Bên cạnh việc đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác dân số, Đồng Nai đang được xếp vào nhóm các địa phương có mức sinh thấp. Do đó, nâng mức sinh lên khoảng 10% là nhiệm vụ mà tỉnh Đồng Nai phải đạt được trong thời gian tới nhằm đảm bảo mức sinh thay thế.
Lãnh đạo Sở Y tế khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân số
trong thời gian qua
Nâng cao chất lượng dân số
BS CKII Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, giai đoạn 2011-2020, tỉnh Đồng Nai đã làm tốt công tác DS - KHHGĐ như: Khống chế được tốc độ gia tăng dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,12% năm 2011 giảm còn 0,93% năm 2019. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi giảm từng năm… Cũng trong giai đoạn này, hệ thống dân số đã tổ chức tốt các hoạt động truyền thông để cộng đồng hiểu được lợi ích của tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, giúp các bà mẹ có cơ hội sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Sau 5 năm thực hiện dự án “Tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, Đồng Nai đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, cụ thể: Tỷ lệ sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm đạt 92%, vượt 17% chỉ tiêu giao (trong đó sàng lọc 4 bệnh thường gặp đạt 35%); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 84%; tỷ số giới tính khi sinh duy trì ở mức 107-109 bé trai/100 bé gái. Số người cao tuổi được quản lý và khám sức khỏe hàng năm đều tăng, từ hơn 18 ngàn người được khám sức khỏe năm 2016 lên 102,9 ngàn người vào năm 2020.
Sau 10 năm thực hiện “Chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản”, thông qua các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai đã giúp cho người dân có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số đã được cải thiện, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chính sách dân số của Việt Nam chú trọng kế hoạch hóa gia đình, nghĩa là giảm sinh. Kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, mức sinh thay thế của Đồng Nai là 1,9 con/mẹ cho thấy Đồng nai đã thực hiện rất tốt công tác giảm sinh. Tuy nhiên, so với mức sinh trung bình của cả nước là 2,1 con/mẹ thì Đồng Nai lại được xếp vào nhóm những địa phương có mức sinh thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là: Nhu cầu ăn ở, áp lực con cái học hành, lối sống hưởng thụ và mong muốn nâng cao chất lượng sống ở thế hệ trẻ… khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con. Ngoài ra, tình trạng vô sinh thứ phát thời gian gần đây cũng diễn ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn đường sinh sản, nạo phá thai nhiều lần, sử dụng rượu bia thuốc lá ở nam giới…. Nhiều cặp vợ chồng sau khi sinh con đầu lòng, đến khi muốn sinh thêm con thứ 2 thì không được.
Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con
Theo các chuyên gia, mức sinh thay thế quá thấp hoặc quá cao đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mức sinh thấp, kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho kinh tế vùng và cho cả nước.
Do đó, thông điệp truyền thông về dân số được thay đổi từ: “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt”, bằng “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”, nhằm thực hiện thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Đồng Nai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Hiện tại, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang dự thảo “Kế hoạch hành động thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, để tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế. Trong đó, đề xuất chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, với các nội dung như: Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm; hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn quá sớm hoặc quá muộn, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi... giảm sinh con thứ ba trở lên.
Đồng thời, chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị; tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; bổ sung tiêu chí cặp vợ chồng sinh đủ hai con trong tiêu chí được ưu tiên mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn. Động viên các bà mẹ, tạo điều kiện cho các bà mẹ sau sinh trở lại công việc thuận lợi hơn; đề xuất những giải pháp để chăm sóc những đứa con sau khi họ sinh tốt hơn…
Việt Anh