Thư viện trong thời đại công nghệ số

Thứ ba - 13/11/2018 20:49
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Từ lâu, thư viện là địa chỉ văn hóa, giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên tiếp cận sách báo, trau dồi kiến thức về mọi mặt, góp phần nâng cao dân trí... Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển, bùng nổ thông tin qua các loại hình như internet, truyền hình, điện ảnh… thì phần lớn các thư viện đều rơi vào thực trạng chung là vắng dần bạn đọc, hoạt động trầm lắng.​

Để khắc phục tình trạng này, các thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.

Nhiều nơi vắng độc giả

Tìm hiểu tại các thư viện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy có ít độc giả tìm đến thư viện để đọc sách, mặc dù một số nơi đã được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang, hiện đại. Thư viện Trường đại học Đồng Nai được đầu tư xây dựng vào năm 2013 với diện tích 3.000m2, gồm 5 tầng lầu, kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Tại thư viện, có hơn 22.000 đầu sách các loại, gồm sách nghiên cứu, tham khảo, tạp chí… để phục vụ giảng viên và sinh viên của trường. Tuy nhiên, theo thống kê của thư viện trường, mỗi ngày có khoảng 300 lượt sinh viên đến đọc sách, mượn sách hoặc học nhóm. Đây là con số quá nhỏ so với một trường đại học có đông sinh viên của tỉnh. Phần lớn sinh viên sử dụng internet hoặc tham khảo tài liệu từ các nguồn bên ngoài.

Cán bộ phụ trách thư viện Trường đại học Đồng Nai Lê Trọng Vũ cho biết: “Do sự phát triển của công nghệ số nên bạn đọc chủ yếu sử dụng internet qua máy tính, điện thoại để tìm kiếm thông tin thay vì đến thư viện tìm sách như trước đây. Hiện tại, số lượng bạn đọc đến thư viện rất hạn chế. Trung bình một phòng có khoảng 100 sinh viên ra vào/ngày”.


Nỗ lực mang sách đến bạn đọc vùng sâu, vùng xa của Thư viện tỉnh qua chuyến xe lưu động.

Tại Thư viện TP. Biên Hòa, tỷ lệ bạn đọc đến với thư viện cũng rất ít, chủ yếu vài người về hưu đến đọc báo hoặc một số thanh thiếu nhi đến đọc truyện tranh. Chị Nguyễn Thị Yến, phụ trách Thư viện TP. Biên Hòa cho biết: Mặc dù thư viện ở ngay trung tâm nhưng số lượng bạn đọc đến đọc và mượn sách rất hạn chế. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự phát triển của công nghệ thông tin, học sinh trở nên lười đọc sách dẫn đến việc thư viện ngày càng vắng. Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng phần lớn sách tại thư viện thành phố đều cũ, kinh phí của đơn vị có hạn nên việc bổ sung đầu sách mới vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống máy tính truy cập internet miễn phí chỉ có 3 máy nên những bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thông tin, hay cập nhật tin tức online thì chưa đáp ứng nhu cầu.

Ở nhiều thư viện huyện, thị, khu vực trung tâm các thị trấn cũng nằm trong tình trạng bạn đọc không mặn mà đến thư viện. Có một thực tế đang diễn ra, tại nhiều xã vùng sâu, xa trung tâm, số lượng học sinh có nhu cầu đọc sách, mượn sách thì ít có điều kiện tiếp cận với thư viện. Phần lớn các thư viện trên địa bàn tỉnh chỉ mở cửa trong giờ hành chính và đóng cửa vào cuối tuần. Còn hệ thống thư viện trong trường học cũng đóng cửa vào mùa hè, chỉ mở cửa cho học sinh trong năm học. 

Đến Thư viện tỉnh vào các ngày trong tuần (từ thứ 3 đến thứ 7), chúng tôi ghi nhận, thư viện vẫn nằm trong tình trạng vắng vẻ. Ở các tầng lầu, sách được bổ sung mới liên tục, bày trí gọn gàng theo từng thư mục, báo và tạp chí được trưng bày hằng ngày nhưng chỉ có vài học sinh và một số ít cán bộ hưu trí ngồi đọc. Em Nguyễn Thị Thảo (sinh viên Trường đại học Đồng Nai) là một trong số ít sinh viên có thói quen đến thư viện cho hay: “Thư viện rất thoáng mát và nhiều sách phù hợp với nhiều chuyên ngành cho sinh viên nhưng em thấy số người đến đọc và mượn sách ở thư viện không nhiều. Có buổi phòng đọc chỉ mình em, có buổi được vài người”.

Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Lê Thị Dung cho rằng, hiện nay, học sinh, sinh viên phải học quá nhiều nên ít có thời gian đến thư viện. Nếu thực hiện tốt phương thức tự học sẽ khiến người học chủ động đi tìm sách để đọc.

Nỗ lực… thu hút bạn đọc

Để theo kịp với xu thế và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong thời đại công nghệ số, thời gian qua các thư viện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút bạn đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Thư viện tỉnh, các trường đại học… đã tổ chức chuyến xe lưu động, kết hợp luân chuyển sách, phối hợp xây dựng các tiết học ngoại khóa tại thư viện; ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức xây dựng thư viện trực tuyến. Việc xây dựng thư viện điện tử tại Thư viện tỉnh và thư viện các trường đại học giúp bạn đọc có thể ngồi bất cứ nơi đâu vẫn có thể tra cứu, đọc sách theo nhu cầu.

Cũng theo Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Lê Thị Dung, để thu hút bạn đọc, ngoài các giải pháp đã được thư viện tiến hành trong thời gian qua, các thư viện cần có sự chuyển mình, bắt kịp xu thế. Hơn nữa, thư viện cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc nâng cấp hệ thống máy móc. Bởi hiện nay, máy móc ở thư viện đã bắt đầu lạc hậu, không còn phù hợp, đòi hỏi cần được nâng cấp; đồng thời thư viện cần bổ sung thêm các thiết bị công nghệ phù hợp để tạo điều kiện cho bạn đọc không đến thư viện cũng có thể tiếp cận với sách của thư viện một cách nhanh nhất.

Tại buổi làm việc với Thư viện Đồng Nai mới đây, Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VH-TTDL Vũ Dương Thúy Ngà đánh giá cao phương thức đưa “sách đi tìm người” của Đồng Nai. Và nếu so sánh trong bức tranh tổng thể chung của thư viện cả nước, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng, thư viện ở Đồng Nai có những nét đậm và những nét nhạt. Không quá bi quan nhưng cũng chưa thật lạc quan.

“Ngoài việc phục vụ tại chỗ, Đồng Nai đã có biện pháp hiệu quả là đưa sách đến với trường học, vùng sâu vùng xa qua phương châm “sách đi tìm người”. Đây cũng là biện pháp hay để phát huy vốn tài liệu có trong các thư viện hiện nay. Tuy nhiên, để thu hút bạn đọc có hiệu quả, thời gian tới cần có sự đổi mới phương thức hoạt động, bắt đầu từ cán bộ thư viện, phải xuất phát từ lòng nhiệt huyết, thực sự lắng nghe bạn đọc. Nếu chỉ dừng lại tại chỗ “sách đi tìm người” hay bạn đọc cần thì mới đến thư viện thì có lẽ việc thu hút bạn đọc là vấn đề rất khó”, bà Vũ Dương Thúy Ngà nói.

Với sự bùng nổ của công nghệ, bạn đọc giảm sút là một thực tế tất cả các thư viện phải chấp nhận. Để các thư viện thu hút bạn đọc, ngoài việc tận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận sử dụng thông tin và tri thức, các thư viện cần nỗ lực sáng tạo, tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm đưa sách đến nơi cần đến và giao lưu với bạn đọc; đa dạng các loại hình sách báo… Thông qua các hoạt động đó sẽ góp phần khơi dậy phong trào đọc sách rộng rãi trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu người đọc đi tìm sách, chứ không phải dừng lại “sách đi tìm bạn đọc”. 

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây