Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2021 đã được tổ chức thành công, tiếp tục khẳng định đây là sân chơi uy tín cho những người đam mê khoa học, kỹ thuật. Nhiều giải pháp mang tính ứng dụng cao và đã được đưa vào sử dụng trong thực tế, mang lại giá trị cho xã hội.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2021 bắt đầu nhận hồ sơ từ tháng 1 đến đầu tháng 10-2021. Ban tổ chức đã chấm giải trong 3 ngày, từ ngày 20 đến 23-10. Dự kiến cuối tháng 11, sẽ công bố kết quả. Ban tổ chức sẽ chọn 14 giải pháp xuất sắc nhất để tham gia hội thi cấp quốc gia.
Trường Đại học Lạc Hồng chuyển giao công thức pha chế dung dịch sát khuẩn
và xịt họng Nano Bạc, một trong những kết quả của nghiên cứu “Bào chế
nano bạc đạt độ ổn định cho ứng dụng vào dung dịch khử khuẩn”
* Sân chơi khoa học, kỹ thuật uy tín
Năm nay, hội thi có 79 giải pháp tham gia dự thi ở 6 lĩnh vực: công nghệ thông tin (22 giải pháp), cơ khí tự động hóa (23 giải pháp), giáo dục (17 giải pháp), y dược (5 giải pháp), môi trường (7 giải pháp), vật liệu hóa chất và năng lượng (5 giải pháp).
Với vị thế là sân chơi kỹ thuật uy tín, hội thi đã thu hút được nhiều tác giả dự thi với các giải pháp chất lượng, mang tính ứng dụng cao. Hầu hết các giải pháp đều xuất phát từ thực tế nhằm cải tiến sản xuất hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Do đó, các giải pháp mang đến hội thi đều có tính thực tiễn cao. Hơn thế nữa, không ít giải pháp đã ứng dụng thành công trong thực tiễn và chứng minh được tính hiệu quả cả về kinh tế lẫn giá trị xã hội.
Có thể kể tên một số giải pháp nổi bật như: Máy dán keo tự động (tác giả Phạm Văn Toản, Trường Đại học Lạc Hồng); Bào chế nano bạc đạt độ ổn định cho ứng dụng vào dung dịch khử khuẩn (tác giả Cao Văn Dư, Trường Đại học Lạc Hồng); Tìm ý tưởng sáng tạo trong môn Vật lý giúp học sinh trải nghiệm STEM hoàn thiện kỹ năng thực hành và những kết quả đạt được (tác giả Trần Thị Thanh, Trường THCS Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu); Cải tiến chế tạo dây chuyền lắp rắp ăng ten Mascover tự động (tác giả Lê Văn Chung, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai); Máy uốn thủy lực một trục NC (tác giả Nguyễn Mạnh Lâm, Công ty SSA CropCare)…
Anh Trương Tấn Trung, chuyên viên Viện Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) đã tham gia hội thi 3 năm liên tiếp. Trong đó, năm 2019, anh Trung đoạt giải nhì. Năm nay, giải pháp Ứng dụng tính toán lý thuyết mô phỏng trong bài giảng và nghiên cứu nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng chất lượng các nghiên cứu và công bố của anh đã được Ban giám khảo đánh giá cao.
Anh Trung cho biết, ngoài đam mê của bản thân thì các chế độ, chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cũng đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu của anh, vì thế, năm nào anh cũng có giải pháp dự thi. Hiện nay, anh đang nuôi dưỡng một đề tài để tham gia dự thi vào năm sau.
Nhận xét về thành phần tác giả tham gia hội thi, anh Trung thẳng thắn cho rằng hội thi vẫn chủ yếu thu hút đối tượng giảng viên các trường đại học, cao đẳng và giáo viên các trường THCS, THPT. Điều này phản ánh đúng thực tế về hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó, giảng viên đại học có lợi thế về hoạt động nghiên cứu khoa học hơn nên số lượng, chất lượng giải pháp nhiều hơn.
Theo anh Trung, để hội thi lan tỏa hơn nữa, bên cạnh công tác tuyên truyền về hội thi thì nên có sự hợp tác trong nghiên cứu. Theo đó, nếu người dân có ý tưởng, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật mà không có điều kiện nghiên cứu, cải tiến thì có thể liên hệ với các trường đại học, cao đẳng để hợp tác nghiên cứu.
* Góp phần nâng cao năng suất lao động
Anh Nguyễn Mạnh Lâm (Công ty TNHH SSA CropCare, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ, giải pháp Máy uốn thủy lực một trục NC được anh “thai nghén” nhiều năm và đã lắp ráp, cải tiến thành công từ hơn 1 năm nay. Đến phiên bản thứ 3, máy khá hoàn hảo và đã chuyển giao được cho một số đối tác nên anh mới tự tin đem dự thi. Được biết, với giải pháp này, người sử dụng có thể giảm chi phí đầu tư từ 3 đến 5 lần và đồng thời tăng năng suất lao động lên 3 đến 5 lần.
Xuất phát từ thực tế quan sát sản xuất tại doanh nghiệp khi đưa sinh viên đi thực tập, thầy Lê Văn Chung, Tổ trưởng Tổ bộ môn Tự động hóa, Khoa Điện - điện lạnh Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai đã cùng cộng sự thực hiện giải pháp Cải tiến dây chuyền lắp ráp ăng ten Mascover tự động.
Thầy Chung cho biết, đây là lần đầu tiên thầy tham gia cuộc thi và đã nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nhà trường, doanh nghiệp cũng như đơn vị tổ chức. “Với tôi, tham gia cuộc thi là cơ hội để tôi được gặp gỡ và học hỏi, trao đổi về vấn đề kỹ thuật cùng với các đồng nghiệp, những người có cùng đam mê về kỹ thuật, tự động hóa. Tôi cũng muốn lan tỏa để các sinh viên học nghề, những người theo ngành kỹ thuật biết đến cuộc thi. Nếu đoạt giải thì đó không chỉ là niềm vui của cá nhân tôi mà còn là động lực để sinh viên của tôi tự tin khi theo đuổi nghề nghiệp” - thầy Chung chia sẻ.
Cũng theo thầy Chung, hiện nhiều người vẫn nghĩ các thiết bị của ngành tự động hóa đều phải nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, nhân lực trong nước cũng có thể làm được. Việc sản xuất một dây chuyền tự động là khó khả thi trong điều kiện hiện tại nhưng các doanh nghiệp, lao động kỹ thuật trong nước có thể sản xuất, cải tiến các công đoạn nhỏ trong một dây chuyền. Ngay cả các dây chuyền sản xuất hiện đại vẫn có những công đoạn chưa phù hợp và có thể cải tiến để hoàn thiện hơn. Đây chính là “ngách” mà nhân lực kỹ thuật của chúng ta có thể làm được.
Hoàng Giang