Siết chặt quản lý các phòng khám đa khoa tư nhân

Thứ ba - 26/03/2019 21:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập, thời gian qua, Đồng Nai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xã hội hóa y tế, góp phần để y tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của một số cơ sở y tế tư nhân cũng bộc lộ nhiều hạn chế, sai phạm…​

Y tế tư nhân phát triển mạnh

Theo thống kê của ngành Y tế, mỗi năm, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh tiến hành khám, chữa bệnh cho hơn 2 triệu lượt người. Số lượt người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân cao do Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có đông công nhân lao động, thường không có thời gian đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công lập. Mặt khác, việc các cơ sở y tế tư nhân khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế cũng tạo thuận lợi cho người lao động. Hệ thống y tế tư nhân phát triển trong thời gian qua đã góp phần hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện công lập trên địa bàn.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đại diện Phòng khám đa khoa (PKĐK) Nhi Sài Gòn (TP. Biên Hòa) cho rằng, sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN), bác sĩ còn phải cập nhật kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh. Thế nhưng hiện nay, ở một số PKĐK vẫn còn tình trạng bác sĩ có CCHN chỉ đứng tên chứ không trực tiếp khám bệnh.


Sở Y tế chủ trương sẽ siết chặt quản lý hoạt động của các PKĐK tư nhân từ năm 2019. Ảnh minh họa: Khám răng tại một PKĐK tư nhân.

BS. Bùi Văn Xờ, Trưởng PKĐK Tam Đức cho rằng, y tế tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh nhưng hiện nay khối y tế tư nhân đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó có việc vay vốn để mở rộng quy mô hoạt động. “Để vay 2 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế, ngân hàng yêu cầu phải làm dự án, báo cáo tài chính trong 3 năm liền, hợp đồng mua máy và hóa đơn. Nhưng khi chưa có điều kiện mua máy thì sao có hóa đơn được, điều này như “đánh đố” doanh nghiệp. Hiện chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ”, BS. Xờ chia sẻ.

Phòng khám tư còn nhiều vi phạm

Bên cạnh những đóng góp tích cực của hệ thống y tế tư nhân, thời gian qua, một số cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là các cơ sở vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những hạn chế, sai phạm. Nhiều phòng khám tư vẫn vừa khám bệnh, vừa bán thuốc, hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép. Theo BS. Nguyễn Mạnh Dũng, Chánh thanh tra Sở Y tế, qua các cuộc kiểm tra tại các PKĐK tư nhân, nhiều bác sĩ chưa có CCHN vẫn làm việc tại đây. Ngoài ra, một số bác sĩ của phòng khám hoạt động vượt khả năng chuyên môn cho phép. “Có những lần kiểm tra đột xuất, chúng tôi phát hiện bác sĩ chuyên môn là răng - hàm - mặt nhưng lại khám ngoại khoa. Trong chứng chỉ quy định bác sĩ được làm chuyên môn gì, chỉ được thực hiện đúng với giấy phép. Khi phát hiện các trường hợp này, chúng tôi sẽ tiến hành tước giấy phép hành nghề”, BS. Dũng nói.

Ngoài ra, nhiều PKĐK hiện còn chưa niêm yết giá khám, chữa bệnh công khai. Việc niêm yết giá này rất quan trọng. Giá viện phí của hệ thống y tế tư nhân do chính cơ sở tự đưa ra nhưng phải niêm yết công khai cho người bệnh biết. Bên cạnh đó, theo BS. Dũng, hiện nay vấn đề “nóng” ở các PKĐK tư nhân là cấp giấy nghỉ bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội cho công nhân các công ty, doanh nghiệp. “Có cơ sở cấp 1 ngày gần 200 giấy nghỉ bệnh cho công nhân. Nhiều khi họ không bị bệnh, thậm chí không có người đến khám mà cơ sở cũng cấp giấy nghỉ”, BS.Dũng cho biết.

Về vấn đề này, năm 2019, Phòng Thanh tra sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các phòng khám tư nhân. Sở Y tế cũng sẽ làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để ngưng hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nếu cơ sở vi phạm vấn đề này. Đồng thời, Sở Y tế sẽ thu hồi giấy phép hoạt động và chuyển cơ quan điều tra. Nếu giá trị vi phạm trên 30 triệu đồng, cơ sở sẽ bị truy tố theo Luật Hình sự. Nếu đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở nào vi phạm nội dung này, giám đốc, người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám sẽ phải chịu trách nhiệm.

Một vấn đề khác tại PKĐK tư nhân là hồ sơ bệnh án rất sơ sài. Nhiều trường hợp giấy phép hoạt động do Sở cấp một đằng, cơ sở lại thực hiện một nẻo, vượt quá chuyên môn và quảng cáo rầm rộ. “Khi Sở Y tế thẩm định, cấp phép cơ sở có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực. Nhưng sau vài tháng hoạt động, chúng tôi tiến hành thanh tra lại thì phát hiện nhân sự không đúng với đăng ký, nhất là các phòng khám chuyên khoa”, BS.Dũng nói.

Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân cũng được một số cơ sở “làm khống”. Dù công nhân không đến khám nhưng vẫn có giấy khám sức khỏe…

Xử lý mạnh tay cơ sở cấp giấy nghỉ bệnh không đúng

BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Hiện nay, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh tại các PKĐK rất đông, chiếm hơn 1/3 lượt khám, chữa bệnh của toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở này vẫn còn lỏng lẻo. Theo quy định, mỗi năm, Sở Y tế  chỉ kiểm tra 1 lần nên việc nhắc nhở, chấn chỉnh chưa thực sự có hiệu quả.

Năm 2019, Sở Y tế sẽ thành lập 1 tổ chịu trách nhiệm chuyên môn, quản lý các PKĐK. Nhóm này sẽ có thành viên của các phòng chức năng Sở Y tế và Ban giám đốc Sở tham gia. Qua đây, Sở Y tế sẽ chỉ đạo hoạt động của các PKĐK. Khi đoàn của Sở thanh, kiểm tra, cơ sở còn vi phạm sẽ bị phạt nặng. Đặc biệt là vấn đề cấp giấy nghỉ bệnh để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội. Cơ sở nào vi phạm vấn đề này, Sở Y tế sẽ thu hồi giấy phép hoạt động và phối hợp với các đơn vị để xử lý mạnh tay.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây