Quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm

Thứ năm - 28/03/2019 22:50
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ðược đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh gần 3 năm nay, phần mềm “Quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm” đã từng bước mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo  vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.​

Rút ngắn thời gian xử lý ổ dịch

Phần mềm “Quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm” hiện đang quản lý dữ liệu 37 loại bệnh truyền nhiễm ngoài cộng đồng như: sởi, tay - chân - miêng, cúm A (H7N9), cúm A (H5N1)… Các tính năng chính của phần mềm này bao gồm: quản lý ca bệnh, khoanh vùng ổ dịch, tìm kiếm ca bệnh theo không gian và thời gian, xác định điểm nguy cơ, trích xuất dữ liệu… Phần mềm này giúp việc quản lý ca bệnh, xác định ổ dịch, triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo  vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 


 Nhân viên Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thao tác trên hệ thống.

BS. Hồ Thị Hương, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người phụ trách quản lý sử dụng phần mềm cho biết, nếu như trước đây, các bệnh viện khi có ca bệnh sẽ gửi báo cáo bằng giấy về trung tâm. Sau đó trung tâm sẽ phản hồi xuống các trung tâm y tế đề nghị rà soát, điều tra ca bệnh để xử lý dịch. Quá trình này rất mất thời gian dẫn đến xử lý ổ dịch không kịp thời. Hiện nay, với phần mềm “Quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm”, khi có ca bệnh, các bệnh viện chỉ cần mở phần mềm và nhập thông tin ca bệnh. Các trung tâm y tế căn cứ thông tin ca bệnh để điều tra xác định điểm nguy cơ và xử lý ổ dịch một cách nhanh nhất, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Trước đây, việc xử lý thông tin một ca bệnh truyền nhiễm từ bệnh viện tới trạm y tế xã, phường phải mất ít nhất 48 tiếng đồng hồ. Nhưng hiện nay nhờ áp dụng phần mềm nên thời gian thông tin bệnh đã được rút ngắn chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Mỗi đơn vị tùy vào chức năng nhiệm vụ được giao sẽ được cấp một tài khoản truy cập (ID) để thực hiện các thao tác trên phần mềm. Ví dụ, các bệnh viện sẽ phản hồi về những ca bệnh đang được điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế các huyện căn cứ thông tin phối hợp trạm y tế xã xác minh, điều tra xử lý ổ dịch dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Góp phần kiểm soát dịch bệnh

BS. Trần Bửu Lân, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TX. Long Khánh cho hay, mỗi trạm y tế đều được cấp một mã định danh để truy cập hằng ngày. Nhân viên trạm sẽ đăng nhập vào phần mềm và cập nhật tình hình dịch của xã mình. Nếu phần mềm báo có ca mới hiện đang cư trú tại địa bàn xã thì trạm sẽ điều tra xử lý ngay để hạn chế bệnh lây lan. “Ðối với những ca bệnh khi đến điều tra nhưng không có bệnh nhân trên địa bàn xã, chúng tôi kết hợp sử dụng phần mềm tiêm chủng để sàng lọc địa chỉ cụ thể của bệnh nhân và phản hồi sớm để các địa phương khác điều tra xử lý”, BS. Lân cho hay.

Theo BS. Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện khoa đang sử dụng 3 phần mềm gồm: quản lý tiêm chủng, quản lý sốt xuất huyết và quản lý bệnh truyền nhiễm. 3 phần mềm này hoạt động song song và hỗ trợ nhau rất tốt. Tất cả các ca bệnh truyền nhiễm đều có cột nhập và lưu số điện thoại nên khi điều tra, xử lý ổ dịch nếu không tìm thấy địa chỉ ghi trên thẻ bảo hiểm y tế, trung tâm sẽ gọi điện cho người bệnh để xác nhận lại thông tin. Trường hợp thông tin nơi thường trú ghi trên thẻ của người bệnh khác với nơi ở hiện tại, trung tâm sẽ phối hợp chuyển thông tin đến địa phương nơi bệnh nhân đang tạm trú để điều tra xử lý.

Bên cạnh đó, phần mềm cũng giúp trung tâm trích xuất dữ liệu thành các file excel, các biểu đồ tương đối hoàn chỉnh. Qua đó, làm căn cứ đánh giá tình hình dịch của các địa phương, xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời không để dịch lan rộng, Cục Y tế dự phòng cũng sẽ căn cứ số liệu để đánh giá tình hình dịch của tỉnh thông qua phần mềm, không phải chờ báo cáo giấy như trước đây vừa mất thời gian, tốn kém nhưng đôi khi số liệu cũng không chính xác.

Sẽ kết nối với các phần mềm khác

BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, phần mềm này đang hoạt động theo tiêu chí của Bộ Y tế, đồng bộ trên cả nước. Tất cả các trạm y tế, Trung tâm y tế và bệnh viện đều đang sử dụng phần mềm này một cách hiệu quả. Sở Y tế đang làm Đề án để tích hợp vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử sau này.

San Thái

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây