Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật trong công nhân lao động

Thứ ba - 26/03/2019 21:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trước nhu cầu được tìm hiểu, tư vấn pháp luật của đoàn viên, người lao động, trong điều kiện nhiều thuận lợi từ sự phát triển của công nghệ thông tin, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã xây dựng nhiều chương trình mới, cách làm hay nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đoàn viên, người lao động.​

Áp dụng tuyên truyền, tư vấn pháp luật trực tuyến

Sau 4 tháng vận hành thử nghiệm, mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chính thức khai trương hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến cho người lao động. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Chương trình “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018 - 2023” của Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII).

Theo đó, phần mềm tư vấn trực tuyến hiện đang được vận hành trên Cổng thông tin Công đoàn Việt Nam (www.congdoan.vn). Người lao động chỉ cần gõ nội dung câu hỏi vào cửa sổ tiếp nhận câu hỏi của phần mềm qua trình duyệt internet trên máy tính, điện thoại thông minh, phần mềm sẽ tự động tiếp nhận câu hỏi của người lao động trên các lĩnh vực liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… Sau đó, hệ thống sẽ tự động phân tích, đưa ra câu trả lời phù hợp với câu hỏi của người lao động. Tổng Liên đoàn cũng sẽ mở rộng tích hợp phần mềm trên điện thoại thông minh, trang thông tin điện tử của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, các mạng xã hội, hệ thống trả lời điện thoại tự động và các ki ốt trả lời tự động đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà ở có đông công nhân lao động…

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tăng Quốc Lập hướng dẫn công nhân làm bài thi cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật lao động.

Thực tế cho thấy, nhu cầu được tư vấn pháp luật của đoàn viên, người lao động là rất lớn, trong khi đó do điều kiện về thời gian, phương tiện, chi phí nên việc trực tiếp tìm đến các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo đã mang lại các giải pháp hữu hiệu để thực hiện tư vấn pháp luật chính xác, từ xa, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm nhân lực, chi phí cho người lao động. Điều này cũng tạo cơ sở cho việc áp dụng hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến phục vụ người lao động.

Khi được hỏi về hiệu quả của tiện ích này đối với đời sống, việc làm của mình, hầu hết công nhân lao động đều bày tỏ sự phấn khởi, hào hứng và cho rằng đây là một kênh thông tin rất hữu ích. “Cái này hay ở chỗ, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối mạng mà giờ hầu như ai cũng có, công nhân chúng tôi có thể tranh thủ bất kỳ thời gian rảnh rỗi nào của mình kể cả ban ngày lẫn đêm; ngồi ở phòng trọ hay ngay tại công ty để trao đổi, nhờ tư vấn giải đáp những thắc mắc cụ thể về pháp luật lao động liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình. Tương tác qua lại rất nhanh và thông tin giải đáp chính xác”, chị Lê Thị Thanh, công nhân Công ty CP Taekwang Vina vui vẻ bộc bạch.

Vừa qua, cũng nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật cho người lao động, lần đầu tiên, LĐLĐ tỉnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Cuộc thi được phát động từ ngày 15-12-2018, chia thành 2 đợt và kết thúc vào ngày 28-12-2018, thu hút sự tham gia của gần 2.000 đoàn viên, người lao động trong toàn tỉnh. Theo Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tăng Quốc Lập, đây là lần đầu tiên cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến được triển khai nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến đoàn viên, người lao động. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều cuộc thi liên quan đến pháp luật lao động và các nội dung khác để nhiều đoàn viên, người lao động được tham gia, nâng cao kiến thức pháp luật cơ bản. Thông qua đó còn bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của công nhân lao động.

Quan tâm đối tượng lao động nhập cư

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,2 triệu người lao động, trong đó lao động nhập cư chiếm 60%. Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà, so với người lao động tại địa phương, nhiều người lao động nhập cư có điều kiện sống khó khăn hơn nên rất cần được quan tâm, hỗ trợ nâng cao kiến thức pháp luật, mở rộng mối quan hệ, có thêm kỹ năng sống để hòa nhập cộng đồng và tự bảo vệ quyền lợi cho mình.

Chính vì vậy, thời gian qua, bên cạnh các hoạt động chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động nói chung như các chương trình phúc lợi cho đoàn viên, chương trình đối thoại, xây dựng và thương lượng thỏa ước tập thể, chương trình nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn cho người lao động… được thực hiện tại doanh nghiệp thì ngay tại các khu nhà trọ của người lao động nhập cư, nhiều chương trình, dự án liên quan đến tư vấn, tuyên truyền pháp luật đã được triển khai. Điển hình như hai dự án: “Tư vấn pháp luật cho người lao động nhập cư phường Long Bình” được thực hiện từ năm 2009 -2010” và dự án “Tăng cường tiếp cận thông tin và tư vấn pháp luật lưu động cho người lao động nhập cư tỉnh Đồng Nai” được thực hiện từ năm 2011-2013 do Tổ chức Oxfam đoàn kết Bỉ tài trợ. Hiện tại, hoạt động của các dự án ít hơn song vẫn được duy trì.

Hiểu được những khó khăn vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của người lao động nhập cư, vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã giao cho Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh xây dựng dự án: “Nâng cao năng lực cho người lao động nhập cư tại Đồng Nai” và tiếp tục nhận được sự tài trợ của Tổ chức Oxfam. Ngày 22-1 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt về khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài này. Mới đây, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội thảo khởi động dự án.

Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Nông Văn Dũng cho biết, để dự án được triển khai có hiệu quả, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã giao Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh và các cán bộ của LĐLĐ tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động của dự án. Khi tiếp xúc với người lao động phải nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người lao động và ghi nhận những ý kiến phản ánh, kiến nghị để giải quyết kịp thời… Dự án được kỳ vọng sau 3 năm sẽ giúp nhiều NLĐ có hiểu biết pháp luật sâu sắc, từ đó có thể bảo vệ quyền lợi của mình và giúp đỡ những công nhân khác. 

Thảo Lâm

Tác giả: Hồ Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây