cũng có khi bệnh nhân phải nằm ghép chờ vài tiếng sau có bệnh nhân khác xuất viện.
Chị Phan Hoài Thu, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom cho biết, con chị mới hơn 5 tháng tuổi, nhập viện điều trị đã được gần một tuần. Ở nhà, bé có dấu hiệu khó thở, ho, khò khè. Vào viện khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị. Tại khoa, ngoài việc được chích thuốc hằng ngày, bé còn được phun khí dung, theo dõi hen nhũ nhi.
Chị Đinh Thị Bích Hòa, điều dưỡng trưởng khoa Hô hấp 2 cho biết, hầu hết các bệnh nhi đang điều trị tại khoa bị viêm phổi, viêm phổi nặng. Có những trẻ mới hơn 1 tháng tuổi đã bị bệnh. Khoa hiện có 7 bác sĩ và 16 điều dưỡng. Thời điểm bệnh nhân nhập viện đông, các bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc vất vả hơn. Lãnh đạo bệnh viện cũng điều động thêm điều dưỡng ở các khoa khác đến phụ khoa Hô hấp 2 trong những ngày bệnh đông để đáp ứng yêu cầu công việc.
Không riêng gì trẻ em, thời điểm này cũng có nhiều người lớn mắc các bệnh mạn tính liên quan đến lao, phổi. Tuy nhiên, hiện nay do Bệnh viện Phổi đang là bệnh viện điều trị Covid-19 nên những bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến lao, phổi đều được chuyển về các bệnh viện khác để điều trị. Cụ thể, những bệnh nhân ở Long Thành, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa sẽ được chuyển đến điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Những bệnh nhân bị lao, phổi ở những địa phương còn lại trong tỉnh sẽ được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
BS Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, do bệnh viện không có chuyên khoa về lao nên gặp khá nhiều khó khăn trong công tác khám bệnh và điều trị. Để đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh, Bệnh viện Phổi đã cử bác sĩ đến phòng khám lao của 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh để hỗ trợ khám, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lao.
Viêm não, tay chân miệng có nhiều ca bệnh nặng
Trong số những trường hợp bệnh nặng đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có khá nhiều trường hợp bị viêm não.
Cụ thể, một bé trai 4 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt, ói, co giật liên tục. Sau khi chọc dò dịch não tủy để xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị bệnh viêm não. Sau vài ngày điều trị, tình trạng bé có cải thiện, bớt co giật nhưng vẫn còn sốt cao. Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực chống phù não cho trẻ, kết hợp với dùng thuốc kháng virus điều trị viêm não và kháng sinh chống nhiễm trùng.
BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, viêm não là bệnh nguy hiểm, lây nhiễm qua đường muỗi đốt, đường hô hấp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, rải rác quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 8. Khi trẻ mắc viêm não nặng, di chứng bệnh để lại khó có thể phục hồi. Triệu chứng đặc thù của bệnh là sốt, ói, tiêu chảy nhiều, ngủ gà và co giật. Do đó, phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận, tránh để muỗi đốt và khi thấy con có những dấu hiệu như trên cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Thời điểm này, tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu lắng xuống. Tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều ca bệnh nặng phải nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Các bác sĩ lưu ý phụ huynh cần giữ gìn nhà cửa, vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa đồ dùng, đồ chơi của con trẻ, không cho con tiếp xúc với những người đang mắc bệnh; thực hiện ăn chín, uống chín. Tại các cơ sở giáo dục, nên thường xuyên vệ sinh phòng ốc, đồ dùng, đồ chơi của trẻ, không sử dụng chung khăn lau mặt hay các đồ dùng khác. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên để trẻ ở nhà, đưa đến các cơ sở y tế để điều trị, không nên cho trẻ đến lớp trong thời gian trẻ đang bị bệnh.
Bảo Ngọc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây