Theo các DN, do chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, thời
gian giãn cách trong nước kéo dài nên khi phục hồi sản xuất, doanh nghiệp (DN)
gặp khó trong khâu vận tải hàng hoá. Giá cước gia tăng ở cả trong nước lẫn vận
chuyển quốc tế đang là bài toán đau đầu của các DN.
Cước vận tải biển tăng cao
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, giá nguyên vật liệu nhập về phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhiều ngành hàng xuất khẩu trong thời gian tăng một phần do giá cước vận tải biển tăng cao, trong đó tăng mạnh nhất đối với thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Giá cước vận tải quốc tế tăng cao là “dư âm” của những tác động từ dịch bệnh Covid-19 từ nhiều tháng trước. Bên cạnh đó, trước đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều DN phải dừng hoạt động hoặc sản xuất gián đoạn nên tỷ lệ lưu hàng nguyên liệu tại cảng tăng cao. Hiện nay, khi hoạt động trở lại, nhiều DN sẽ phải chấp nhận “gánh” thêm các khoản chi phí về lưu kho, bãi, vận chuyển nguồn nguyên liệu còn tồn để kịp thời chuẩn bị cho mùa cao điểm sản xuất cuối năm, giải quyết các đơn hàng bị dồn ứ…
Cục Thống kê Đồng Nai nhận định, điều này có thể dẫn đến tình trạng giá trị sản phẩm xuất khẩu trong 1 container không bằng chi phí thuê và vận chuyển container (giá cước vận tải tới cảng bờ Đông nước Mỹ trong tháng 9 đã lên tới 18-20 ngàn USD/container), từ đó, sản phẩm đội giá thành, mất đi sự cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế; đồng thời, cũng kéo theo sự tăng giá của vận tải trong nước.
Lo ngại nhiều chi phí cộng dồn
Theo dự báo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển trong quý IV-2021 vẫn chưa thể hạ nhiệt do nhu cầu tăng cao. Đây là quý cao điểm xuất hàng đi các nước bán trong dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Cước vận tải quá cao và vận chuyển vẫn chưa thông suốt đang là một trong những thách thức lớn của các DN xuất khẩu trong quý IV, nhất là các DN chịu áp lực tăng tốc để bù lại cho giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua. Giá cước vẫn cao do khan hiếm nguồn cung container rỗng và thiếu hụt nhân công làm việc tại các cảng khiến tắc nghẽn tiếp nhận tàu vào cảng. Dù giá cước một số cảng trong nước có hạ nhiệt ở mức độ nhất định nhưng với cước container đi biển, xuất hàng ra quốc tế vẫn cao.
Một vấn đề nữa, theo nhiều DN có hoạt động xuất, nhập khẩu ở Đồng Nai, họ lo lắng thời gian tới sẽ phải cộng thêm chi phí do việc TP.HCM áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM sẽ áp dụng mức thu 250 ngàn đồng/cont đối với container 20ft, 500 ngàn đồng/cont với container 40ft và 15 ngàn đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Trong khi hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM sẽ áp dụng mức 500 ngàn đồng/cont đối với container 20ft, 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30 ngàn đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Như vậy, DN ở Đồng Nai và các địa phương khác không mở tờ khai ở TP.HCM sẽ chịu chi phí gấp đôi khi tiến hành thu phí, làm giảm đi sức cạnh tranh của DN. Mặc dù hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc thu phí chưa tiến hành, song về lâu dài sẽ tác động và làm gia tăng chi phí sản xuất của DN. Do vậy, các DN mong muốn tỉnh có trao đổi với phía TP.HCM để có thể có được giải pháp hài hòa hơn.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập