Chăn nuôi theo nhu cầu thị trường

Thứ sáu - 12/11/2021 09:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá heo hơi liên tục biến động theo chiều tăng dần đều. Hiện giá heo hơi đang ở mức từ 46-50 ngàn đồng/kg, tăng hơn cả 10 ngàn đồng/kg so với đầu tháng trước.

Heo hơi tăng giá là dấu hiệu tốt khuyến khích người nuôi heo tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên theo đà tăng của giá heo hơi, giá heo con giống, heo hậu bị cũng tăng rất cao. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào khác cũng tăng cao, người chăn nuôi cần tính toán chặt chẽ hơn trong đầu tư dựa trên dự báo về nhu cầu thị trường để hạn chế rủi ro.

4.1-12-11-2021-tan Giết mổ.jpg?t=1752814360 
Thị trường tiêu thụ thịt heo vẫn chậm do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ảnh: Cơ sở giết mổ tại huyện Trảng Bom. Ảnh: P.A

Sức tiêu thụ vẫn chậm

Sau 1 thời gian dài chạm đáy, giá giá heo hơi đang dần hồi phục. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ thịt heo vẫn chưa như mong đợi. Theo nhiều thương lái, tình hình tiêu thụ, mua bán các sản phẩm chăn nuôi thời gian gần đây có khởi sắc hơn so với giai đoạn thực hiện giãn cách nhưng vẫn chậm hơn nhiều so với ngày thường. Dự báo nhu cầu tiêu thụ của thị trường cần thời gian để khôi phục trở lại trước khó khăn chung do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo đó, người nuôi heo nên cẩn trọng trong bài toán tái đàn, đẩy mạnh đầu tư. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ trang trại chăn nuôi heo ở xã Xuân Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, ngay khi giá heo hơi tăng, giá heo hậu bị, heo con giống lập tức tăng theo. Cụ thể, giá heo con giống trước đây chỉ khoảng 70-80 ngàn đồng/kg thì nay tăng lên từ 100-120 ngàn đồng/kg. Giá heo hậu bị cũng tăng thêm từ 500-1 triệu đồng/con. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mua heo giống với giá cao, chi phí thức ăn chăn nuôi cùng nhiều chi phí khác đều tăng khiến giá thành chăn nuôi 1 kg heo hơi đội lên mức 60 ngàn đồng/kg, thậm chí 65 ngàn đồng/kg. “Giá thành sản xuất 1 kg heo hơi tăng quá cao, trong khi sức tiêu thụ ngoài thị trường chậm, giá heo hơi khó có thể đạt mức tăng đột biến trong thời tới nên trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bên ngoài rất cẩn trọng khi tái đàn trong giai đoạn hiện nay” – ông Trung nói. 

4.2-12-11-2021-tan Heo Trại heo ở huyện Vĩnh Cửu.jpg?t=1752814360
Trại heo ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: P.Anh

Bài toán giảm chi phí

Đầu tư vào chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cả doanh nghiệp và người chăn nuôi đều quan tâm thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí đến sản xuất an toàn như: thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất; áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại; tối ưu hóa quy trình sản xuất để vừa giảm chi phí vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm...

Ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại nuôi heo ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, để tồn tại được trong giai đoạn khó khăn, trang trại chăn nuôi của ông mạnh dạn chuyển đổi từ trại hở sang đầu tư hệ thống chuồng kín, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi để giảm rủi ro dịch bệnh cũng như giảm chi phí chăn nuôi. Ông Đạo cũng làm việc và mua thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy sản xuất chứ không thông qua các đại lý để có mức giá chiết khấu tốt nhất. Tất cả những giải pháp trên nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng áp lực cạnh tranh đang buộc cả người chăn nuôi lẫn doanh nghiệp sản xuất đang nỗ lực chuyên nghiệp hóa trong đầu tư, ai yếu thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Xu thế hiện nay là phải xây dựng các chuỗi liên kết khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Chính khó khăn chung do dịch Covid-19 hiện nay tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nỗ lực hoàn thiện để chuỗi sản xuất khép kín này đạt đến mức hoàn hảo nhất.

Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây