Những năm qua, Đồng Nai đã tập trung các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo điều kiện để người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm còn 506 hộ, chiếm 1,25% tổng số hộ và chiếm 10,72% hộ nghèo toàn tỉnh.
Hỗ trợ người nghèo vươn lên
Đồng Nai hiện có khoảng 190.000 người DTTS, chiếm 7% dân số toàn tỉnh. Trong đó 4 dân tộc bản địa gồm: Chơ Ro, Mạ, X’tiêng và Cơ Ho. Đồng bào DTTS sống xen kẽ tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn.
Tại huyện Xuân Lộc hiện có trên 4.200 hộ, trên 20.000 nhân khẩu thuộc 24 DTTS sinh sống trên địa bàn, chiếm hơn 8% dân số toàn huyện và tập trung chủ yếu ở 23 ấp, 6 làng dân tộc. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền nơi đây có nhiều giải pháp quan tâm hỗ trợ để đồng bào DTTS vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Xuân Lộc Nguyễn Thanh Ngọc cho hay, trong quá trình phát triển chung, Xuân Lộc luôn chú trọng quan tâm cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, hỗ trợ tạo điều kiện để người dân vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp vào thành quả xây dựng nông thôn mới toàn huyện. “Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ chọn điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nông thôn mới chỉ thực sự có ý nghĩa khi đời sống của các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc, người nghèo được cải thiện, không ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, trong những năm qua, huyện đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là hộ nghèo trong đồng bào DTTS”, ông Ngọc nói.
Lực lượng vũ trang hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn vùng đồng bào dân tộc tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
Ngoài tạo điều kiện để đồng bào dân tộc vươn lên phát triển kinh tế, huyện Xuân Lộc còn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, năm 2018, huyện đã đầu tư xây dựng 3 nhà văn hóa dân tộc, trang bị 2 bộ cồng, chiêng cho đồng bào dân tộc Chơ Ro. Đồng thời tạo thuận lợi trong xây dựng Thánh đường Hồi giáo tại Làng dân tộc Chăm; quan tâm để cộng đồng DTTS tổ chức lễ hội truyền thống như: lễ dựng cây Nêu của đồng bào Chơ Ro (xã Xuân Phú); lễ cúng Yang của đồng bào Chơ Ro (ấp Trung Sơn); lễ kỷ niệm thường niên ngày thỉnh kim thân Quan thế âm về an vị tại miếu của người Hoa (xã Lang Minh); lễ Ramưwan của người Chăm theo đạo Hồi…
Là huyện miền núi vùng xa của tỉnh, Định Quán hiện có hơn 220.000 dân, trong đó có 28 thành phần dân tộc thiểu số với trên 55.000 nhân khẩu. Với mục tiêu và các giải pháp giảm nghèo hiệu quả, toàn huyện đã giảm gần 900 hộ nghèo, giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm hơn 12 lần so 5 năm trước. Đây cũng là tiền đề để huyện “về đích” nông thôn mới, triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán Trần Hữu Hạnh nhìn nhận, công tác giảm nghèo nói chung, giảm nghèo trong đồng bào DTTS được Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện coi trọng, đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện trong nhiều năm qua. Huyện đã cử cán bộ, phân công cụ thể cho từng ngành, đoàn thể có trách nhiệm bám sát tình hình những địa bàn khó khăn để đề xuất giải pháp hỗ trợ. Theo đó, nắm bắt nhu cầu về vốn kinh doanh, đất sản xuất hay kỹ thuật canh tác để có chính sách hỗ trợ bà con. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể, góp phần để huyện Định Quán hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Qua 7 năm thực hiện, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã giúp hơn 40.500 lượt hộ dân thoát nghèo (trong đó có trên 5.200 hộ nghèo DTTS) và trên 5.500 hộ thoát chuẩn cận nghèo. Từ đó đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,91% đầu năm 2012 giảm xuống 0,59% cuối năm 2018; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 1,12% đầu năm 2012 xuống còn 0,3% cuối năm 2018.
Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh đánh giá, những nỗ lực giảm nghèo trong toàn tỉnh đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, khơi dậy và làm thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua chương trình này, ý Đảng lòng dân được thể hiện rõ nét; quan hệ cộng đồng dân cư được gắn bó sâu sắc, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong nỗ lực thực hiện các chương trình giảm nghèo chung của tỉnh, việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS là mục tiêu quan trọng và mang tính cốt yếu. Những công trình, hạng mục như đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, kiên cố hóa kênh mương, công trình nước sinh hoạt tập trung được quan tâm xây dựng phục vụ đời sống người dân. Đến nay, 100% xã trong tỉnh có đường giao thông đến trung tâm, 100% xã có đồng bào DTTS được cứng hóa đường giao thông. Bên cạnh đó, được trao sinh kế, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu, cải thiện đời sống. Từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững của tỉnh; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh, khi thực hiện chương trình giảm nghèo cần tiếp tục chọn điểm và nhân rộng những mô hình được hỗ trợ có hiệu quả. Việc chung tay vì người nghèo không chỉ dừng ở hỗ trợ người nghèo vươn lên mà xa hơn phải trở thành nhịp cầu kết nối, sẻ chia kinh nghiệm xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững, có tác động trực tiếp để chính người nghèo, đồng bào DTTS chủ động vươn lên. “Những mô hình phù hợp với vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS đã cho thấy hiệu quả thiết thực ở các huyện như Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán cần được nhân rộng; đồng thời tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tiếp sức để đồng bào nghèo vùng DTTS nỗ lực vươn lên”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới nói.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cho rằng, thời gian tới, chương trình giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS cần tiếp tục được quan tâm. Đồng thời cần tránh chồng chéo, dàn trải, tăng hiệu quả. Trong đó cần chú trọng các chương trình tạo sinh kế, việc làm ổn định để đồng bào DTTS chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là trong điều kiện tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Những mô hình hay, hiệu quả tiếp tục được nhân rộng sẽ góp phần động viên, khuyến khích người nghèo nói chung, vùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và đất nước.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về nâng chuẩn nghèo theo tiêu chí của tỉnh, ở khu vực nông thôn, hộ nghèo có 2 tiêu chí là thu nhập bình quân đầu người dưới 1,2 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân đầu người từ 1,2 đến 1,550 triệu đồng/tháng và thiếu hụt 3 tiêu chí đa chiều. Khu vực thành thị là hộ có 2 tiêu chí thu nhập dưới 1,450 triệu đồng/người/tháng; thu nhập từ 1,450 đến 1,9 triệu đồng/người/tháng và thiếu hụt từ 3 tiêu chí đa chiều. Tổng nguồn kinh phí dành cho việc nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2018 - 2020 gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện và các chương trình khác.
Nguyệt Hà
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập