Ngành dịch vụ thời “hậu giãn cách”: Linh hoạt để thích ứng

Thứ hai - 15/11/2021 10:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các loại kinh doanh, cửa hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ… cần xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, cũng như chủ động thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.

dc s-161121.jpg?t=1753174688
Khách hàng đến tập luyện tại trung tâm Fitness and Yoga Vũ Lê (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) được yêu cầu tuân thủ giãn cách, nguyên tắc 5K…

Đảm bảo nguồn nhân sự

Nhiều chuỗi cửa hàng, trung tâm dịch vụ hiện nay đang chủ động về nguồn nhân sự, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới, nhất là vào giai đoạn cuối năm.

Anh Lê Văn Hoàng, đại diện trung tâm Fitness and Yoga Vũ Lê (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, sau thời gian dài hoạt động, lượng khách đến trung tâm mới chỉ đạt khoảng 20-30% so với trước dịch. Trung tâm đã quay trở lại khung giờ mở cửa ổn định như trước đây, cũng như tuân thủ các quy định 5K, giãn cách…

“Dự kiến khi tình hình ổn định hơn, trung tâm sẽ đẩy mạnh các chương trình kích cầu dành cho khách hàng, cũng như đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá, marketing trên Facebook. Bên cạnh đó, hiện nay, trung tâm đã chủ động được nguồn nhân sự, đội ngũ huấn luyện viên, người hướng dẫn của trung tâm đã được tập hợp trở lại đầy đủ để sẵn sàng hỗ trợ người tập trong điều kiện tình hình mới” - anh Hoàng chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng còn đẩy mạnh các ứng dụng đặt hàng trực tuyến, khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng ứng dụng trên điện thoại với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Chị Cao Nguyễn Hoàng Thy, cửa hàng trưởng cửa hàng Laha Cafe trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, sau khi được phép mở bán trở lại, cửa hàng còn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có triển khai khai báo y tế bằng mã QR. Đồng thời, cửa hàng còn đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trên ứng dụng trực tuyến, khuyến khích khách hàng thanh toán bằng ví điện tử…

Linh động các phương thức trực tuyến

Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 trong lĩnh vực vận tải, du lịch, du lịch... cần tính toán các phương án tài chính phù hợp, trong đó có thể điều tiết, giảm tỷ lệ các khoản chi phí cố định và tăng các khoản chi phí biến đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng bán lẻ, dịch vụ cần có sự chuẩn bị, kịch bản ứng phó trước những rủi ro và chủ động đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc kinh doanh mới có thể tồn tại, phát triển. Trong đó, ứng dụng công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ… nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra dấu ấn riêng và bắt kịp những xu hướng tiêu dùng, bán lẻ hiện đại.

Chị Mai Thảo, chủ và đồng thời là giáo viên dạy yoga tại Trung tâm yoga T&T Biên Hòa (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, mặc dù các phòng tập thể dục, thể thao đã được hoạt động trở lại nhưng vì an toàn sức khỏe nên trung tâm của chị vẫn tạm ngưng hoạt động cho đến hết tháng 11. Kể từ tháng 8 vừa qua, để thích ứng linh hoạt với dịch, chị đã đẩy mạnh việc dạy yoga trực tuyến thông qua phần mềm Meet Google. Ngay khi trung tâm chuyển qua hình thức dạy online, có rất đông học viên đăng ký tham gia. Hiện mỗi ngày trung tâm dạy 3 lớp với khoảng 60 học viên, với mức học phí 250 ngàn đồng/tháng/học viên.

“Dạy yoga online có những ưu thế như chủ động về mặt thời gian, không gian nhưng cũng có bất cập khi đường truyền internet bị gián đoạn khiến nhiều người chờ đợi, các động tác, tư thế trong bài tập phải lặp đi lặp lại nhiều lần mới hoàn chỉnh... Mục đích của các lớp học online là tạo động lực để học viên duy trì thói quen tập luyện trong mùa dịch nhằm nâng cao sức khỏe, giúp tinh thần minh mẫn, giảm căng thẳng trong mùa dịch. Do đó, mức học phí như trên vừa ưu đãi, vừa chia sẻ đến các hội viên chứ không có doanh thu bởi chị còn phải trả chi phí nhân sự và mua sắm các thiết bị công nghệ để tương tác, dạy trực tuyến trên các nhóm học...” - chị Thảo chia sẻ.

                                                                                            Phan Anh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây