Gỡ khó cho công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội pham

Thứ ba - 16/11/2021 09:08
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là những khâu quan trọng bước đầu trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật của các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua hoạt động tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm tại địa bàn cơ sở gặp một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ.

2-16-11-2021-nam.jpg?t=1753174688
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra hồ sơ tiếp nhận tin báo,tố giác tội phạm tai Công an H.Long Thành

Quy định thời gian tiếp nhận ban đầu quá ngắn

Một trong những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong khâu tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đó là quy định về thời gian giải quyết tin báo của lực lượng công an xã.

Cụ thể, tại Điều 8, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29-12-2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là còn quá ngắn. Theo đó thông tư quy định thời hạn tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo tố giác về tội phạm của lực lượng công an cấp xã là 24 giờ (trừ các trường hợp quả tang, đầu thú, một số vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc dư luận... cần phải chuyển ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra).

Nói về vấn đề này, Thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng Công an H.Xuân Lộc cho rằng, quy định thời gian tiếp nhận tin báo của công an cấp xã như vậy là quá ngắn. Trên thực tế, có nhiều vụ việc như: đánh bạc, gây rối, cố ý gây thương tích... có hàng chục đối tượng phải lập hồ sơ, xử lý với khối lượng công việc ban đầu là rất lớn. Tuy nhiên, việc phải lập hồ sơ ban đầu trong 24 giờ sẽ gây một áp lực rất lớn cho lực lượng công an cơ sở. Bên cạnh đó, còn có những vụ việc phức tạp vừa dân sự, vừa hình sự phải mất hàng tuần, có khi hàng tháng Công an xã mới xác minh được thông tin đối tượng. Đến khi hồ sơ được lập chuyển lên cấp huyện thì đã quá hạn so với quy định.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh, hiện ngành công an đã có chủ trương đưa lực lượng công an chính quy về xã. Thời gian tới công an xã sẽ tiếp tục được bổ sung đội ngũ cán bộ chính quy để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, với những quy định hiện hành của luật sẽ bỏ phí một nguồn nhân lực lớn tại cơ sở để giải quyết việc tiếp nhận tin báo. Ngược lại việc giải quyết tin báo từ cơ sở không được đầu tư thời gian, công sức sẽ tạo áp lực cho lực lượng công an cấp huyện.

Trước những vấn đề còn bất cập, theo các cơ quan chức năng cần phải có kiến nghị để tháo gỡ khó khăn. Trong đó quan trọng nhất là sửa đổi các quy định trong các điều khoản của luật, thông tư liên quan.

Ngoài ra, Đại tá Lê Quang Nhân, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian tới, công an xã sẽ có từ 10-15 đồng chí công an chính quy. Với sự tăng cường này sẽ phát huy vai trò của lực lượng công an cơ sở trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Nếu xã làm tốt công tác tiếp nhận tin báo thì khi hồ sơ gửi lên cho cấp huyện sẽ nhanh hơn.

Áp dụng biện pháp tại ngoại, dễ gây bức xúc dư luận

Tương tự, công tác kiến nghị khởi tố cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc giải quyết xử lý các vụ vi phạm pháp luật đối với loại tội phạm nghiêm trọng và ít nghiêm trọng.

Cụ thể, theo các cơ quan chức năng, căn cứ vào Điều 119, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các loại tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng không áp dụng biện pháp tạm giam trong quá trình điều tra (chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt như: khung hình phạt trên 2 năm, đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vẫn vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng...).

Nói về quy định này, Thượng tá Nguyễn Anh Hiển, Phó trưởng Công an H.Long Thành cho biết, căn cứ theo quy định của luật, những loại tội phạm ít nghiêm trọng như: tội đánh bạc, cố ý gây thương tích... quá trình điều tra không bắt tạm giam mà cho về nhà (thực chất là cho tại ngoại để điều tra). Tuy nhiên, một số người dân thấy vậy lại cho rằng, công an giải quyết không nghiêm, từ đó gây bức xúc trong dư luận.

Đặc biệt, đối với một số vụ cố ý gây thương tích, sau khi triệu tập đối tượng lấy lời khai, củng cố hồ sơ, công an cho tại ngoại để điều tra. Tuy nhiên, nhiều người dân không nắm được quy định pháp luật lại cho rằng, công an đang “nương tay” với tội phạm.

Ở góc độ công an cơ sở, Thiếu tá Cao Nhật Tân, Phó trưởng Công an TT.Long Thành (H.Long Thành) cho biết, thường các đối tượng cờ bạc, tụ tập gây rối, đánh nhau phần lớn là đối tượng có liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, khi bị bắt xử lý trong các vụ việc ít nghiêm trọng, đối tượng lại được cho tại ngoại nên sẽ gây bức xúc cho nhiều người dân. Ngoài ra còn có tình trạng, sau khi gây án, các đối tượng tìm cách dàn xếp với bị hại để tránh việc bị xử lý hình sự. Đây là một thực tế gây không ít khó khăn cho lực lượng công an cũng như gây bức xúc cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, quá trình điều tra gặp các trường hợp tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng nhưng đó là những loại tội phạm mang tính chất băng nhóm, tội phạm có liên quan hoạt động ma túy thì cơ quan công an phải trao đổi với viện kiểm sát để có hướng xử lý phù hợp để giáo dục, răn đe. Không để tình trạng các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, gây hoang mang dư luận nhưng không có cách giải quyết.

Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho rằng, trước những bất cập nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền cần kiến nghị để sửa đổi quy định pháp luật. Đặc biệt, đối với những đối tượng đã có tiền án, tiền sự, nếu vi phạm pháp luật dù là tội ít nghiêm trọng cũng phải kiến nghị áp dụng biện pháp tạm giam để giáo dục, răn đe, tránh tình trạng vụ việc gây bức xúc dư luận.

Tùng Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây