Cần thêm sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Thứ hai - 15/11/2021 14:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Vào cuối tháng 10-2021, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị này, đại diện nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa đã kiến nghị nhiều ý kiến đến ngành Ngân hàng, đặc biệt là mong muốn sớm tiếp cận nguồn vốn vay từ các chương trình hỗ trợ tín của các ngân hàng; xem xét, thẩm định về thủ tục, điều kiện cho vay, tiêu chí để chứng minh thiệt hại do dịch bệnh một cách phù hợp và đảm bảo các quy định…
15.11-Cần thêm sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.jpg
Ngành Ngân hàng trong tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa
Nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Tạ Thành Long, trong thời gian qua, chi nhánh đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng, tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do tác động của dịch Covid-19, triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho DN.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã tập trung triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đại diện NHNN chi nhánh Đồng Nai, nhiều gói hỗ trợ tín dụng đang được triển khai trên trên toàn hệ thống và tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, hệ thống Agribank triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất dành cho đối tượng khách hàng vay vốn là tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng là DN nhỏ và vừa…  
Gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ khách hàng DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 của các chi nhánh BIDV trên địa bàn từ quy mô gói 30 ngàn tỷ của toàn hệ thống BIDV, với lãi suất thấp hơn lãi suất vay thông thường từ 1-1,5%; gói tín dụng trung dài hạn lãi suất ưu đãi khách hàng DN có hiệu lực đến 31-12-2021 cũng như các gói tín dụng hỗ trợ theo các đối tượng khách hàng khác.  
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) chi nhánh Đồng Nai triển khai gói giải ngân mới với lãi suất giải ngân ưu đãi từ 5-7%/năm đối với khoản vay VNĐ và từ 2,5-3%/năm đối với khoản vay USD cho khách hàng DN hiện hữu và cho vay ưu đãi đối với khách hàng mới. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh Đồng Nai triển khai gói giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 0,1-3% từ ngày 1-8 đến 31-12-2021…
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết DN, việc cách ly y tế, giãn cách xã hội khiến số DN phải tạm ngừng hoạt động tăng cao, nhiều lao động phải ngừng việc. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 và Quyết định số 23/QĐ-CP ngày 7-7-2021 quy định các DN sẽ được vay vốn với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trả lương ngừng việc cho người lao động và vay vốn trả lương khi phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam kiêm Giám đốc NHCSXH chi nhánh Đồng Nai, tính đến ngày 25-10, NHCSXH chi nhánh Đồng Nai đã thực hiện rà soát hơn 2,7 ngàn DN, đơn vị trên địa bàn tỉnh và có 43 DN, đơn vị có nhu cầu vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho trên 10,5 ngàn người lao động với số tiền đề nghị vay khoảng 49,1 tỷ đồng. Chi nhánh đã nhận tái cấp vốn từ trung ương và giải ngân cho 21 DN, tổ chức với hơn 2,8 ngàn lượt lao động với số tiền vay hơn 10,8 tỷ đồng.
DN ngóng nguồn vốn vay  
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã tạo nên sự xáo trộn lớn và có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó khu vực DN nhỏ và vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, số DN này hiện chiếm tới 96% tổng số DN của Đồng Nai.
Dù đánh giá các chính sách là cần thiết, hữu ích, nhưng theo các DN thì vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống, từ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng, cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện; gia hạn đóng thuế thu nhập DN, giá trị gia tăng…
Thực tế, khi hoạt động trở lại, DN trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hồ Quốc Thái, đại diện Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Lương Gia cho biết DN đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP.Long Khánh và H.Nhơn Trạch. Dịch Covid-19 tác động khiến đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Số lượng lao động của DN tại 2 nhà máy là 700 người, các chi phí để vận hành sản xuất, trả lương cho người lao động cũng như xuất khẩu hàng hóa đi đang là vấn đề đau đầu của DN.
Ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai cho hay, sản xuất trong tình hình dịch bệnh, đầu ra gặp nhiều khó khăn, hạn chế kéo theo các rủi ro về dòng tiền, DN có nhu cầu vốn để duy trì sản xuất và tăng trưởng sau dịch. Các chính sách về vay vốn về cơ bản tốt, phù hợp nhưng thực tế ít DN tiếp cận được.
“Nhiều DN chưa được giải quyết kịp thời về nguồn vốn vay, họ phải tự bươn chải nguồn vốn bên ngoài. Mặc dù có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nhưng thực tế xét duyệt rất chậm hoặc rất khó khăn, những điều kiện đưa vào nhiều nên hy vọng vay vốn lại càng khó. Chúng tôi đề nghị làm sao đó quyền của chi nhành ngân hàng ở địa phương đủ lớn để có thể xét duyệt nhanh được, tùy tình hình thực tế của địa phương, của DN” - ông Hà bày tỏ.
Vi Quân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây