Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm xã hội của các cơ quan liên quan, của người sử dụng lao động và toàn xã hội. Để giúp người lao động (NLĐ) thích ứng thời cuộc, chủ động nắm bắt cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp giúp NLĐ nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn và các kỹ năng việc làm.
Sự chung sức của Công đoàn
Nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ nhằm giúp họ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống là một trong ba chương trình trọng tâm trong hoạt động Công đoàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2018. Để thực hiện chương trình này, LĐLĐ tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị chuyên môn về công nghệ, các trường trung cấp, cao đẳng và đại học xây dựng chương trình liên kết đào tạo từ xa thông qua kênh mạng xã hội; xây dựng quỹ học bổng để hỗ trợ công nhân lao động học tập, nâng cao tay nghề. Thiết kế các app dành riêng cho cán bộ Công đoàn, đoàn viên và NLĐ tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm với phương châm “Học bất cứ lúc nào, học bất cứ nơi đâu” trên các thiết bị công nghệ.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, từng đơn vị, doanh nghiệp đều có những bước đi, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo sự phát triển lâu dài. Tuy nhiên, không nên ỉ lại trách nhiệm đó cho chủ sử dụng lao động mà cần sự chung tay của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là bản thân NLĐ.
Công nhân Công ty TNHH Sowel Việt Nam trong giờ làm việc.
Về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt trình độ tay nghề của NLĐ, nhu cầu về chất lượng của đơn vị sử dụng lao động, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền để có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Tích cực tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, nắm bắt khoa học kỹ thuật, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp. Đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, từ đó có thể tham gia tốt với chính quyền và chủ sử dụng lao động đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ vào thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp. Không ngừng tuyên truyền để người sử dụng lao động tạo điều kiện thời gian và chi phí cho công nhân lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ, tay nghề.
Một trong những việc làm góp phần nâng cao nguồn nhân lực của tổ chức Công đoàn trong thời gian qua là phát động và tổ chức các phong trào thi đua, các hội thi tay nghề nhằm tạo động lực để mỗi NLĐ chủ động học tập, nâng cao trình độ, hoàn thiện kỹ năng lao động. Chỉ tính riêng phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, 5 năm gần đây, đội ngũ CNVCLĐ toàn tỉnh đã có khoảng 97.600 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mẫu mã mới của cá nhân, tập thể làm lợi cho các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp hàng ngàn tỷ đồng. Thông qua các phong trào thi đua, bước đầu NLĐ đã ý thức được việc học tập nâng cao trình độ, tay nghề vừa là quyền lợi để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, vừa thực hiện trách nhiệm của mình với đơn vị, doanh nghiệp.
Để hỗ trợ NLĐ học tập, nâng cao trình độ, tại một số đơn vị, doanh nghiệp cũng hình thành được các quỹ và nhiều nơi có chế độ dành cho NLĐ tự học nghề. Theo thống kế của LĐLĐ tỉnh, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 764 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có quỹ khuyến học hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; trên 55.000 lượt đoàn viên và NLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ. Hiện khoảng 60% đoàn viên và NLĐ đạt trình độ THPT, gần 57% đoàn viên và NLĐ qua đào tạo nghề, chuyên môn, nghiệp vụ.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội
Trên thực tế, sự phát triển của công nghệ, sự cạnh tranh về lao động, giá thành đã làm cho nhu cầu lao động chất lượng cao ở các đơn vị, doanh nghiệp tăng nhanh. Thực tế này là cơ hội và cũng là thách thức với NLĐ, các cơ sở đào tạo nghề, cơ quan quản lý lao động.
Tại một hội thảo về lao động mới đây, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết, để góp phần nâng chất nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, nhiều năm nay trường đã hình thành và duy trì mô hình “đào tạo kép”. Cụ thể, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp đối tác trên địa bàn tỉnh như: Bosch, Pepper and Fuchs, Ishikawa Seiko... hình thành trung tâm đào tạo ngay tại doanh nghiệp. Căn cứ nhu cầu doanh nghiệp, nhà trường lên kế hoạch tuyển sinh, cùng doanh nghiệp xây dựng nội dung đào tạo nghề và các kỹ năng chuyên môn để NLĐ có thể làm việc thành thạo ngay trong thời gian thực tập. Mô hình này được cho là mang lại lợi ích cho cả nhà trường - NLĐ - doanh nghiệp.
Tương tự, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác như: Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, Trường đại học Lạc Hồng... cũng đang chủ động liên kết với các doanh nghiệp đào tạo lao động theo đơn đặt hàng. Quá trình hợp tác có sự tham gia của cả nhà trường và doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số trường, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất của trường nghề không theo kịp công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng, đội ngũ giảng dạy thiếu và yếu; một số doanh nghiệp hợp tác với nhà trường để tuyển dụng mà chưa tham gia vào công tác đào tạo, nhà trường thiếu thông tin về nhu cầu lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho rằng, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Đồng Nai đều đang áp dụng đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Quá trình này giúp người học định hướng được nghề nghiệp cũng như công việc tương lai, từ đó nỗ lực học tập để đáp ứng yêu cầu công việc, giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tăng lên. Tuy nhiên, để đứng vững và phát triển, các trường nghề cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng chất lượng đào tạo về chuyên môn, ngoại ngữ, các kỹ năng mềm. Ngoài cập nhật chương trình học, trang bị cơ sở vật chất phù hợp thực tế, các trường phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng nhân lực đầu ra. Còn về trách nhiệm của Sở là làm tốt công tác thống kê, dự báo thông tin thị trường lao động, nhu cầu nhân lực để các trường có căn cứ cân đối, phát triển ngành nghề đào tạo phù hợp.
Theo các chuyên gia, để hình thành được đội ngũ lao động chất lượng cao cần có sự chung tay của cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và NLĐ. Quá trình đó cần một chiến lược phát triển nhân lực phù hợp với kinh tế - xã hội địa phương, khung pháp lý và cơ chế cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần có giải pháp cụ thể của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong xây dựng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất và gắn đào tạo nghề với nhu cầu việc làm xã hội. Đồng thời cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng, chiến lược thu hút và chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của đơn vị sử dụng lao động; cần sự thay đổi về thói quen, nhận thức của NLĐ, học tập để nắm bắt cơ hội, để không bị đào thải.
Cần thêm trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm
Theo Sở LĐ-TBXH, Đồng Nai hiện có 68 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ cao đẳng, trung cấp (chưa tính các cơ sở đào tạo ngắn hạn), góp phần mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề. Sở LĐ-TBXH cũng cho rằng thị trường lao động của tỉnh đang phát triển và nhu cầu nhân lực có trình độ kỹ thuật thuộc các ngành ô tô, điện, cơ khí, hàn... sẽ tăng mạnh trong một vài năm tới. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, bên cạnh kiến thức chuyên môn, NLĐ cần phải có trình độ ngoại ngữ, tin học và một số kỹ năng mềm khác.
Ban Mai
Tác giả: Nguyễn Thị Lộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập