Chủ động chống hạn cho cây trồng…

Thứ ba - 19/03/2019 21:31
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hiện tỉnh Ðồng Nai đang vào đỉnh điểm mùa khô, trời nắng gắt, khô hanh khiến cây trồng một số nơi có khả năng bị khô héo. Tuy nhiên, những vườn cây ăn trái ở vùng đất Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) vẫn xanh tốt và cho năng suất cao. Ðể có được điều này là nhờ bà con nông dân nơi đây đã chủ động mua sắm, sửa chữa hệ thống máy bơm lấy nước từ sông lên chống hạn cho cây trồng vào mùa khô.​

Đảm bảo nước tưới trong mùa khô

Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm Nguyễn Ðình Bình, chúng tôi đến thăm một số hộ nông dân trồng cây ăn trái với quy mô lớn tại tổ 16, ấp 3. Buổi trưa, trời nắng gay gắt nhưng nhờ nguồn nước tưới tiêu được đảm bảo nên cây trồng ở đây vẫn xanh tươi, ra nhiều quả.


Trạm bơm thủy lợi Hiếu Liêm với quy mô tưới 232 ha.

Bà Niêm Thị Lãm (một trong những hộ tiên phong trồng cam tại xã Hiếu Liêm) cho biết, trước đây, gia đình bà dùng máy dầu để bơm nước từ sông Ðồng Nai lên tưới cây trồng. Vì máy nhỏ, công suất thấp nên việc tưới tiêu rất vất vả, phải cầm vòi nước đứng canh tưới cho cây, mất rất nhiều thời gian. Cho nên, năm 2013, vợ chồng bà quyết định đầu tư trên 70 triệu đồng để mua sắm máy điện bơm nước công suất lớn và hệ thống tưới nước tiết kiệm để phục vụ vườn cam gia đình với tổng diện tích 6.000m2. Từ ngày có máy lớn, việc tưới tiêu của gia đình được thuận lợi hơn, chỉ cần mở máy lên là toàn bộ hệ thống tưới tiết kiệm tự phun nước cho cả khu vườn. Nhờ nguồn nước đảm bảo vào mùa khô đã góp phần làm cho vườn cam của bà trở nên tươi tốt và cho năng suất ổn định từ 20 đến trên 30 tấn/năm; có năm giá cam tăng lên đến 33.000 - 34.000 đồng/kg đã giúp gia đình bà thu được khoảng 1 tỷ đồng. “Những năm gần đây, tuy giá cam có lên xuống thất thường nhưng nhờ năng suất cao nên chúng tôi vẫn thu hoạch có lời và sống khỏe hơn trồng mì, tràm…”, bà Lãm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Chính (tổ 16, ấp 3, xã Hiếu Liêm) cho hay, sau khi lập gia đình, năm 2005, chị theo chồng về đây sinh sống. Ngoài làm nghề chính (vợ là giáo viên dạy tiểu học, chồng làm nghề xây dựng), vợ chồng chị còn sử dụng khu vườn rộng 8.000m2 đào ao và trồng trọt để tăng thêm thu nhập. Thời gian đầu, vợ chồng chị đã chuyển đổi trồng rất nhiều loại cây, từ cây điều cho đến mía, mì… nhưng hiệu quả mang lại không cao. Năm 2014, khi thấy phòng trào trồng cam ở Hiếu Liêm phát triển, gia đình chị cũng học hỏi làm theo và duy trì mô hình ổn định cho đến nay.

Trước đây, gia đình chị Chính cũng dùng máy bơm nhỏ để tưới cây nên gặp nhiều khó khăn, như: thời gian đứng canh tưới kéo dài; máy có công suất thấp nên diện tích tưới cũng hạn chế và không đẩy nước xa được, trong khi vườn nhà chị có khu nằm trên đồi cao nên rất cần nước tưới vào mùa khô. Vợ chồng chị quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua sắm máy bơm với công suất lớn, hệ thống tưới tiết kiệm và đưa vào sử dụng hơn 3 năm nay. “Từ ngày có máy bơm lớn đã giúp chúng tôi khắc phục được những khó khăn nêu trên, quan trọng là nhờ có hệ thống máy bơm tốt nên mấy năm nay, gia đình luôn chủ động trong việc tưới tiêu vào mùa khô, cây trồng luôn đủ nước để phát triển tốt và cho năng suất cao. Vụ cam đầu tiên, gia đình thu được 16 tấn, đến vụ 2 tăng lên 20 tấn... Còn vụ cam năm nay, gia đình thu hoạch ước trên 20 tấn”, chị Chính tâm sự.

Và sự quan tâm của địa phương

Ngoài việc một số hộ nông dân có điều kiện tự mua sắm hệ thống máy bơm nước cho gia đình thì địa phương còn đầu tư Trạm bơm thủy lợi để phục vụ tưới tiêu trên toàn địa bàn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm Nguyễn Ðình Bình cho biết, năm 2016, huyện Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư và tiến hành khởi công công trình Trạm bơm Hiếu Liêm, với tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện. Công trình bao gồm: 1 trạm bơm công suất 360m3/giờ; 1 bể chứa nước có dung tích 2.100m3; mạng lưới ống dẫn nước; hệ thống điện; dự án cấp nước tưới cho 232 ha. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ổn định vài năm nay.


Chị Nguyễn Thị Chính tại khu vườn cam của gia đình.

“Trước đây, khi chưa có trạm bơm, đa số người dân dùng máy bơm nước từ giếng khoan lên hồ nhân tạo và phải qua công đoạn xử lý phèn mới tưới được cho cây trồng. Thế nhưng, từ khi có trạm bơm thủy lợi thì việc bà con sử dụng nước tưới tiêu thuận lợi hơn rất nhiều; chỉ cần nước được bơm lên hồ chứa là bà con có thể sử dụng tưới cho cây trồng và tiết kiệm được 4 khoản chi phí: khoan giếng, kéo đường điện, lắp máy bơm và điện năng tiêu thụ. Hơn nữa, sông Ðồng Nai có nguồn nước dồi dào và chứa nhiều phù sa nên việc bơm nước để tưới tiêu sẽ rất tốt cho cây trồng”, ông Bình nói.

Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm Lê Văn Hởi cho biết thêm, Hiếu Liêm có diện tích tự nhiên 21.000 ha; trong đó, có khoảng 19.000 ha là đất rừng tự nhiên của Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai, còn lại là đất canh tác của người dân. Do đặc điểm địa hình của xã có trên dưới 15km giáp với sông Bé, sông Ðồng Nai và hồ thủy điện Trị An, nên việc sử dụng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp luôn chủ động, nhất là vào mùa khô. Các diện tích vườn cây ăn trái (cây có múi, tiêu, chuối…) đều tập trung ven sông, hồ nên việc tưới tiêu lấy nguồn nước trực tiếp từ sông, hồ lên sử dụng rất thuận lợi. Ngoài ra, UBND huyện Vĩnh Cửu còn đầu tư Trạm bơm thủy lợi tại xã Hiếu Liêm với quy mô tưới 232 ha và hiện đang vận hành rất tốt. Như vậy, trong mùa khô năm nay, xã Hiếu Liêm hoàn toàn chủ động trong việc đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng các loại của bà con.

Cách làm sáng tạo

Theo Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm Lê Văn Hởi, bên cạnh việc hầu hết người dân đều chọn khu vực gần sông, hồ để đầu tư canh tác thì vẫn có một số hộ canh tác trên đồi cao và cách xa nguồn nước. Tuy nhiên, “trong cái khó, ló cái khôn”, người dân đã nghĩ ra giải pháp tưới rất hiệu quả bằng cách đào hồ nhân tạo trên đỉnh đất cao và có thể chứa từ 300 - 500m3 nước (mặt hồ được lót bằng tấm bạt để nước không thẩm thấu vào trong đất). Sau đó, người dân dùng máy bơm nước từ sông lên chứa trên hồ và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm dẫn về các khu rẫy, vườn của họ. Nhờ vậy, cây cối vẫn đảm bảo tốt tươi quanh năm.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây