Cú “sốc” tăng giá với ngành thức ăn chăn nuôi

Thứ tư - 17/11/2021 10:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Vấn đề thời sự “nóng” luôn được người chăn nuôi quan tâm trong nhiều tháng trở lại đây là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cả doanh nghiệp và người chăn nuôi đều điêu đứng trước cú “sốc” tăng giá với mức tăng quá cao như hiện nay vì đây là nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi hình thành mặt bằng mới.

Đây là khó khăn, thách thức lớn với ngành chăn nuôi vì chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi lại giảm mạnh.

th1-171121.jpg?t=1752814360​Giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang khiến người chăn nuôi lo lắng. Một Trại heo ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Phan Anh

Đội giá thành sản xuất

Thời gian các tỉnh, thành thực hiện giãn cánh phòng, chống dịch Covid-19, giá gà công nghiệp từng rớt xuống còn 6-7 ngàn đồng/kg, giá heo hơi chỉ còn hơn 30 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất hàng chục ngàn đồng/kg. Sau thời gian giãn cách do dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục, người chăn nuôi chưa kịp vui khi giá heo, gà tăng lên so với trước thì đã đối mặt với nỗi lo giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào khác tiếp tục leo thang. Người chăn nuôi vẫn chưa thoát được cảnh thua lỗ mà nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến giá thành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi hình thành mặt bằng giá mới.

Theo tính toán của người chăn nuôi thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, bởi đây là yếu tố chiếm tới 65-70% trên tổng chi phí. Giá thức ăn chăn nuôi cùng những chi phí đầu vào khác đều tăng cao khiến giá thành sản xuất trong chăn nuôi đã hình thành lên mặt bằng giá mới với mức tăng hơn rất nhiều so với trước.

Ông Phạm Minh Đạo, chủ trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) lo lắng, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng mặt hàng thức ăn chăn nuôi có loại tăng giá cả chục lần tương đương mức tăng từ 30-40% so với năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính khiến giá thành chăn nuôi heo đội lên rất cao so với trước. Ông Đạo so sánh: “Trước đây, giá thành sản xuất 1kg heo hơi khi người chăn nuôi chủ động sản xuất được con giống chỉ hơn 40 ngàn đồng/kg. Hiện nay, nhiều trại chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi buộc phải mua con giống bên ngoài với giá cao, cộng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao chưa từng có như thời gian gần đây khiến giá thành sản xuất lên đến 60-65 ngàn đồng/kg heo hơi, cao hơn rất nhiều so với vài năm trước đó”.

Ngay cả doanh nghiệp lớn cũng rất khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi đội lên cao trong khi giá heo hơi giảm rất thấp trong suốt nhiều tháng qua. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam (tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện các sản phẩm từ heo, thịt gia cầm, trứng đều đang thấp hơn giá thành sản xuất. Trong đó, giá thức ăn gia súc tăng hơn 30%, tương lai còn có thể kéo dài tình trạng không giảm. Giá nhân công, đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh…đều tăng trong khi sức mua của thị trường vẫn yếu. Việc tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi đều đang lỗ, giá bán thấp hơn giá thành, nghĩa là doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề.

th2-171121.jpg?t=1752814360
Người chăn nuôi mua bắp nhập khẩu tại đại lý thức ăn chăn nuôi ở huyện Thống Nhất. Ảnh: Phan Anh

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Tuy là nước có ngành chăn nuôi phát triển mạnh nhưng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao có nguyên nhân hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn, chi phí đội lên cao do ảnh hưởng dịch Covid-19.

TS. Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật Tập Đoàn Olmix (Pháp) phân tích, có 3 nhóm lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trên toàn cầu. Đầu tiên là do nguồn nguyên liệu dự trữ bị sụt giảm rất lớn; ví dụ như bắp giảm 30%, lúa mì giảm 22%... Nguyên nhân giảm nguồn nguyên liệu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến trồng trọt, cụ thể là hạn hán ở Mỹ, Nga, Brazil và lũ lụt ở Trung Quốc, Pháp. Yếu tố thứ 2 khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là do chi phí vận chuyển tăng cao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thứ 3 là nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của nhiều nước rất lớn. Cụ thể như Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của họ trong những tháng đầu năm tăng gấp nhiều lần.

Tại buổi đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, hiện nông dân, doanh nghiệp đều quan tâm đến câu chuyện đầu vào trong sản xuất từ vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, bao bì... đều tăng giá. Nguyên nhân chuỗi toàn cầu bị đứt gãy và đây là cú sốc tăng giá thế giới. Và cú sốc này càng cho thấy rõ nền nông nghiệp của Việt Nam tính tự chủ chưa cao, lệ thuộc rất nhiều vào nước ngoài vì 50-60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là nhập khẩu, thậm chí có nguyên liệu nhập đến 70-80%.  

                                                                                                    Phan Anh

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Việt Nam tự hào là một đất nước nông nghiệp, ngô và đậu tương có thể sản xuất trong nước nhưng tại sao mỗi năm vẫn phải chi hàng tỷ đô la để nhập khẩu về làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Khi cử tri đặt ra vấn đề này khiến cho chúng ta - những người làm nông nghiệp phải suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết, cái gì thoát ra được thì sẽ thoát ra còn cái gì không thoát ra được thì phải chấp nhận và tìm cách để thích nghi”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây