Dù là địa phương chỉ chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở mức trung bình, tuy nhiên những năm qua Đồng Nai vẫn luôn ưu tiên nguồn lực cho các công trình, dự án ứng phó với BĐKH. Đây được xem là sự đầu tư lâu dài nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Đầu tư lớn để ứng phó với biến đổi khí hậu
Tháng 7-2018, dự án chống ngập khu vực ngã năm Biên Hùng có kinh phí 110 tỷ đồng hoàn thành và chính thức được đưa vào sử dụng. Khi công trình được vận hành, tình trạng ngập nước trên các tuyến đường xung quanh công viên Biên Hùng như: 30-4, Hưng Đạo Vương, Hà Huy Giáp đã cơ bản được giải quyết.
Trước đó, vào tháng 9-2017, một dự án thoát nước, chống ngập khác cũng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án nạo vét suối Săn Máu. Kể từ khi được đưa vào sử dụng, dự án đã góp phần làm giảm hẳn tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường tại một số phường trung tâm của TP. Biên Hòa. Ngoài ra, điều kiện sống của người dân hai bên bờ suối Săn Máu đã được cải thiện.
Đây là 2 trong số hàng loạt dự án lớn với mục đích ưu tiên ứng phó với BĐKH nằm trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được hoàn thành.
Ngoài ra, hàng loạt hồ chứa nước như hồ Cà Ròn (huyện Định Quán); hồ Suối Tre, Cầu Dầu (TX. Long Khánh); hồ Thoại Hương, Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ); hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc) cũng đang được tỉnh đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, ứng phó với BĐKH.
Dự án nạo vét suối Săn Máu nằm trong danh mục dự án ưu tiên ứng phó BĐKH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo UBND tỉnh, kết quả đánh giá tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh cho thấy, Đồng Nai là địa phương chỉ chịu những ảnh hưởng của tình trạng BĐKH ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, các nguy cơ lớn về tình trạng ngập lụt, cạn kiệt nguồn nước và xâm nhập mặn cũng là mối đe dọa rất lớn. Cũng theo đánh giá, các lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu sự tác động nhiều nhất của BĐKH trên địa bàn tỉnh là tài nguyên nước, năng lượng, nông nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.
Xuất phát từ thực tế trên, theo kế hoạch hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Đồng Nai đã đưa 64 dự án ứng phó với BĐKH vào danh mục ưu tiên với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu tập trung cho công tác chống ngập, thoát nước, các hồ đập thủy lợi và công trình chống xâm nhập mặn.
Ưu tiên cho những thách thức “nóng”
Đồng Nai là địa phương nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam. Bởi vậy, ngoài thành quả là tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tỉnh cũng chịu nhiều sức ép về môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng trong khi nguồn tài nguyên này đang ngày càng suy kiệt do ảnh hưởng của BĐKH. Tình trạng đó khiến Đồng Nai phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch. Thiếu nước sạch được xem là một trong những thách thức lớn nhất mà Đồng Nai sẽ phải đối mặt trong ngắn hạn lẫn dài hạn do ảnh hưởng BĐKH. Do đó, từ nhiều năm qua, vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên nước luôn được Đồng Nai đặc biệt quan tâm.
Trưởng phòng Tài nguyên nước, thuộc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Trần Thanh Dũng cho biết, những năm qua, Đồng Nai đã triển khai hàng loạt dự án điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá cơ bản về tiềm năng nguồn nước, hiện trạng và khả năng khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, như: Dự án điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nưới dưới đất tỉnh Đồng Nai;…
Đến nay, phần lớn các dự án nêu trên đã được triển khai và hoàn thành. “Từ những đánh giá này, tỉnh sẽ có định hướng trong việc hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất, bố trí và quy hoạch mạng lưới cấp nước nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước sạch nhưng vẫn không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Qua đó, sẽ đảm bảo dự trữ an toàn nguồn nước dưới đất, giải quyết được các trường hợp cấp bách do hạn hán và xâm nhập mặn do BĐKH và thời tiết cực đoan gây ra”, ông Dũng cho hay.
Ngoài bảo vệ nguồn nước, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, Đồng Nai cũng đang hướng đến mô hình “tăng trưởng xanh”.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu này, Đồng Nai đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP tối thiểu 8% so với năm 2010. Ngoài ra, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh chiếm trên 42% trong GDP cả tỉnh; 80% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 50% cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ sạch; tỷ lệ đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP. Cùng với đó, Đồng Nai cũng sẽ thực hiện lộ trình từng bước thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, năng lượng mới. “Đồng Nai sẽ chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết.
3 mục tiêu chính của Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020
a) Không thu hút đầu tư các dự án có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, hạn chế sự suy giảm đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường sống, hướng tới nền kinh tế xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
b) Tạo chuyển biến tích cực trong việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, vật liệu tái chế, cơ chế phát triển sạch (CDM).
c) Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, cơ bản giảm phát thải khí nhà kính.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập