Thanh toán không dùng tiền mặt đang gia tăng

Chủ nhật - 24/03/2019 21:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu hướng tới của Chính phủ nhằm hạn chế khối lượng tiền mặt lưu thông, minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai, hiện tại giao dịch tiền mặt vẫn là chủ yếu nhưng hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng đang dần gia tăng và được dự báo là xu thế tất yếu trong tương lai.​

Thay đổi thói quen dùng tiền

Làm nghề kế toán, hiểu rõ những tiện ích của phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt, khá lâu rồi chị Đỗ Bích Thuận (46 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) đã có thói quen cầm thẻ tín dụng thay vì ví tiền khi đi siêu thị. Không những thế, việc thanh toán tiền điện, nước, cước điện thoại... cũng được chị giao dịch qua thẻ. “Trước đây, mỗi lần nhận lương xong tôi phải đi rút tiền ở ATM. Không chỉ mất thời gian mà mỗi lần rút lại phải đắn đo xem nên rút bao nhiêu tiền. Rút nhiều thì lo xài quá tay, rút ít thì mất công, mất phí nhiều lần. Vài năm nay, khi hình thức thanh toán qua thẻ phổ biến, tôi đã chuyển sang giao dịch qua thẻ, chỉ những nơi không thanh toán được bằng thẻ tôi mới sử dụng tiền mặt”, chị Thuận nói. Cũng theo chị Thuận, khoảng 60% tiền lương của chị được chi tiêu qua thẻ tín dụng.

Chị Phùng Thị Xuân Thu (44 tuổi, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) cho rằng việc dùng thẻ tín dụng để thanh toán vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, mà an toàn khi ra ngoài. Theo đó, mỗi lần đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đi du lịch, thậm chí đi ăn tối chị chỉ mang thẻ tín dụng để thanh toán. “Tuy nhiên, cũng đôi khi gặp bất tiện vì không phải cửa hàng nào cũng có máy quẹt thẻ để mình sử dụng. Nếu nơi nào cũng có máy quẹt thẻ thì quá tốt. Mình không phải cầm tiền mặt, cũng không phải chờ cô nhân viên đi đổi tiền để thối lại. Bản thân dễ dàng kiểm soát được số tiền mình đang có chỉ bằng một cú click chuột hoặc bấm xem tin nhắn trên di động”, chị Thu cho hay.


 Khách hàng trả tiền qua thẻ ngân hàng khi mua sắm tại siêu thị.

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, vẫn còn nhiều người, đặc biệt các bà nội trợ, người lớn tuổi, người ở vùng nông thôn còn tâm lý e ngại khi dùng thẻ thanh toán. Một phần do thói quen, do lo sợ về mức độ an toàn bảo mật tài khoản, một phần do hình thức thanh toán này chưa thực sự phổ biến mọi lúc mọi nơi như tiền mặt. “Tôi lớn tuổi không rành sử dụng thẻ ngân hàng. Với lại, trước nay tôi quen trả bằng tiền mặt, giờ vẫn sử dụng tiền mặt”, ông Hoàng, người dân phường Tân Mai cho biết khi đi mua hàng ở siêu thị.

Đa dạng các phương thức thanh toán

Nắm bắt được xu thế và cũng để tiện lợi cho khách hàng, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã mở thêm nhiều hình thức thanh toán như: thẻ ngân hàng qua máy POS, ví điện tử, chuyển khoản trực tiếp… Cùng với đó là chính sách chăm sóc khách hàng bằng cách hợp tác với ngân hàng để tích điểm cho chủ thẻ, hoàn tiền, giảm giá, ưu đãi khi sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán; phát hành thẻ thành viên, thẻ khách hàng thân thiết...

Trưởng phòng Marketing siêu thị Co.opmart Biên Hòa Trang Phúc cho biết, siêu thị hiện có 18 máy POS/21 quầy tính tiền để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ của tất cả các ngân hàng. Mới đây, Co.opmart Biên Hòa bắt đầu triển khai hình thức thanh toán mới là ví điện tử Momo (một ứng dụng tài chính cho phép người dùng nạp/chuyển/nhận tiền; thanh toán tiền khi đi mua hàng, mua sắm online, thanh toán các hóa đơn điện nước, internet, máy bay; cho vay tiêu dùng). Cũng theo ông Phúc, thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 27 - 45, khách hàng là cơ quan, tổ chức đang gia tăng. Cụ thể, 1 năm trước, mỗi tuần siêu thị chỉ có khoảng 200 giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng, tuy nhiên thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần có đến 700 - 800 giao dịch bằng thẻ tín dụng. Trong đó, phần lớn các giao dịch có giá trị 2 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng. Về ví điện tử Momo, mỗi tuần có khoảng 20 - 40 giao dịch. “Hiện tỷ lệ giao dịch bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Co.opmart Biên Hòa đạt khoảng 20%. Chúng tôi cho rằng con số này sẽ tăng lên khi thói quen không dùng tiền mặt của người dân đang thay đổi”, ông Phúc cho hay.

Không chỉ siêu thị lớn mà không ít cửa hàng nhỏ cũng đã nhanh nhạy triển khai các tiện ích của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Mới hoạt động được khoảng 2 năm nay nhưng shop mỹ phẩm ngoại nhập trên đường Phan Trung, phường Tân Mai, TP. Biên Hòa đã có đầy đủ các hình thức thanh toán hiện đại như: thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền qua internetbanking. Chị Lê Tiểu Phi, quản lý shop cho biết, nhu cầu thanh toán của khách hàng hiện nay rất đa dạng, có người cầm theo thẻ tín dụng đi mua hàng, có người cầm tiền mặt, cũng có người chỉ cầm chiếc điện thoại thông minh. Để chiều lòng khách, shop mở nhiều phương tiện, hình thức thanh toán khác nhau. Việc đa dạng hình thức thanh toán có tốn kém chi phí ban đầu nhưng mang lại sự tiện lợi cho shop cũng như khách hành. Đó là hạn chế được rủi ro khi kiểm đếm tiền, không phải thối lại số dư… Chị Phi cho biết, khoảng 20 - 25% tổng doanh thu của shop thông qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai từ các ngân hàng thương mại, các cơ quan, đơn vị gần đây cho thấy, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt cũng đang tăng lên đáng kể. Trên lĩnh vực hành chính công, đến nay hầu hết các các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đều đã có phương thức thanh toán điện tử; nhiều đơn vị còn khuyến khích, ưu đãi đối với cá nhân dùng thẻ và các phương tiện hiện đại trong thanh toán dịch vụ công; các đơn vị như trường học, bệnh viện, điện lực, cấp nước cũng đang đẩy mạnh và tiến tới đồng bộ hóa thu phí dịch vụ qua ngân hàng, chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. 

Ban Mai

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây