Ngày 11-11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi tọa đàm tại điểm cầu Đồng Nai.
Tại điểm cầu Đồng Nai: Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi tọa đàm tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Phan Anh
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, giai đoạn 2016 đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc liên tục phát triển. Vì vậy, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt gần 7,5 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản cả nước. Những năm qua, trong cơ cấu xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, nhóm hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng chiếm vị trí quan trọng, góp phần giảm nhập siêu. Từ năm 2020 đến nay, giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng khá cao và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu thông thường, như hạt điều tăng 51,7%, cà phê, chè tăng gần 40%, cao su tăng 30%,…Với chính sách tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các kênh nhập khẩu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 1,4 tỷ dân, đây vẫn là thị trường nhập khẩu còn rất rộng lớn với mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc hiện cũng đang gặp một số khó khăn do phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ cả về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc liên tục ban hành nhiều quy định nhằm kiểm soát chặt các cửa khẩu khiến hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông sản xuất sang nước này khó khăn, tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Trung Quốc ban hành nhiều quy định mới với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông, thủy sản. Theo đó, tọa đàm đã tập trung thảo luận về tiềm năng, thuận lợi cũng như khó khăn trong xuất khẩu nông sản; giới thiệu những quy định mới; giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc trong tình hình mới.
Nội dung các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tập trung kiến nghị gồm: những giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc trong tình hình mới; tạo điều kiện mở rộng xúc tiến thương mại; xây dựng phương án chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tỉnh có cửa khẩu thông quan; nâng cao năng lực vận tải tại các cửa khẩu; xây dựng vùng sản xuất an toàn đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Trung Quốc; có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chế biến…
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, mọi thứ đều ngắn hạn. Cần sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà phải hiểu cả thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào Trung Quốc như Thái Lan, Indonesia…
Doanh nghiệp, nông dân phải thay đổi nhận thức, chủ động nắm bắt thông tin để đáp ứng được những yêu cầu mới từ thị trường Trung Quốc đặt ra trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần trở thành đầu tàu trong nắm bắt, tiếp cận sự thay đổi về nhu cầu của thị trường với mục tiêu cao hơn là nâng cao giá trị nông sản Việt; xuất khẩu nông sản không chỉ dừng lại ở cửa khẩu mà phải phân phối hàng sâu vào nội địa thị trường Trung Quốc. Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường lớn này.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập