Tự đào tạo để nâng chất nguồn nhân lực

Chủ nhật - 17/03/2019 22:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Để chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một số đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tổ chức các chương trình đào tạo nhân sự nội bộ, tạo nội lực vững mạnh để phát triển. ​

Đào tạo lao động với tầm nhìn dài hạn

Ông Lee Yu Chi, Tổng giám đốc VPIC Group (Tập đoàn chuyên sản xuất các sản phẩm và linh kiện chất lượng cho ngành công nghiệp xe đạp và xe thể thao các loại, thiết bị công nghiệp và dụng cụ sản xuất. 2/5 nhà máy của Tập đoàn tại Việt Nam có trụ sở tại huyện Trảng Bom) cho biết: “Người Việt rất chăm chỉ. Họ học hỏi rất nhanh. Đối với các nhân sự có tiềm năng mà doanh nghiệp muốn giữ chân, chúng tôi đưa họ tới trụ sở chính ở Đài Loan, các trung tâm đào tạo kỹ thuật trong và ngoài nước để đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề. Có những người đến với chúng tôi ngay khi vừa rời ghế trường phổ thông, nghĩa là trình độ nghề của họ bằng không, nhưng nhờ chăm chỉ, ham học hỏi cùng với sự hỗ trợ của công ty, tay nghề của họ được nâng lên rất nhanh, không thua kém những người thợ tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng kỹ thuật”.

Tuyển dụng rồi đào tạo là cách mà tập đoàn này áp dụng trong chiến lược phát triển trong suốt 25 năm có mặt tại Việt Nam. Ông Lee Yu Chi chia sẻ: “Tôi cho rằng tất cả các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đều coi trọng chất lượng nhân sự và có chiến lược phát triển riêng. Như chúng tôi chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để đào tạo NLĐ mọi kỹ năng bao gồm cả tay nghề, giao tiếp, ngoại ngữ... Và thứ mà chúng tôi thu lại thật sự hơn rất nhiều lần số bỏ ra, đó là sự gắn bó, làm việc tận tâm tận lực của NLĐ. Hầu hết các vị trí lãnh đạo chủ chốt như Phó giám đốc tập đoàn, giám đốc và phó giám đốc công ty, quản lý đều là người Việt. Khi chúng tôi trao cơ hội, họ sẽ lấy đó làm động lực để phấn đấu và cống hiến. Đây là nguồn lực căn bản và bền vững cho sự phát triển dài lâu”. Chính sách này của VPIC Group không giới hạn nhân sự cao cấp hay quản lý. Họ sẵn sàng đưa công nhân, hay nhân viên người Việt ra nước ngoài học tập ngắn hạn, dài hạn chỉ với một cam kết: làm việc lâu dài tại công ty. 

Ông Lee Yu Chi, Tổng giám đốc VPIC Group (ngoài cùng bìa phải) thăm công nhân làm việc tại nhà máy.

Ông Nguyễn Vương Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VPIC cho biết, khoảng 50% lao động (2.200 người) của tập đoàn đạt trình độ kỹ thuật từ trung cấp trở lên và khoảng 60% trong số đó xuất phát điểm chưa có tay nghề. “Với đội ngũ này, chúng tôi tự tin cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và dịch vụ tốt cho khách hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á”, ông Long nói.

Để có được đội ngũ công nhân lành nghề, bên cạnh việc lựa chọn những công nhân ưu tú (cần cù, chịu khó, đạo đức tốt) tham gia các khóa học trong và ngoài nước, VPIC còn có chính sách lấy công nhân đào tạo công nhân. Theo đó, những công nhân lành nghề, không nhất thiết phải là quản lý, tổ trưởng được chọn đào tạo nghề cho công nhân mới tuyển dụng. Theo lãnh đạo tập đoàn, quá trình học nghề - truyền nghề cho kết quả rất ấn tượng, bởi NLĐ nhận thức được họ cần có một vị trí công việc với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, tại công ty cũng thành lập những nhóm nghiên cứu và phát triển. Các nhóm này được đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, họ chủ động thiết kế và tìm kiếm đối tác về cho công ty. Tập đoàn cũng có chính sách khuyến khích NLĐ đóng góp sáng kiến, đề án cải tiến làm lợi với số tiền thưởng từ 300.000 đồng đến 45 triệu đồng.

Có thể thấy rằng, VPIC Group là nhà đầu tư rất coi trọng việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Chính yếu tố máy móc đặt ra yêu cầu họ phải có nguồn nhân lực tương xứng để vận hành, tận dụng lợi thế của công nghệ. Đây cũng là doanh nghiệp được đánh giá có môi trường làm việc tốt, có chế độ đãi ngộ hợp lý. Nhiều NLĐ có thâm niên tại VPIC Group cho rằng, nhờ môi trường làm việc và chiến lược đào tạo mọi mặt cho NLĐ của doanh nghiệp đã giúp họ có được một công việc ổn định với mức thu nhập xứng đáng, giúp họ phát huy được năng lực của bản thân.

Tương tự, tại Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (chuyên may mặc, trụ sở tại KCN Amata, TP. Biên Hòa), để có được đội ngũ công nhân may lành nghề, nhiều năm nay doanh nghiệp hợp tác với Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Vinatex (TP. Hồ Chí Minh) dạy nghề tại chỗ cho NLĐ. Cuối khóa học, NLĐ thi sát hạch, được cấp bằng nghề tương đương với năng lực, được cải thiện một phần thu nhập.

Ông Lê Minh Phương, Giám đốc nhà máy chia sẻ, đa phần công nhân mới vào đều là lao động phổ thông, nhưng qua một vài năm tay nghề của họ được cải thiện rất nhiều, không kém những người được đào tạo bài bản từ các trường nghề. Để có được đội ngũ công nhân lành nghề, chúng tôi đã kết hợp với Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Vinatex mở các lớp dạy may cho NLĐ ngay tại công ty. Mọi chi phí học tập như tài liệu học, phòng thực hành, bữa ăn trước giờ học đều được doanh nghiệp hỗ trợ. Vượt qua kỳ thi sát hạch, NLĐ được cấp bằng cao đẳng may, được tăng phụ cấp nghề, có cơ hội thay đổi vị trí công việc. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ mở các lớp dạy kỹ năng cho NLĐ như: ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tập huấn về an toàn lao động... giúp NLĐ có thêm nhiều kỹ năng cần thiết để hoàn thiện hơn trong công việc, cuộc sống.

Tích cực hỗ trợ y, bác sĩ nâng “tay nghề”

Là bệnh viện có cơ sở vật chất khang trang với trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ trình độ chuyên môn cao, những năm qua, công tác thu hút và đào tạo nguồn nhân lực tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được quan tâm đẩy mạnh.

BS. Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực trong điều kiện cạnh tranh lao động ngành Y ngày càng gay gắt, ngoài việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, bệnh viện rất coi trọng nâng cao “tay nghề” cho đội ngũ nhân lực.

 
Công nhân Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam trong giờ học.

Hằng năm, bệnh viện đều có kế hoạch dành khoản kinh phí nhất định tổ chức đào tạo tại chỗ và cử các y, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn ở các bệnh viện lớn trong và ngoài nước. Đối với các y, bác sĩ, kỹ thuật viên được cử đi học ngắn hạn hay dài hạn, bệnh viện đều ưu tiên giải quyết đầy đủ, kịp thời mọi chế độ. Các chi phí tài liệu, ăn ở, đi lại cũng được bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn. Việc xét tăng thu nhập, xét xếp loại A, B, C được duy trì, mục đích để người được cử đi học vẫn có thu nhập tương đương với thu nhập khi làm việc. Ngoài ra, bệnh viện cũng xây dựng quy chế nâng cao thu nhập cho các bác sĩ, kỹ thuật viên có chuyên môn cao như một cách tạo động lực để họ an tâm, chuyên tâm học tập nâng cao tay nghề, trình độ, cống hiến cho sự phát triển của bệnh viện.

Bệnh viện cũng tự tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề để các y, bác sĩ được chia sẻ những kinh nghiệm, những nghiên cứu, đề án của mình. Mới đây, bệnh viện thí điểm đào tạo điều dưỡng mới tốt nghiệp theo cách “cầm tay chỉ việc” vừa để nâng cao tay nghề, kinh nghiệm thực tế cho các điều dưỡng trẻ vừa là cách thể hiện sự quan tâm, mong muốn đội ngũ gắn bó lâu dài với bệnh viện.

Bệnh viện luôn đảm bảo các quyền lợi cơ bản đối với đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong suốt quá trình học tập nâng cao chuyên môn, tay nghề. Bên cạnh đó là chính sách coi trọng nhân tài và không ngừng nâng chất nguồn nhân lực dài hạn mà bệnh viện đã và đang thực hiện. Nhờ đó, bệnh viện có được đội ngũ các y, bác sĩ có chuyên môn cao, nhiều người nhiệt tình với người bệnh, tâm huyết với nghề Y. 

H. Lộc

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây