Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, một số hành vi được coi là tội phạm nhưng để khởi tố vụ án hình sự cần phải có đơn đề nghị của bị hại, nạn nhân của vụ việc đó. Đơn cử như tội cố ý gây thương tích. Đây cũng là vấn đề gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi tiếp nhận và giải quyết các vụ việc này.
Hình ảnh một số đối tượng tham gia vụ ẩu đả tại TP.Long Khánh vào giữa
năm 2021
Theo Công an tỉnh, trong thời gian qua, quá trình điều tra xác minh, giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là án xâm phạm nhân thân như cố ý gây thương tích gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong đó, ngoài yếu tố khách quan như: việc đối tượng gây án bỏ trốn không xác minh được thì yếu tố chủ quan là việc bị hại không hợp tác, thương lượng với đối tượng gây án, từ chối giám định thương tật..., đã gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.
Vướng mắc trong điều tra các vụ cố ý gây thương tích
Công an một số địa phương cho biết, thường sau các vụ cố ý gây thương tích, đối tượng gây án sẽ tìm cách tiếp cận bị hại để thương lượng, bồi thường nhằm thoát tội. Đặc biệt, có cả những trường hợp đối tượng tìm cách đe dọa nếu bị hại làm đơn yêu cầu cơ quan công an xử lý vụ án. Một khi bị hại đã có thỏa thuận với đối tượng gây án để tự giải quyết thì cơ quan điều tra rất khó để củng cố hồ sơ xử lý.
Điển hình như vụ ẩu đả xảy ra tại P.Xuân An (TP.Long Khánh) vào ngày 10-1 khiến anh T.D.C. (32 tuổi, ngụ TP.Long Khánh) bị thương phải nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó vụ án đã phải đình chỉ điều tra vì bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố.
Theo điều tra của cơ quan công an, vào thời điểm trên, Lê Khôi (28 tuổi, ngụ TP.Long Khánh) cùng 5 đối tượng khác ăn nhậu tại một quán nhậu ở P.Xuân An thì xảy ra mâu thuẫn với anh C. Sau đó, Khôi cùng các đối tượng xông vào dùng ghế, gạch, mũ bảo hiểm đánh đập anh C. phải nhập viện cấp cứu. Sau khi vào cuộc điều tra, Công an TP.Long Khánh đã bắt giữ tất cả các đối tượng này để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, phía bị hại đã rút đơn yêu cầu khởi tố nên buộc cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra vụ án hình sự theo quy định pháp luật.
Thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với 32 vụ cố ý gây thương tích do bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố được quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong đó, TP.Biên Hòa là địa phương có số vụ phải đình chỉ nhiều nhất với 17 vụ.
Trao đổi về nội dung này, Thượng tá Nguyễn Anh Hiển, Phó trưởng Công an H.Long Thành cho biết, thường sau những vụ cố ý gây thương tích giữa đối tượng gây án và bị hại sẽ có trao đổi để bồi thường thiệt hại. Đi kèm với đó là những thương lượng để bị hại không làm đơn trình báo hoặc không tố cáo hành vi của đối tượng gây án. Trong khi đó, theo quy định của luật, để khởi tố hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra phải có đơn tố cáo, đề nghị khởi tố từ phía bị hại. Không những thế, có trường hợp bị hại còn tìm cách lẩn trốn cơ quan chức năng khiến cho công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Phải có giải pháp để tránh bỏ lọt tội phạm
Theo quy định của pháp luật, điều kiện đủ để khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích phải có kết quả giám định thương tật của nạn nhân. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ án này, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn trong việc củng cố hồ sơ do bị hại từ chối giám định, rút đơn yêu cầu khởi tố dẫn đến phải đình chỉ vụ án.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, cơ quan điều tra cũng đã trao đổi với Viện kiểm sát có giải pháp phù hợp để giải quyết các vụ việc theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo việc phòng ngừa, răn đe đối với tội phạm.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh: “Những vụ việc các đối tượng lập băng nhóm, cầm mã tấu đi chém nhau rần rần nhưng không xử lý được thì nhân dân sẽ nghĩ thế nào về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Chính vì vậy, trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ án liên quan đến an ninh trật tự, nhất là những vụ ẩu đả, cố ý gây thương tích, cơ quan công an sẽ tập trung củng cố hồ sơ, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Mục tiêu chính là đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015... và các thông tư hướng dẫn liên quan trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cho phù hợp với thực tế.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, đối với những loại tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người dân như cố ý gây thương tích, nhưng bị hại từ chối giám định, thỏa hiệp với đối tượng để giải quyết vụ việc thì các cơ quan tố tụng cũng cần phải nghiên cứu, tính toán để có giải pháp đấu tranh, xử lý nhằm giáo dục, răn đe.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, những vụ ẩu đả, cố ý gây thương tích thường gây ra những tác động tiêu cực đến an ninh trật tự, gây hoang mang cho dư luận. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng không xử lý được thường dễ gây bức xúc cho nhiều người dân. Vì vậy, quá trình điều tra các vụ án, cơ quan chức năng phải dự liệu được các tình huống có thể xảy ra như: đối tượng mua chuộc, ép buộc, hù dọa nạn nhân “xóa án” để có giải pháp đấu tranh ngay từ đầu.
Hà Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập