Trong các tuần học thứ 9, 10, 11, học sinh từ lớp 4 trở lên sẽ kiểm tra giữa học kỳ 1. Đây là lần đầu tiên học sinh toàn tỉnh phải làm bài kiểm tra online. Tùy theo tình hình thực tế, mỗi trường có cách thức tổ chức kiểm tra phù hợp nhằm giảm áp lực cho học sinh.
Hình thức kiểm tra trắc nghiệm được đa số các trường ưu tiên lựa chọn nhiều hơn so với kiểm tra tự luận.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học online
* Không gây căng thẳng cho học sinh
Học online, kiểm tra online đã trở thành áp lực với không ít học sinh. Điều này càng đúng đối với học sinh lớp 6 khi đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với rất nhiều thay đổi.
Nội dung kiến thức lớp 6 theo chương trình GDPT mới nặng hơn chương trình cũ. Đó là nhận định của nhiều giáo viên đang trực tiếp dạy học lớp 6, đặc biệt là môn Ngữ văn.
Để giảm áp lực thi cử cho học sinh, đa số nhà trường, giáo viên chọn phương án “giới hạn kiến thức trọng tâm”, không bắt học sinh phải ôn quá nhiều bài, giúp các em vượt qua kỳ kiểm tra một cách nhẹ nhàng. Tuy vậy, giáo viên được khuyến khích ra các câu hỏi mới, sáng tạo để hạn chế học sinh tra cứu mạng trong quá trình làm bài kiểm tra.
Bên cạnh đó, tùy theo môn học, nhà trường có thể đưa ra hình thức kiểm tra linh động để đánh giá sát nhất năng lực của học sinh. Chẳng hạn, các môn như: âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, công nghệ thì có thể cho làm các sản phẩm thông qua các dự án học tập.
Tại Trường THCS Quang Trung (TT.Tân Phú, H.Tân Phú), nhà trường đã quyết định cho học sinh kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm ở tất cả các môn. Trong đó, thời gian làm bài kiểm tra rút ngắn còn 60 phút thay vì 90 phút như thông thường. Đề kiểm tra môn Ngữ văn sẽ gồm 40 câu, đảm bảo chia làm 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng sáng tạo.
Trong khi đó, Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã yêu cầu giáo viên soạn giảng phải đảm bảo 60-70% lượng kiến thức trọng tâm để không tạo áp lực cho học sinh trong quá trình học. Trên cơ sở đó, việc kiểm tra cũng sẽ nhẹ nhàng.
Đối với bậc tiểu học, theo quy định thì chỉ có học sinh lớp 4, 5 phải làm bài kiểm tra giữa học kỳ đối với 2 môn: Toán, Tiếng Việt. Việc tổ chức kiểm tra do nhà trường chủ động. Do đó, giáo viên có thể linh hoạt về thời gian.
* Lựa chọn nền tảng hỗ trợ kiểm tra online phù hợp
Trong khi đó, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) đã chuẩn bị phương án kiểm tra online trên nhiều ứng dụng, tùy theo giáo viên và tùy theo đặc thù môn học. Theo đó, giáo viên có thể lựa chọn kiểm tra trên các ứng dụng: Azota, Google Forms, Quizizz. Hình thức kiểm tra cũng đa dạng, có hình thức tự luận, trắc nghiệm và kết hợp vừa tự luận, vừa trắc nghiệm.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng còn yêu cầu học sinh phải có thêm thiết bị có kết nối camera để giám sát quá trình làm bài kiểm tra. Như vậy, ngoài 1 camera trên thiết bị làm bài quay rõ hình ảnh học sinh và bài kiểm tra (đối với tự luận trên giấy), học sinh còn phải có 1 thiết bị có camera khác để quay rõ toàn cảnh, trong đó phải thấy được màn hình thiết bị thi (điện thoại hoặc máy tính). Đây là giải pháp nhằm đảm bảo kết quả bài thi là trung thực, khách quan, công bằng, chính xác. Đối với những học sinh không có đủ 2 thiết bị có camera, nhà trường tổ chức đợt kiểm tra sau, thậm chí có thể kiểm tra vào buổi tối để học sinh mượn thêm thiết bị.
“Mặc dù lên phương án như vậy nhưng nhà trường chưa thực hiện vì còn nhiều khó khăn. Hiện nay, học sinh THPT đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 và có khả năng được quay trở lại trường học. Vì vậy, chúng tôi sẽ dời lại, đợi các em đi học tại trường rồi sẽ ôn tập, củng cố kiến thức cho các em sau đó mới tổ chức kiểm tra” - thầy Nguyễn Quang Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.
Thực hiện theo đúng tiến độ năm học, trong tuần học thứ 9, 10 (từ ngày 8-11), Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) tổ chức kiểm tra giữa học kỳ 1. Thầy Nguyễn Thế Mạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc kiểm tra được thực hiện theo Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30-3-2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên và theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế của trường.
Theo đó, Trường THPT Trấn Biên ra đề kiểm tra chung 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh cho cả 3 khối lớp. Đề kiểm tra các môn còn lại do giáo viên chủ động nhưng phải tổ chức thi cùng thời điểm. Ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Trường THPT Trấn Biên chọn ứng dụng Azota để tổ chức kiểm tra online. Học sinh làm bài và nộp bài trực tiếp trên ứng dụng này. Ưu điểm của ứng dụng là trang web có thể chạy được trên cả điện thoại thông minh, máy tính. Khi học sinh đang làm bài trong ứng dụng Azota để làm bài thi mà mở 1 trang web khác (trên cùng thiết bị) thì hệ thống sẽ ghi nhận lại được. Điều này có thể làm giảm khả năng “quay cóp” của học sinh.
Hoàng Giang