Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, TP. Biên Hòa: Sẽ thu hồi đất những doanh nghiệp sai ngành nghề

Thứ năm - 21/03/2019 21:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh được xây dựng với mục đích di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gốm sứ trong khu dân cư về nơi tập trung, đồng thời bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống của Biên Hòa. Đến nay, diện tích đất của CCN đã được lấp đầy, tuy nhiên, quá trình hoạt động lại nảy sinh nhiều vướng mắc trong quản lý.​

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với UBND TP. Biên Hòa nhằm tháo gỡ những khó khăn kéo dài mà CCN gốm sứ Tân Hạnh đang gặp phải. Một trong những giải pháp đáng chú ý là tỉnh yêu cầu sớm chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động không đúng ngành nghề gốm sứ trong CCN chuyên ngành này.

Lúng túng trong quản lý

Nghề sản xuất gốm ở Biên Hòa đã có lịch sử lâu đời và từng là niềm tự hào của vùng đất Đồng Nai cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên trở lại đây, do phương thức sản xuất thủ công ngày càng thiếu hiệu quả khiến ngành sản xuất truyền thống này mai một dần. Nhằm bảo tồn nghề gốm, tỉnh đã giao cho UBND TP. Biên Hòa thành lập CCN gốm sứ Tân Hạnh. Theo đó, sẽ di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm sứ mỹ nghệ trên địa bàn TP. Biên Hòa vào CCN chuyên ngành này để bảo vệ môi trường và bảo tồn, phát triển ngành gốm truyền thống.

Theo Sở Công thương, CCN gốm sứ Tân Hạnh có diện tích khoảng 54 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 37 ha. Đến thời điểm hiện tại, đã có 37 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 31 doanh nghiệp thuộc diện di dời và 6 doanh nghiệp không thuộc diện di dời. Tất cả diện tích đất cho thuê của CCN đã được đăng ký lấp đầy. 

Hiện một số doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất, một số khác đang tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gốm chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để di dời vào CCN. Cá biệt, một số doanh nghiệp sau khi di dời vào đã hoạt động sản xuất không đúng mục tiêu của CCN. Bên cạnh đó, có 6 doanh nghiệp sản xuất gốm có nguyện vọng được đầu tư vào CCN gốm Tân Hạnh nhưng lại không có trong danh sách các cơ sở thuộc đối tượng di dời.


Một góc CCN gốm sứ Tân Hạnh.

Những vướng mắc trên gây ra khó khăn cho cơ quan quản lý là UBND TP. Biên Hòa. Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho hay, địa phương rất mừng vì diện tích của CCN gốm sứ Tân Hạnh được lấp đầy nhưng qua kiểm tra xảy ra nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh. Cụ thể, theo bà Liên, có những doanh nghiệp khi xin chủ trương đầu tư và được chấp thuận là sản xuất gốm nhưng sau khi xây nhà xưởng lại sản xuất gạch men hoặc xây nhà xưởng cho thuê hay sản xuất ngành nghề khác không nằm trong danh mục đăng ký. “Chúng tôi đã làm việc và cảnh báo với các doanh nghiệp này là nếu không thực hiện đúng với quy định, ngành nghề đăng ký sẽ không nhận được ưu đãi từ Nhà nước. Thậm chí sẽ bị rút giấy phép và thu hồi đất. Việc một số doanh nghiệp sau khi di dời chuyển đổi chủ, bán cổ phần… không còn đơn thuần là sản xuất gốm nữa khiến địa phương gặp khó khăn trong quản lý”, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho hay.

Cũng theo bà Liên, đối với các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ di dời, dù đã được chấp thuận đầu tư song chế độ, chính sách dành cho các doanh nghiệp này như thế nào cũng là vấn đề cần phải bàn.

Cụm nghề gốm chỉ dành cho doanh nghiệp sản xuất gốm

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định, mục tiêu cao nhất của CCN Tân Hạnh là bảo tồn nghề gốm Biên Hòa chứ không phải là thu thuế sử dụng đất. Đây là CCN do Nhà nước đầu tư nên bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng cam kết mới được hưởng ưu đãi.

Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu TP. Biên Hòa phối hợp các cơ quan liên quan rà soát lại tất cả các doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu doanh nghiệp nào hoạt động không đúng ngành nghề quy định là sản xuất gốm sứ, hoặc những nguyên liệu cung cấp cho sản xuất gốm sứ thì buộc phải dừng, thậm chí rút giấy phép. Những dự án không thuộc diện di dời vào nhưng cũng làm gốm sứ thì tính toán giá cho thuê đất, phí hạ tầng cho phù hợp.

“Đề án di dời nghề gốm Biên Hòa vào CCN được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị của nghề gốm Biên Hòa - Đồng Nai trước nguy cơ mai một. Việc quản lý hoạt động CCN chuyên ngành là một vấn đề mới nhưng trước hết phải tuân thủ mục tiêu hoạt động đó là bảo tồn nghề gốm. Nếu chỉ vì giá trị từ thuế đất nộp vào ngân sách thì thu hút các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ… sẽ có lợi hơn và quản lý cũng dễ dàng hơn”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh, ngoài việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gốm sứ hoạt động sản xuất thì cũng cần phải tính toán tới việc xây dựng không gian trưng bày chung cho nghề gốm ở Biên Hòa, gắn với sự phát triển du lịch. Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND TP. Biên Hòa phối hợp với Sở VH-TTDL, Hiệp hội Gốm sứ tỉnh nghiên cứu đưa vào hoạt động mô hình du lịch tham quan nhà máy, cơ sở sản xuất gốm sứ và sớm xây dựng không gian trưng bày sản phẩm gốm sứ Biên Hòa. Đây cũng sẽ là địa chỉ để TP. Biên Hòa quảng bá, giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển bền vững nghề gốm truyền thống của địa phương.

Doanh nghiệp lo diện tích nhà xưởng quá nhỏ

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng, việc xây dựng CCN gốm sứ Tân Hạnh là điều cần thiết để doanh nghiệp gốm sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại hơn, là cơ sở để sản phẩm đạt chất lượng tốt, xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, với diện tích của CCN tương đối nhỏ phân bố cho hàng chục công ty, mỗi công ty sẽ chỉ được diện tích khá khiêm tốn, không có quỹ đất để mở rộng sản xuất. “Diện tích cho thuê mỗi đơn vị chỉ 0,5 - 0,8 ha, cao nhất  là 1 ha để sản xuất thì quá nhỏ. Có nhiều doanh nghiệp cần diện tích từ 1 - 2 ha mới đủ sản xuất nên cần được hỗ trợ thêm”, ông Vòng Khiềng cho hay.

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây