Theo dự kiến, đến năm 2025 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) sẽ đi vào hoạt động. Để việc khai thác 2 sân bay (cả Tân Sơn Nhất lẫn Long Thành) hiệu quả, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ xây dựng phương án kết nối giữa 2 sân bay.
Đề án nối 2 sân bay
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ đã yêu cầu cơ quan chuyên môn phải xây dựng ngay một đề án về giao thông nhằm kết nối Sân bay Long Thành với một số khu vực xung quanh. Bộ trưởng đề nghị đề án phải đề xuất được một số trục giao thông kết nối thẳng từ sân bay vào TP.Hồ Chí Minh qua đường bộ, đường sắt nhẹ. Đặc biệt, phải nghiên cứu và đề xuất phương án kết nối trực tiếp Sân bay Long Thành với Sân bay Tân Sơn Nhất. “Nếu để nguyên tình trạng hiện nay, từ Long Thành đi đến Sân bay Tân Sơn Nhất rất lòng vòng, xa xôi và sẽ rất khó khăn cho hành khách sau này. Đề án cũng phải tính toán cả phương án kết nối Sân bay với các đô thị lớn trong khu vực như: Vũng Tàu, Bình Dương” - Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các cơ quan chuyên môn cần rà soát kỹ lại, những dự án nào đã nằm trong quy hoạch quốc gia thì chỉ điều chỉnh quy mô cho hợp lý. Đối với những dự án thuộc trách nhiệm của địa phương và các ngành, cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch đầu tư. Ông Thể cũng khẳng định, đầu tư sân bay nhưng không đầu tư giao thông kết nối thì sẽ không ổn, không khai thác hết được lợi ích của siêu dự án này. Chính vì vậy việc xây dựng đề án kết nối giao thông rất quan trọng và đề án này sẽ được trình Chính phủ cùng lúc với dự án xây dựng Sân bay Long Thành.
Mở rộng đường cao tốc
Theo phương án kết nối giao thông với Sân bay Long Thành của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), có 3 tuyến đường kết nối trực tiếp vào sân bay là quốc lộ 51; đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến phía sau sân bay ra đường vành đai 4.
Đây là 3 tuyến đường chính rất quan trọng để từ TP.Hồ Chí Minh cũng như những đô thị lớn khác đến Sân bay Long Thành. Theo kiến nghị của Sở GTVT Đồng Nai, tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cần phải sớm có phương án mở rộng mới đủ đáp ứng nhu cầu đi lại khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Giám đốc Sở GTVT Trịnh Tuấn Liêm nói: “Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cần phải mở rộng đoạn từ TP.Hồ Chí Minh đến Long Thành. Đoạn này cần phải mở rộng lên 10-12 làn xe, nếu chỉ xây dựng theo quy hoạch là 8 làn sẽ không đáp ứng được nhu cầu”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng lưu ý, nếu chọn việc mở rộng cao tốc lên đến 12 làn xe thì sẽ phải có phương án sớm vì liên quan đến quy hoạch sử dụng đất.
Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (thuộc Bộ GTVT) Lê Đỗ Mười cũng đưa ra đề xuất xây dựng tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm đi Sân bay Long Thành và kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP.Hồ Chí Minh từ Thủ Thiêm đến Tân Sơn Nhất. Đây là phương án kết nối được 2 sân bay với nhau. Ngoài ra, cần xây dựng cầu Cát Lái để nối TP.Hồ Chí Minh với tỉnh lộ 25C của Đồng Nai với Sân bay Long Thành, như thế sẽ tạo thêm hướng kết nối với Sân bay Long Thành.
Tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007 chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 là đoạn An Phú - Long Thành, xây dựng với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu; phần đường có thêm 2 làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn 2 - giai đoạn hoàn chỉnh đoạn từ An Phú - Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe.
Tác giả: Khắc Giới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập