Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nhiều thách thức

Thứ ba - 30/10/2018 23:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

UBND tỉnh vừa có văn bản về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch “Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) công nghệ cao là hướng đi tất yếu nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản, tuy vậy việc thực hiện mục tiêu này cũng sẽ đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức.​

Xây dựng 10 HTXNN ứng dụng công nghệ cao

Ðể đổi mới sản xuất nông nghiệp, việc đẩy mạnh liên kết là một đòi hỏi tất yếu. Chính vì vậy, việc thành lập các HTXNN, Liên hiệp HTXNN kiểu mới được coi là giải pháp trọng tâm gắn kết từng nông hộ nhỏ lẻ thành vùng sản xuất theo chuỗi, có sự tham gia của doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án “Phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTXNN hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”. Ðặc biệt, trong Ðề án này, Chính phủ đã bổ sung nhiệm vụ phát triển HTXNN ứng dụng công nghệ cao đối với các địa phương.


Phần lớn các HTXNN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn ít nên việc xây dựng HTXNN ứng dụng công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh: Nông dân trồng bưởi tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có trên 1.500 HTXNN có ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, trên 30% HTX ứng dụng các công nghệ tin học (4.0), công nghệ sinh học (đặc biệt là công nghệ sản xuất giống, công nghệ sinh học trong việc sản xuất các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, công nghệ vi sinh), công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp… Mỗi tỉnh, thành phố lớn hoặc các địa phương sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển thành lập ít nhất 30 HTXNN ứng dụng công nghệ cao. Các tỉnh, thành phố còn lại mỗi địa phương tối thiểu 15 HTXNN ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp do ứng dụng công nghệ cao lên hơn 2 lần so với so với phương thức sản xuất thông thường…

Nằm trong khuôn khổ đề án trên, Phó chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) Trần Hải Sơn cho biết, Bộ NN-PTNT cũng đã giao chỉ tiêu trực tiếp cho Ðồng Nai tham gia vào quá trình thực hiện đề án. Theo đó, đến năm 2020, Ðồng Nai sẽ phấn đấu thành lập mới thêm 44 HTXNN nhằm nâng tổng số HTXNN trên địa bàn tỉnh lên 180 HTX. Ngoài ra, cũng theo kế hoạch này, đến năm 2020, Ðồng Nai sẽ xây dựng 10 HTXNN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản để từ đó nhân rộng.

Cũng theo ông Sơn, để thực hiện kế hoạch này, hiện đơn vị đang tiến hành khảo sát và lựa chọn các HTX có năng lực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản. Từ đó, sẽ xây dựng kế hoạch triển khai trình UBND phê duyệt thực hiện.

Bài toán khó về vốn và nguồn nhân lực

HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (HTX Xuân Phú), xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc là một trong những HTX đang áp dụng công nghệ cao của Canada trong quy trình chăn nuôi heo sinh sản. Theo Giám đốc HTX Xuân Phú Phan Văn Danh, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng thịt cũng như sự canh tranh gay gắt từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến, việc áp dụng khoa học - công nghệ cao là yếu tố sống còn đối với HTX. Thời gian qua, HTX Xuân Phú đã nhập khẩu con giống chất lượng cao và các thức ăn dinh dưỡng từ Canada về phục vụ đàn heo nái sinh sản. Ngoài ra, toàn bộ quy trình nuôi tại trại của HTX đều sử dụng các phần mềm tiên tiến nhằm tối ưu hóa quá trình nuôi và kiểm soát chặt chất lượng heo giống xuất bán.

Ðể thực hiện được điều này, theo ông Danh, HTX cần nguồn vốn rất lớn để hoạt động. Bởi, không kể chi phí nhập khẩu con giống, thức ăn thì riêng các phần mềm cũng như trang thiết bị phục vụ chăn nuôi cũng rất đắt đỏ. Ngoài ra, để vận hành được công nghệ nuôi tiên tiến này, đội ngũ công nhân tại trang trại phải được đào tạo bài bản. “Nói đến công nghệ cao thì 2 yếu tố hàng đầu là vốn và nhân lực. Vốn để đầu tư thiết bị, công nghệ và nguồn nhân lực để vận hành và sử dụng thiết bị, công nghệ”, ông Danh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Danh, 2 yếu tố nói trên hiện đang là điểm yếu của phần lớn các HTXNN tại Ðồng Nai. Chính vì vậy, việc phát triển các HTXNN ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu thiết yếu nhưng để làm được điều này, Ðồng Nai cũng sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là về nguồn vốn và đội ngũ quản lý HTX.

Cũng thừa nhận gặp khó trong việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông Phùng Thành Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TX. Long Khánh) cho hay, việc ứng dụng công nghệ cao của HTX hiện cũng chỉ mới dừng ở mức trang bị hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trong khi đó, đây mới chỉ là một khâu rất nhỏ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Tâm, cải tiến về giống, quy trình, công nghệ bảo quản nhằm tăng chất lượng sản phẩm mới là những khâu then chốt của ứng dụng công nghệ cao vào thực tế sản xuất của HTX. Tuy nhiên, để làm được điều này cần nguồn vốn rất lớn và những con người biết làm chủ công nghệ. “Với thực tế của HTX hiện nay, ngay cả văn phòng làm việc còn chưa có thì những vấn đề nói trên thực sự là những thách thức mà HTX khó có thể làm nổi”, ông Tâm cho hay.

Ðồng Nai hiện có 136 HTXNN, tuy nhiên, theo ông Trần Hải Sơn, phần lớn các HTX hoạt động có quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, công nghệ sản xuất lạc hậu. Thị trường cho đầu ra đối với sản phẩm của nhiều HTXNN chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ðặc biệt, các HTXNN hoạt động vẫn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm nên chưa có phương thức sản xuất kinh doanh mang tính khả thi, lợi nhuận thấp, không có nguồn vốn tái đầu tư mở rộng kinh doanh, dịch vụ. Do đó, việc phát triển các HTXNN ứng dụng công nghệ cao dù rất cần thiết nhưng dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai.

Quỳnh Nhi

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây