Từ ngày 1-4 đến ngày 25-4, cùng với cả nước, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là hoạt động quy mô được tổ chức 10 năm/lần nhằm thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở. Ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Đồng Nai đã có cuộc trao đổi về các vấn đề liên quan đến công tác này.
Cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới
*P.V: Thưa ông, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng có vai trò quan trọng như thế nào?
- Ông Nguyễn Xuân Quang: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm thu thập các thông tin cơ bản về dân số, nhà ở nhằm mục đích: tổng thợp, biên soạn các chỉ tiêu dân số, nhân khẩu học và nhà ở phục vụ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Tổng điều tra lần này nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin và nhà ở phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Tập huấn công tác Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tại huyện Trảng Bom.
Tổng điều tra dân số và nhà ở còn phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Việc điều tra này cũng cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số và xây dựng các biểu mẫu thống kê mới, phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư về sau.
Như vậy, cuộc tổng điều tra lần này rất quan trọng, số liệu sẽ được Chính phủ sử dụng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.
*P.V: Vậy nội dung cụ thể của cuộc Tổng điều tra dân số lần này như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Xuân Quang: Nội dung của Tổng điều tra bao gồm các thông tin cơ bản về dân số như: số người, giới tính, tuổi, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, mức độ sinh, chết và phát triển dân số, trình độ học vấn và trình độ nghề, kỹ năng nghề, tình trạng di cư, tình trạng khuyết tật, tình trạng lao động việc làm. Bên cạnh đó, Tổng điều tra nhà ở còn gồm các thông tin về thực trạng nhà ở của hộ dân cư như: tình trạng sở hữu nhà ở, quy mô diện tích nhà ở, năm sử dụng, kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính, nguồn nước và nhiên liệu chính đang sử dụng, một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Đồng Nai đã sẵn sàng cho tổng điều tra
*P.V: Đến thời điểm này, Đồng Nai đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc Tổng điều tra, thưa ông?
- Ông Nguyễn Xuân Quang: Đến giờ này, chúng tôi khẳng định mọi công việc chuẩn bị cho Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra. Một số công việc trọng tâm đã thực hiện, như: xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về Tổng điều tra; tổ chức họp Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; ban hành các văn bản triển khai lập danh sách, rà soát; tổ chức tập huấn và thực hiện vẽ sơ đồ nền và phân chia địa bàn điều tra. Giới thiệu, hướng dẫn sử dụng, thực hành trang thông tin điều hành tác nghiệp tổng điều tra… Các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức tập huấn về công tác quản lý và lập bảng kê; đội ngũ điều tra viên và tổ trưởng đã được tập huấn nghiệp vụ đảm bảo các quy định và trách nhiệm của bản thân. Mọi công việc đã chuẩn bị để sẵn sàng cho ngày ra quân 1-4 tới.
*P.V: Xin ông cho biết một số điểm mới của cuộc tổng điều tra lần này?
- Ông Nguyễn Xuân Quang: Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần này quan trọng hơn so với những lần trước và có một số điểm mới. Những lần trước chúng ta thực hiện điều tra bằng giấy với cách nhập tin truyền thống, năm nay theo chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ đưa công nghệ thông tin vào thu thập, xử lý và tổng hợp số liệu điều tra. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều thu thập dữ liệu bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh và đến trực tiếp từng hộ dân cư để phỏng vấn. Từ đó, các điều tra viên truyền thông tin này ra máy chủ tại Hà Nội một cách nhanh nhất, giảm chi phí một cách cao nhất.
*P.V: Cuộc điều tra lần này, theo quy định của Chính phủ phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có điểm khác so với các cuộc điều tra trước là người dân tự cung cấp thông tin trực tuyến. Ở Đồng Nai, vấn đề này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Xuân Quang: Thực tế hiện nay, trên các địa bàn theo sự đăng ký thì chủ yếu sử dụng điều tra viên đến trực tiếp từng hộ dân để thu thập dữ liệu bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Việc hộ dân tự cung cấp thông tin không nhiều, thống kê chỉ vài chục hộ cả tỉnh. Mặc dù phương pháp này có ưu điểm là điều tra viên không phải đến hộ dân tuy nhiên yêu cầu của phương pháp này là hộ dân cư phải hiểu được các nội dung của bảng hỏi, thông tin để ghi. Nội dung của bảng hỏi không phải ai cũng hiểu hết được mà phải qua tập huấn, do đó đây cũng mới là bước thử nghiệm để các cuộc điều tra sau có thể phổ cập rộng rãi. Riêng năm 2019 này, phương pháp duy nhất vẫn là điều tra viên đến phỏng vấn trực tiếp và Đồng Nai hiện đã chuẩn bị sẵn sàng để bước vào cuộc tổng điều tra.
*P.V: Xin cảm ơn ông.
Vương Thế (thực hiện)
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập