Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy ô tô khi đang lưu thông trên đường gây thiệt hại lớn về tài sản. Mặc dù, không có thiệt hại về người nhưng các vụ cháy xe đã dấy lên lo ngại về sự mất an toàn khi các phương tiện giao thông di chuyển trên đường.
Cháy xe ô tô tải trên đường cao tốc TP.HCM
- Long Thành - Dầu Giây)
Nhiều thiệt hại do cháy xe gây ra
Việc cháy xe ô tô thường gây thiệt hại lớn về tài sản cho chủ phương tiện cũng như gây nguy cơ cháy lan sang các xe khác nếu không được dập tắt kịp thời. Vì bên trong xe thường chở hàng hóa với số lượng lớn dễ gây hỏa hoạn nên xe cháy rất nhanh, khi dập được lửa thì chiếc xe cũng đã cháy trụi. Trường hợp xe chở hóa chất dạng lỏng dễ bắt lửa thì ngọn lửa lan nhanh hơn nên rất nguy hiểm.
Vào khoảng 14 giờ ngày 17-10, xe container chở hàng lưu thông trên quốc lộ 1 hướng Nam - Bắc. Khi di chuyển đến địa phận P.Suối Tre (TP.Long Khánh), xe container bất ngờ phát hỏa ở phần cabin. Phát hiện, tài xế tấp xe vào lề rồi hô hoán nhờ người dân dập lửa nhưng bất thành. Trong phút chốc, ngọn lửa bao trùm cả đầu xe. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Long Khánh đã có mặt tại hiện trường. Khoảng hơn 10 phút sau đó, ngọn lửa được dập tắt, nhưng phần đầu xe đã cháy rụi, trơ khung sắt. May mắn vụ việc không gây thiệt hại về người.
Ngày 18-8, đại diện Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE, đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) cho biết, vào khoảng 10 giờ cùng ngày, tài xế Phan Văn Thêm (quê tỉnh Tiền Giang) điều khiển xe tải thùng biển số 50H-021.99 chở hoa quả lưu thông trên tuyến đường cao tốc theo hướng TP.HCM - Long Thành. Khi đến Km20+850 (thuộc địa bàn xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) thì chiếc xe đột nhiên bốc cháy. Ngay sau đó, tài xế đã bình tĩnh điều khiển xe vào làn dừng khẩn cấp và may mắn kịp thoát ra ngoài. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ chiếc xe. Chỉ ít phút sau, xe tải cháy rụi trơ khung.
Đây chỉ là các vụ cháy xe ô tô trong thời gian gần đây. Trước đó, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy phương tiện giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Trong năm 2019, đã xảy ra 7 vụ cháy xe ô tô; trong đó vụ cháy xe 16 chỗ ngày 24-5-2019 tại quốc lộ 20, đoạn qua xã Phú Lợi (H.Định Quán) làm 1 người chết và 2 người bị thương.
Cần chú ý các biện pháp phòng ngừa
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc cháy, nổ xe xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Kết quả trưng cầu giám định các vụ cháy xe thời gian qua cho thấy, khoảng 50% trường hợp là do sự cố về điện, 20% do sự cố về kỹ thuật, 15% do rơm rạ cuốn vào gầm xe tiếp xúc với ống xả. Đa số vụ cháy, nổ từng xảy ra trong khi phương tiện đang lưu thông nên nguy hiểm càng nhân lên gấp bội, nhất là khi trên đường có nhiều người và phương tiện cùng di chuyển.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, qua kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy, việc lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy xe. Do các thiết bị này nằm ngoài sự kiểm soát của xe, dẫn đến quá tải cho hệ thống điện, gây ra cháy, nổ. Bên cạnh đó, hệ thống dây dẫn đến các loại thiết bị chế thêm cũng gây quá tải hệ thống điện, dễ chập, cháy.
Ngoài ra, tình trạng xe cũ, sử dụng lâu năm và những xe hoạt động với cường độ lớn gây ra quá trình phát sinh nhiệt, hệ thống rò rỉ nhiên liệu, hệ thống ống xả không kín cũng gây cháy, nổ. Việc xe không được kiểm định, bảo dưỡng thường xuyên khiến các bộ phận xuống cấp hoặc quá tải nhiệt khi vận hành, cộng hưởng thời tiết nắng nóng, các chất này rất dễ bén lửa.
Thiếu tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết thêm, một nguyên nhân khác dễ dẫn đến cháy, nổ phương tiện giao thông là việc sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) giả, kém chất lượng. Các loại dung môi, hóa chất pha vào xăng vô tình tạo nên hỗn hợp khí dễ cháy, nổ khi gặp nguồn nhiệt cao.
Do đó, chủ xe cần phải biết cách bảo dưỡng, chăm sóc để hạn chế tình trạng này. Thêm nữa, việc cháy, nổ không riêng gì ô tô, xe khách, mà ngay cả xe máy nếu không chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ cũng dẫn đến cháy, nổ. Khi đang lái xe mà phát hiện có lửa, mùi khói, người cầm lái nhanh chóng điều khiển cho xe dừng lại ở lề đường. Người trong xe khẩn trương thoát ra ngoài, sau đó dùng các thiết bị chữa cháy để xử lý hoặc gọi ngay cho cơ quan chức năng đến hỗ trợ.
Cục Ðăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, người điều khiển phương tiện cần thận trọng khi chở hàng hóa, phải bảo đảm không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy; kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng; hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao; sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại các cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp; không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc.
Lệ Thu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập