Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm cải thiện phúc lợi đối với người lao động (NLĐ); xác định đó là cách để thu hút, giữ chân NLĐ trước thực tế thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông đang diễn ra khá phổ biến.
Thêm phúc lợi để thu hút NLĐ
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp do nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, cần tuyển thêm nhiều lao động và đã triển khai nhiều phương thức tuyển dụng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ghi nhận tại các phiên giao dịch việc làm diễn ra trong thời gian vừa qua, lượng lao động cần tuyển luôn vượt xa so với số lượng NLĐ đến tham gia sàn. Gần đây nhất, tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 163 diễn ra tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vào ngày 11-3, trong khi tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng ký tham gia sàn là hơn 2.200 lao động nhưng chỉ có khoảng 500 lượt NLĐ, học sinh, sinh viên có nhu cầu tìm việc và tìm hiểu thông tin về lao động việc làm tham gia sàn…
Một trong những nguyên nhân của thực tế trên là do những năm gần đây ở hầu hết các tỉnh, thành đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp nên lượng NLĐ nhập cư vào Đồng Nai không còn nhiều như những năm trước. Mặt khác, một số lao động đang làm việc tại Đồng Nai có xu hướng chuyển việc về quê. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới trên địa bàn tỉnh tăng, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu mở rộng quy mô nên luôn cần một lượng lao động lớn.
Do vậy, hiển nhiên những doanh nghiệp nào có chế độ phúc lợi tốt hơn thì sẽ thu hút được nhiều NLĐ hơn. Có thể thấy, tại các điểm đăng tuyển dụng lao động ở các khu công nghiệp, cổng doanh nghiệp, các băng rôn, website tuyển dụng… bên cạnh thông tin về tiền lương, các doanh nghiệp ghi đầy đủ thông tin về các chế độ phúc lợi để thu hút NLĐ.
Các phúc lợi cho NLĐ thường được các doanh nghiệp thực hiện là các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp đối với NLĐ như hỗ trợ tiền sinh hoạt phí, chi phí đi lại, phụ cấp nuôi con nhỏ, nhà ở…; việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ; tặng quà, hỗ trợ tiền cho NLĐ nhân dịp lễ, Tết, sinh nhật, ốm đau; tổ chức cho NLĐ đi tham quan, nghỉ mát. Bên cạnh đó, còn là việc quan tâm hỗ trợ bữa ăn ca đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh để nâng cao sức khỏe cho NLĐ; thực hiện các chế độ khen thưởng tương xứng với kết quả đóng góp của NLĐ; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề…
Thời gian qua, ở nhiều doanh nghiệp, ngoài việc chăm lo phúc lợi cho NLĐ, còn chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ thông qua các công trình phúc lợi tập thể như: xây dựng các khu nhà ở tập thể, nhà trẻ cho con NLĐ, các công trình thể thao như sân bóng chuyền, bóng đá, phòng đọc sách… cho NLĐ. Từ đó, đã góp phần thiết thực giúp giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam (hoạt động trong ngành may mặc, hiện có hơn 1.700 lao động đang làm việc tại các nhà máy trên địa bàn TP. Biên Hòa và huyện Xuân Lộc) Ngô Đức Hoàng cho biết, nhiều năm nay, tình hình quan hệ lao động tại công ty luôn ổn định, hài hòa; NLĐ an tâm gắn bó lâu dài, không có tình trạng nhảy việc. Lý do chính là việc ngoài chi trả đầy đủ, kịp thời tiền lương và các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật, công ty còn hỗ trợ nhiều khoản phụ cấp cho NLĐ như: trợ cấp nhà ở, trợ cấp đi lại, trợ cấp chuyên cần, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao nhằm chăm lo đời sống NLĐ. Đồng thời, kịp thời sẻ chia, hỗ trợ NLĐ trong các trường hợp ốm đau, ma chay, hiếu hỉ; hỗ trợ NLĐ vay vốn; quan tâm giúp đỡ những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo… Hiện tại, mức thu nhập bình quân của NLĐ bao gồm cả lương và các khoản phụ cấp là khoảng 9,7 triệu đồng/người/tháng.
Phúc lợi cho NLĐ, ổn định cho doanh nghiệp
Thực tế, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng thấy được những tác động tích cực của các chế độ phúc lợi dành cho NLĐ đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Thời gian qua, ghi nhận trên địa bàn tỉnh và trên cả nước, dù tình hình quan hệ lao động nhìn chung được đánh giá ổn định, song đã có nhiều vụ đình công, ngừng việc tập thể tại nhiều doanh nghiệp. Trong đó, một trong những nguyên nhân phổ biến là việc doanh nghiệp tự ý cắt giảm phụ cấp, trợ cấp của NLĐ, giảm chế độ phúc lợi cho NLĐ.
Điển hình như vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Lực Quán Việt Nam (KCN Tam Phước, TP. Biên Hòa) diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua. Với lý do sản xuất, kinh doanh của công ty gặp khó khăn và không muốn cắt giảm lương của NLĐ, chủ doanh nghiệp tự cắt giảm các khoản phụ cấp trước đây để thực hiện tăng lương từ tháng 1-2019. Bức xúc trước việc lương có tăng song tổng thu nhập lại không hề tăng, NLĐ đã ngừng việc tập thể. Sự việc đã được đại diện các cơ quan chức năng, tổ chức Công đoàn vào cuộc để tìm giải pháp giải quyết ổn thỏa. Song ít nhiều giảm niềm tin của NLĐ vào nơi mình đã và đang gắn bó.
Trong nhiều lần trao đổi, làm việc với cán bộ Công đoàn các cấp, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng nhấn mạnh, để có chế độ phúc lợi và phúc lợi tốt hơn cho NLĐ, cán bộ Công đoàn, nhất là CĐCS cần tuyên truyền, giải thích cho chủ doanh nghiệp hiểu về tác động của chế độ phúc lợi tới năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, cần kiên trì, khéo léo sử dụng tốt các hình thức, phương pháp thương lượng, thuyết phục để chủ doanh nghiệp hiểu được phúc lợi tốt hơn cho NLĐ chính là góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thảo Lâm
Tác giả: Hồ Thị Thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập