Thời gian qua, các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh như BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai đã tiếp nhận và cứu sống nhiều bệnh nhân do tuyến dưới chuyển đến. Trong quá trình chuyển viện, giữa BV tuyến tỉnh và tuyến dưới đã có sự phối hợp, cập nhật tình hình ca bệnh nhằm kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Chuyển viện kịp thời
Gần đây, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai đã cứu sống một bệnh nhân bị đa chấn thương nặng. Bệnh nhân là Nguyễn Văn T., sinh năm 1984, ngụ tại xã Ðồi 61, huyện Trảng Bom. Bệnh nhân bị đả thương, có vết đâm ngang cổ, máu chảy nhiều. Ban đầu bệnh nhân T. được đưa vào Trung tâm Y tế (TTYT) Trảng Bom cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên TTYT Trảng Bom đã tiến hành sơ cứu rồi chuyển bệnh nhân lên BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai.
Bác sĩ tái khám cho bệnh nhân sau ca cấp cứu.
BS. Bùi Văn Linh, Phó khoa Ngoại lồng ngực, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai cho hay, khi tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng: lơ mơ, mạch, huyết áp đều không đo được. Băng ca chuyển bệnh nhân đầy máu do vùng cổ khó cầm máu.
Khi mổ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đứt sâu vùng cơ cổ, tĩnh mạch cảnh trong, động mạch đốt sống và động mạch cổ lên (là một trong những động mạch nuôi não), đứt rễ cổ C5, C6. BS. Linh nhận định: “May mắn của bệnh nhân là BV tuyến dưới chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và chuyển viện sớm nên bệnh nhân mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bởi chỉ cần chậm vài phút bệnh nhân sẽ tử vong do mất quá nhiều máu. Chúng tôi phải truyền 4,9 lít máu và các chế phẩm máu (10 đơn vị máu, 4 đơn vị huyết tương tươi) để cấp cứu bệnh nhân”.
Tăng cường phối hợp hai tuyến
Theo BS. Linh, khi các bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán chính xác, chuyển viện sớm, khả năng cứu sống bệnh nhân, nhất là các ca bệnh nặng sẽ rất cao. Ngoài ra, quảng đường ngắn, thời gian chuyển viện ít thì bệnh nhân sẽ có cơ hội sống cao hơn. “Bệnh nhân T. gần như đã chết. Nhưng nhờ TTYT Trảng Bom thông tin sớm về tình hình bệnh nhân để chúng tôi chuẩn bị trước nên bệnh nhân mới được cứu sống”, BS.Linh nói.
Theo BS. Phan Văn Phong, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, BVÐK khu vực Long Khánh, việc bệnh nhân vào viện sớm, cấp cứu đúng cách cũng rất quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân. Với những ca vượt quá khả năng, các BV tuyến dưới cần báo trước cho BV tuyến trên chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu. “Có sự báo trước, BV tiếp nhận bệnh nhân sẽ chủ động chuẩn bị để khi bệnh nhân tới có thể đưa vào phòng mổ ngay. Hơn nữa, BV cũng không rơi vào trạng thái bị động, mất nhiều thời gian nắm tình hình bệnh khi tiếp nhận các ca bệnh này”, BS. Phong chia sẻ.
Thời gian qua, với những bệnh nhân nặng, vượt quá khả năng chữa trị của mình, TTYT Nhơn Trạch đều chuyển viện lên các BV tuyến trên như: BVÐK Ðồng Nai, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai. “Vừa chuyển viện, chúng tôi vừa gọi điện thông báo tóm tắt tình hình của bệnh nhân cho các BV tuyến trên để họ chuẩn bị con người, phương tiện cứu bệnh nhân”, BS. Hồ Thanh Phong, Giám đốc TTYT Nhơn Trạch cho hay.
Việc thông báo trước về ca bệnh với các BV tuyến trên là việc làm cần thiết, nhất là những ca nhồi máu cơ tim, đa chấn thương nặng. Khi BV tuyến dưới trên đường chuyển bệnh, BV tuyến trên sẽ chuẩn bị nhân lực, thuốc men, máu, phòng mổ… sẵn sàng để cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay các BV chỉ thông tin, cập nhật tình hình ca bệnh qua điện thoại, chưa có quy trình “báo động đỏ” liên viện.
San Thái
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập