Cụm thi đua miền Đông Nam Bộ: Động lực phát triển từ thi đua yêu nước

Chủ nhật - 17/03/2019 21:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong năm 2018, sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước đã tiếp tục được khẳng định qua các thành quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Qua đó góp phần phát huy nội lực, thế mạnh của vùng trong tiến trình phát triển của đất nước.​

Phát huy nội lực vùng Đông Nam Bộ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, Cụm trưởng cụm thi đua miền Đông Nam bộ năm 2018, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của 7 tỉnh trong cụm đều có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 

Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,32%. Sự  tăng trưởng mạnh của các tỉnh Đông Nam bộ đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong năm vừa qua. Theo đó, tất cả các tỉnh trong Cụm đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung; thu ngân sách đạt hơn 206 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 15% của cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 55 tỷ USD.  Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, các tỉnh vùng Đông Nam bộ tiếp tục là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước với khoảng hơn 7,1 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là những hạt nhân quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa chúc mừng Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Bên cạnh tập trung cho các chiến lược phát triển kinh tế dài hơi, các địa phương trong cụm đã chú trọng triển khai các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thực chất, có tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã để lại những dấu ấn rõ nét. Đến nay, các tỉnh thuộc Cụm có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn mức trung bình cả nước là 43%. Trong đó, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong Cụm có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tỷ lệ này trên 90%.

Trong phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, các địa phương trong Cụm đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp theo cụm, liên kết ngành, chuỗi giá trị, gắn kết với thị trường quốc tế được chú trọng. Với việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo”, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trong Cụm tiếp tục giảm dần và hiện đang thấp nhất cả nước. Riêng tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu số hộ nghèo chỉ chiếm 1%. Nhiều chương trình thiết thực vì người nghèo cũng được triển khai như tỉnh Bình Phước hỗ trợ kinh phí mua và cấp hơn 52.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tỉnh Đồng Nai xây dựng và bàn giao gần 240 nhà tình thương cho hộ nghèo; tỉnh Tây Ninh triển khai nhiều chương trình như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, nhà ở, tiền điện cho hộ nghèo, cận nghèo...

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong thi đua

Công tác thi đua - khen thưởng của Cụm đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, trong đó chú trọng khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất. Nhiều mô hình mới, cách làm hay và các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực được các địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng. Có thể kể đến như mô hình “Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển” tại Bình Thuận; mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Các tổ dân cư tham gia mô hình này sẽ ký kết giao ước thi đua bảo vệ môi trường, thường xuyên phát động đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường trên địa bàn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Cũng tại huyện Vĩnh Cửu, hộ ông Phan Văn Minh, xã Phú Lý đã có những cách làm mới trong sản xuất, chế biến các loại phân vi sinh áp dụng trên cây có múi, hạn chế phân bón hóa học mang lại hiệu quả kinh tế cao…

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tặng hoa cho các điển hình tiên tiến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương trọng Cụm cũng xác định, công tác thi đua khen thưởng vẫn chưa được thực hiện đồng bộ giữa các địa phương. Một số nơi chưa triển khai liên tục, hiệu quả chưa cao, tính hình thức vẫn còn trong quá trình phát động, triển khai các phong trào thi đua. Công tác phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội đôi lúc chưa kịp thời, thiếu tính lan tỏa. Công tác khen thưởng được các địa phương quan tâm đổi mới song tỷ lệ người lao động, trực tiếp sản xuất được khen thưởng vẫn còn thấp.

Trước những cơ hội cũng như thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2019, các tỉnh Cụm thi đua miền Đông Nam Bộ xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích khởi nghiệp. Đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát động đợt thi đua chào mừng các ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, các tỉnh trong Cụm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến; nâng cao vai trò hoạt động của đơn vị làm công tác thi đua, khen thưởng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước tại các cơ quan, đơn vị.

Đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác thi đua - khen thưởng của Cụm thi đua miền Đông Nam Bộ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, năm 2018, Cụm đã dành sự quan tâm đúng mức cho công tác thi đua - khen thưởng; các phong trào thi đua được chú trọng triển khai có hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân; kịp thời phát hiện, nêu gương những điển hình tiên tiến, tạo được dư luận tốt trong xã hội. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng cao, ấn tượng của Cụm trong năm 2018 và góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các tỉnh trong Cụm cần quan tâm thực hiện tốt Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong tình hình mới. Các tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng các phong trào thi đua như Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập phát triển, Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 60%, khen thưởng cấp Trung ương đảm bảo tối thiểu 20%; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong khen thưởng đối với người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng…

Sáng 15-3, tại Đồng Nai, Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ (gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Ninh Thuận) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2018 và ký kết giao ước thi đua năm 2019. Phó Chủ tịch nước, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cùng lãnh đạo các tỉnh trong Cụm thi đua miền Đông Nam bộ đã dự. Hội nghị đã thông qua báo cáo kết quả thực hiện giao ước thi đua năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019; công bố kết quả chấm điểm và xếp hạng thi đua năm 2018; phát động và ký kết giao ước thi đua năm 2019. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua năm 2018) đã bàn giao cờ luân lưu Cụm trưởng năm 2019 cho tỉnh Tây Ninh.

Thảo Nguyên

Tác giả: Lê Thị Phương Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây